Chăm sóc SKSS vị thành niên: Gia đình và xã hội cùng vào cuộc

(Baohatinh.vn) - Trong thời kỳ hội nhập, với sự “nở rộ” của các loại văn hóa phẩm, mối quan hệ rộng mở, lối sống phóng khoáng, tuổi trưởng thành được trẻ hóa... đã khiến trẻ vị thành niên đứng trước nhiều nguy cơ, đặc biệt là việc mang thai ngoài ý muốn, bệnh lây truyền qua đường tình dục...

Hơn lúc nào hết, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) vị thành niên, thanh niên cần được quan tâm hiệu quả từ các cấp, ngành và những người làm cha, làm mẹ.

Tăng cường truyền thông trong trường học

Kế hoạch 3512 (tháng 10/2012) của UBND tỉnh về thực hiện kế hoạch tổng thể quốc gia về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe vị thành niên và thanh niên giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020 cùng với nguồn kinh phí 700 triệu đồng trong 2 năm 2015-2016 cho hoạt động CSSKSS vị thành niên, thanh niên đã tạo động lực mới cho những người thực thi nhiệm vụ.

Bác sỹ Trần Thị Kim Phương - Trưởng khoa CSSKSS vị thành niên thuộc Trung tâm CSSKSS tỉnh cho biết: “Trên cơ sở nguồn kinh phí đó, chúng tôi đã phân bổ về 13 huyện, thành, thị để xây dựng các câu lạc bộ, góc tuyên truyền thân thiện và đặc biệt là phối hợp với các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong mọi tầng lớp học sinh từ lớp 5 của bậc tiểu học đến THCS, THPT. Theo đó, đến nay, toàn tỉnh đã có gần 7.500 học sinh tham gia”.

cham soc skss vi thanh nien gia dinh va xa hoi cung vao cuoc

Diễn đàn sức khỏe sinh sản vị thành niên năm 2016 của Trường THPT Hà Huy Tập (Cẩm Xuyên) thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Từ sự vào cuộc của Trung tâm CSSKSS tỉnh, đoàn thanh niên, các nhà trường, thời gian qua, công tác tuyên truyền về SKSS tuổi học đường đã có sức lan tỏa, tạo nên một sân chơi bổ ích cho học sinh. Cùng với việc thành lập các câu lạc bộ về CSSKSS cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên, các nhà trường từ vùng nông thôn đến thành thị, đã chủ động mời cán bộ của trung tâm về tập huấn, truyền thông. Đặc biệt, ở huyện Đức Thọ, công tác tuyên truyền đã được chú trọng bằng việc thành lập ban chỉ đạo bao gồm sự vào cuộc của UBND huyện, đoàn thanh niên, phòng giáo dục…

Cô Phạm Thị Hồng Vinh - Phó hiệu trưởng Trường THCS Yên Trấn (Đức Thọ) cho biết: “Từ cuối năm 2015, trường chúng tôi cũng đã thành lập ban chỉ đạo và ra mắt câu lạc bộ CCSKSS do phó hiệu trưởng làm trưởng ban kiêm chủ nhiệm câu lạc bộ. Các hình thức sinh hoạt phong phú được duy trì thường xuyên như lồng ghép trong các giờ ngoại khóa hay các buổi chào cờ đối với học sinh khối 6, 7; tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề với học sinh khối 8, 9 về vấn đề CSSKSS, tuổi dậy thì - hành trang vào đời, các bệnh lây truyền qua đường tình dục; hãy chủ động tránh thai ngoài ý muốn... Đến nay, 100% học sinh toàn trường đều được tiếp cận kiến thức này”.

Em Mỹ Duyên - học sinh Trường THCS Hưng Đồng (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Em rất vui khi được tham gia những buổi truyền thông được tổ chức tại trường. Ban đầu còn e ngại nhưng từ những câu hỏi gợi mở của các bác sỹ ở trung tâm, chúng em dần mạnh dạn, tự tin hơn trong việc đưa ra những thắc mắc để được nâng cao kiến thức về CSSKSS”.

Ở bậc THPT, công tác tuyên truyền về SKSS tuổi học đường còn được các nhà trường tổ chức linh động, hấp dẫn bằng hình thức sân khấu hóa. Thầy Nguyễn Văn Lương - Bí thư Đoàn trường THPT Hà Huy Tập (Cẩm Xuyên) cho biết: “Cùng với các tiểu phẩm ở phần thi tài năng, chúng tôi còn soạn bộ câu hỏi gồm 100 câu phát cho học sinh để phục vụ phần thi kiến thức. Ngoài ra, phần thi câu hỏi dành cho khán giả với quan điểm là nói thẳng, nói thực đã thực sự thu hút đông đảo học sinh tham gia”.

Cần hơn nữa vai trò gia đình

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm CSSKSS tỉnh, năm 2015, toàn tỉnh có 312 vị thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn, trong đó có 12 ca nạo phá thai. Tuy nhiên, đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi hầu hết các đối tượng thanh niên chưa kết hôn, vị thành niên mang thai ngoài ý muốn khi đến các địa chỉ thực hiện dịch vụ nạo hút thai đều yêu cầu giữ bí mật... Điều đó cũng cho thấy lỗ hổng lớn trong công tác tuyên truyền cho giới trẻ về CSSKSS.

cham soc skss vi thanh nien gia dinh va xa hoi cung vao cuoc

Đoàn viên thanh niên xã Thạch Đài (Thạch Hà) giao lưu đối thoại SKSS vị thành niên, thanh niên.

Thực  tế cho thấy, mặc dù đã có sự vào cuộc của nhà trường, của các tổ chức xã hội liên quan, việc cung cấp kiến thức về CSSKSS cho lứa tuổi học đường ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế bởi hầu hết còn thiếu sự vào cuộc của gia đình - cụ thể là cha, mẹ, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chị Nguyễn Thị Tuyết ở Hồng Lộc (Lộc Hà) cho biết: “Suốt ngày đầu tắt mặt tối trên đồng ruộng, phần thì thời gian không có, phần thì e ngại và bản thân tôi cũng chưa hiểu nhiều về vấn đề này nên cũng không biết phải bắt đầu với con như thế nào. Thôi thì đành trông cậy cả vào nhà trường”.

Còn không ít bậc phụ huynh thiếu kiến thức về SKSS, mang nặng tâm lý e ngại, thiếu sự chủ động trong việc giáo dục giới tính cho con, trong khi đó, những trang “web đen”, văn hóa phẩm không lành mạnh lan tràn trên các trang mạng… đã vô hình trung đẩy trẻ vị thành niên vào thế “tự tìm hiểu”.

Em Nguyễn Thị Trâm ở Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) cho biết: “Vấn đề CSSKSS em chỉ nắm được phần nào nhờ một số ít kiến thức được học ở trường và những thông tin thu thập được trong các buổi ngoại khóa. Về nhà, em chẳng dám hỏi bởi bố mẹ bận suốt ngày. Hơn nữa, đây là vấn đề tế nhị, em cũng không biết bắt đầu từ đâu để hỏi. Còn nhớ, có lần chị gái cũng đã đề cập đến vấn đề này nhưng bị mẹ mắng và bảo chỉ cần lo học hành cho tốt là được. Từ đó, chúng em không dám nói với mẹ nữa”.

Tuyên truyền CSSKSS cho vị thành niên là việc làm cần thiết nhằm giúp thế hệ trẻ nhận thức rõ ràng hơn về SKSS, đồng thời, trang bị kỹ năng sống cũng như cách bảo vệ SKSS; tạo môi trường bình đẳng để các em trưởng thành. Chính vì thế, ngoài vai trò của nhà trường và các tổ chức xã hội, còn cần hơn nữa vai trò của gia đình, đặc biệt là cha mẹ đối với giáo dục giới tính, SKSS lứa tuổi vị thành niên, giúp các em nhận thức đúng đắn để tự tin trước ngưỡng cửa cuộc đời.

(Còn nữa)

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast