Chung tay thực hiện chương trình bán trú tại các trường tiểu học miền núi

(Baohatinh.vn) - Bên cạnh nhiều trường đã xây dựng thành công mô hình bán trú nhờ sự linh hoạt trong công tác xã hội hóa, rất nhiều trường cần được sự quan tâm, vào cuộc một cách đồng bộ, hiệu quả của các cấp chính quyền và đông đảo phụ huynh.

>> Chương trình bán trú ở các trường tiểu học miền núi: Khó trăm bề!

Bán trú - mô hình giáo dục toàn diện

Việc xây dựng, phát triển trường bán trú xuất phát từ xu thế chung của sự nghiệp giáo dục, cũng là nhu cầu của phụ huynh, học sinh (HS). Phát triển trường bán trú để HS có chỗ học cả ngày, được ăn ở tại trường, giảm đi lại cho phụ huynh trong việc đưa đón con, giúp phụ huynh HS yên tâm công tác, lao động, góp phần phát triển KT-XH. Mặt khác, việc thực hiện trường bán trú còn nhằm tăng tỷ lệ chuyên cần; giảm tỷ lệ HS bỏ học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tăng cường tính tích hợp trong các phân môn, nhằm củng cố, duy trì công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS; thực hiện đa dạng hóa các loại hình trường học, nâng cao nhận thức của người dân trong việc đầu tư cho giáo dục.

Chung tay thực hiện chương trình bán trú tại các trường tiểu học miền núi ảnh 1

Vì thiếu không gian nên Trường TH Sơn Kim 2 phải tận dụng hành lang sân nội trú để làm chỗ ăn trưa cho các cháu.

Thực hiện bán trú tạo điều kiện để HS rèn luyện kỹ năng sống, tính tự lập, sự sẻ chia, HS có điều kiện hoạt động thể chất; giảm bớt tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định; giảm quá tải ở các trường đã tổ chức bán trú, giảm tình trạng “chạy” trường, “chạy” lớp và tạo công bằng xã hội…

Trong chương trình đổi mới giáo dục, môn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (Tiếng Việt 1.CGD) được xây dựng từ 3 nguyên tắc cơ bản: phát triển, chuẩn mực, tối thiểu. Ba nguyên tắc này xuyên suốt toàn bộ hệ thống Bài học Tiếng Việt 1.CGD.

Nguyên tắc phát triển đòi hỏi mỗi sản phẩm của thời điểm trước (của một tiết học hay một bài học) đều có mặt trong sản phẩm tiếp sau. Vì thế, các bài học trong chương trình Tiếng Việt 1.CGD được xây dựng trên một trật tự tuyến tính logic, khoa học: tiếng, âm, vần, nguyên âm đôi.

Nguyên tắc chuẩn mực được thể hiện ở tính chính xác của các khái niệm khoa học, tính chuẩn mực trong cách lựa chọn thuật ngữ để định hướng và tổ chức quá trình phát triển của HS. Vì vậy, khi trẻ được học bán trú sẽ giảm bớt tình trạng bỏ học, tránh sự gián đoạn trong quá trình tiếp thu đối với môn học này.

Cần đồng thuận và đồng bộ

Hầu hết các trường tiểu học khi đi vào thực hiện bán trú đều thiếu cơ sở vật chất (CSVC). Quá trình thực hiện lại không có lộ trình rõ ràng, làm bán trú thiếu đồng bộ, theo kiểu “vừa chạy, vừa xếp hàng”. Theo nguyên tắc, trước tiên phải đảm bảo CSVC như hệ thống bếp ăn, phòng nghỉ, trang thiết bị phục vụ bán trú, hợp đồng chọn cô nuôi đủ điều kiện, rồi đến khâu cuối cùng mới tổ chức cho HS ăn. Nhưng rất nhiều trường vừa tổ chức ăn, vừa kiến thiết CSVC, có trường lại “gửi ăn” trước, xây dựng CSVC sau như chúng tôi đã đề cập. Còn nữa, chưa tuyên truyền cho phụ huynh nhận thức đầy đủ nhưng vẫn thực hiện bán trú dẫn đến thiếu sự đồng thuận từ phía phụ huynh, khiến cho việc bán trú đã khó càng khó thêm.

Thầy Đinh Sỹ Quân - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh thừa nhận: “Nan giải nhất trong thực hiện bán trú ở bậc tiểu học là thiếu CSVC và sự đồng thuận từ phía phụ huynh. Phụ huynh chưa đồng thuận là do đời sống của người dân còn khó khăn và nhận thức của họ về bán trú chưa đầy đủ”. Cùng nhận định với thầy Quân, bà Hà Thị Hiền - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê cho biết: “Trong hoàn cảnh thiếu CSVC và sự đồng thuận của phụ huynh, buộc các trường phải tận dụng mọi điều kiện có thể để thực hiện bán trú”.

Thực hiện bán trú là để HS có điều kiện phát triển thể chất, nhưng một số trường tổ chức bán trú “gửi” không những không đáp ứng được yêu cầu mà còn phản tác dụng, vì khẩu phần, thời gian ăn của trẻ mầm non với bậc tiểu học hoàn toàn khác nhau. Nếu nhà trường tổ chức được bán trú thì chế độ ăn, khẩu phần sẽ luân phiên thay đổi cho phù hợp để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ. Còn phụ huynh tự tổ chức nấu sẽ không đảm bảo được những yêu cầu trên. Có những trường do thiếu phòng nên buộc phải bố trí phòng ăn chung với phòng nghỉ dẫn đến mất vệ sinh… Việc tận dụng các không gian như hành lang, phòng nội trú, nhà xe để thực hiện bán trú không những không đảm bảo mà còn làm mất mỹ quan trường học…

Cũng phải nói thêm rằng, việc xây dựng trường bán trú khó khăn một phần xuất phát từ sự thiếu tầm nhìn chiến lược của những nhà quản lý giáo dục. Có nhiều trường sau khi được đầu tư xây dựng khang trang, những dãy phòng học cấp 4 cũ trở nên thừa, bị đập bỏ. Khi thực hiện mô hình bán trú, cần sử dụng thì không có.

Trước những bất cập trong quá trình xây dựng, phát triển mô hình bán trú ở bậc tiểu học, thiết nghĩ, ngành Giáo dục, các nhà trường, chính quyền các địa phương và phụ huynh cần chung tay thực hiện để mô hình bán trú phát huy hiệu quả bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast