Chuyện chưa biết về hai nữ học sinh thủ khoa

Tin vui hai nữ sinh thủ khoa trong kỳ thi Đại học đã làm xôn xao xóm nhỏ, xôn xao mái trường THPT ở một miền quê còn nhiều gian khó. Chuyện hai em học sinh bình thường, không có điều kiện để đến lò ôn thi ở Thành phố đạt Thủ khoa đã khiến cho bạn bè, phụ huynh, thầy cô giáo và những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, vỡ nhẽ ra một cách dạy và cách học….

Nơi 2 thủ khoa vẫn ngồi học hàng ngày

Cặp bài trùng…

Thầy Trần Ngọc Báu (GV Địa lý và Chủ nhiệm suốt trong 3 năm) không dấu niềm tự hào khi nhắc đến lớp 10N, 11N, 12N Trường PTTH Lý Tự Trọng; trong đó có Tín (Nguyễn Thị Tín) và Thu (Lê Thị Thu) với thành tích xuất sắc Thủ khoa trường Đại học (Tín Thủ khoa ĐH Lao động xã hội), Thu (Thủ khoa sử, ĐH Vinh )đã làm rạng danh truyền thống của Trường và Lớp. “ Đó là một cặp bài trùng”. Thầy Báu nhỏ nhẹ.

Có thể kể đến hàng loạt sự trùng hợp giữa hai nữ sinh này. Cùng lớp, cùng trường, cùng sở thích học khối C. Kỳ lạ hơn nữa là cả hai bạn đạt Thủ khoa với cùng số điểm 24,5 trong đó, cả hai đều có điểm thi môn Lịch sử là 8,75. Đó là chưa kể đến năm lớp 11, cũng như 12, Tín và Thu đều “ẳm” giải 3 trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử. Tín ở Thạch Trung, Thu ở Thạch Thanh, cách nhau một con đường, nhưng cả hai đều sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Nếu như Tín mồ côi bố lúc học lớp 7, thì bố của Thu tàn tật. Mẹ của hai em đều làm nghề nông, và đều có 7 sào ruộng khoán. “ Em và Thu đều thích mặc áo sọc, nhưng mỗi đứa ngoài áo đồng phục ở trường chỉ có đúng hai bộ cánh nữa thôi. Cả hai đều thích đội mũ vải mềm và thích ăn một thứ là khoai deo và kẹo cu đơ”. Tín kể.

“ Hai em đều nỗ lực ý chí vượt qua hoàn cảnh khó khăn của gia đình để học tập. Cả hai đều lặng lẽ, khiêm nhường, âm thầm, tranh thủ học mọi nơi, mọi lúc, nhất là đến lớp những giờ ra chơi các em đều truy bài, trao đổi với nhau về cách ghi nhớ sự kiện lịch sử, về cách phân tích đề và nhất là cách học Lịch sử trên bản đồ”. Cô Hợi (GV dạy Lịch sử trao đổi). “ Hai em là nữ nhưng ăn mặc giản dị, tập trung cho việc học tập. Cả Tín và Thu thường làm bài nhờ cô chấm . Và khi chấm bài cho hai em tôi đều nhận thấy một thiếu sót là văn các em viết thiếu cảm xúc và sáng tạo”. Cô Lan Anh cho biết. Còn thầy Báu (GVCN) thì hết lòng ca ngợi đức tính hiền lành, chăm chỉ, hòa nhã của hai em: “ Đây là biểu tượng của học sinh thân thiện và tích cực. Suốt trong ba năm làm Chủ nhiệm , các em côi tôi như bố, và không có điều gì không trao đổi”.

Hai tính cách: một xông xáo, một trầm tĩnh bổ sung cho nhau

Nếu như Tín là một Bí thư Đoàn suốt trong cả ba năm, năng nổ, nhiệt tình xông xáo, thì Thu lại trầm tĩnh, ít nói. Nếu như Tín đã có những thành tích ở lớp dưới như giải KK trong Kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện môn văn lớp 6,và lớp 8 và bề dày thành tích ấy còn được bổ sung liên tục với giải HS giỏi tỉnh môn Lịch sử (Lớp 11, lớp 12); Giải nhất trong cuộc thi : Rạng rỡ Hồng Lam (Do truyền hình Hà Tĩnh phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức), thì thành tích của Thu khiêm tốn hơn: “ Hồi học ở cấp dưới, em bận bế em, chăn bò cho bố mẹ, không có điều kiện để học, vì vậy, em không có thành tích gì đáng kể. May mà em cũng đạt học sinh tiên tiến !”. Ngay cả khi vào học lớp 10 L (trường THPT Lý Tự Trọng, Thạch Hà) Thu cũng chưa có biểu hiện của một học sinh có năng khiếu xuất sắc. “ Xuất sắc thì vào hết Trường PTTH năng khiếu tỉnh rồi”. Có người nhận xét. Nhưng đến lớp 11, Thu âm thầm lặng lẽ, có cuộc bứt phá ngoạn mục và vươn lên đứng vào tốp đầu trong lớp và là một trong ba thành viên tham gia thi HSG môn Lịch sử cấp tỉnh. Đặc biệt đến lớp 12, Thu âm thầm“ tăng tốc” và về đích với thành tích đáng nể. Một số bạn bè đặt cho Tín biệt danh Tín Sóc, thì biệt danh của Thu là Thu Rùa, mà là Rùa Vàng cơ đấy! . Hai tính cách một xông xáo, một trầm tĩnh chắc chắn bổ sung cho nhau. “ Cả hai được học trong mái trường giàu truyền thống . Trường mang tên anh hùng Lý Tự Trọng, cho nên tấm gương của người anh hùng có ý nghĩa cỗ vũ học sinh nơi đây học tập và rèn luyện”. Thầy Trần Trung Dũng- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh (nguyên Hiệu trưởng của Trường ) chia sẻ.

Tâm trạng ngổn ngang

Sau khi thi xong, Tín và Thu cũng như bao bạn bè khác thấp thỏm trông chờ kết quả. “ Buổi thi văn đầu tiên em bị sốt, nên mất 30 phút mới bắt đầu làm được bài. Buổi chiều thi môn Lịch sử, em đến phòng thi trong tâm trạng không mấy thoải mái, nhưng được chị gái động viên, em đã làm bài tốt. Nếu không có sự cố về sức khỏe chắc môn Văn em sẽ có kết quả khả quan hơn. Rất may là đề thi không xa lạ với chúng em. ở lớp , các thầy cô đã giảng dạy cho cả rồi”. Tín tâm sự. Còn Thu chậm rãi kể: “ Thi xong, chúng em cũng ra quán xem mạng. Khi đạt điểm Thủ khoa cả em và Tĩn vui mừng không kể xiết. Chúng em nhận được nhiều lời chúc mừng từ bạn bè, thầy cô, gia đình, và bác Bùi Xuân Thập (Bí thư huyện ủy huyện Thạch Hà), cô Bùi Thị Nga (Phó Chủ tịch huyện) đã đến trao quà động viên nữa ”

Từ trái qua phải: Thầy Báu (CN), cô Anh (GV Văn), Thu, Tín, cô Hợi (GV Sử), cô Nhung
Từ trái qua phải: Thầy Báu (CN), cô Anh (GV Văn), Thu, Tín,

cô Hợi (GV Sử), cô Nhung

Nhưng bây giờ các em ở trong tâm trạng, không đậu thì buồn tê tái và đậu rồi thì buồn tái tê vì lấy đâu tiền để học.

Chúng tôi đã đến nhà, tìm hiểu và chứng kiến nỗi vất vả khó khăn của hai em. Cả hai đều sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, đông con. Nhà Thu có 4 con, Thu là con cả , 4 anh chị em đang đi học. Thu nhập của một gia đình nông dân với 7 sào ruộng khoán ngoài thuốc thang cho người bố tật bệnh, còn lại các khoản đóng góp cho 4 người đi học quả là một gánh nặng quá tải. Còn với Tín hoàn cảnh ngặt nghèo hơn. Bố mất để lại 7 mẹ con mồ côi. Tín là con thứ 4, mẹ ốm đau triền miên, nuôi cho 4 chị em ăn học đã khó, bây giờ Tín ra Hà Nội nữa biết lấy tiền đâu ra. “ Tui nghĩ kỹ rồi. Con người ta Đậu ĐH là vui, con mình đậu Thủ khoa mà chảy nước mắt, không biết tui có ráng được cho cháu đi không. Nghe nói , ở ngoài đó, ăn ở đắt đỏ lắm. Những năm cháu đi học cấp 3, tiền học các thầy Báu , cô Hợi, cô Anh…và nhà trường miễn giảm cho. Rồi cháu còn được giải này, giải nọ, trợ cấp này, nọ (cũng đến vài triệu) để tự trang trải . Bây giờ ra Thủ đô,ít nhất tháng cũng phải tiền triệu, tui biết mần răng !?”. Bà NguyễnThị Đường (mẹ Tín) sụt sùi.

Chúng tôi đang ở trong nhà của em Tín. Hai thủ khoa đang cùng đọc sách ở nhà dưới, trên một cái bàn gỗ tạp, trong một ngôi nhà vách đất, mái tranh đã dột thấy trời. “ Ở nhà trên, chật, nóng quá, không học được. Hôm nay, không mưa, chúng em xuống học ở đây”. Tín tâm sự. Khi được hỏi về dự định, Tín buồn rầu, nhìn ra xa rồi nhỏ nhẹ: “ Em đang nhờ cô Hợi mượn nhà trọ nào chật cũng được nhưng re rẻ. Nhưng hôm qua cô nói là khó lắm. Em chỉ mong được ở nội trú, nhưng nghe nói nhà trường chỉ đủ chỗ nội trú cho các bạn con em chính sách. Còn ra học ngoài đó, em sẽ cố gắng kiếm việc bồi bàn hoặc rửa bát, quét nhà, việc chi cũng được miễn có ngày 3 cái bánh mì để ăn học là được!”. Nhìn vóc dáng mảnh dẻ của Tín, tôi vô cùng ái ngại.

Lãnh đạo huyện Thạch Hà gặp mặt và trao quà cho các em
Lãnh đạo huyện Thạch Hà gặp mặt và trao quà cho các em

Gợi ý một cách học cách dạy

Sự kiện hai học sinh nghèo không có điều kiện học ở các lò ôn thi, không có tiền bạc để mua hàng núi sách tham khảo khiến cho chúng ta rút ra nhiều bài học. “ Em chỉ đọc có 3 cuốn sách tham khảo văn của Thầy Trần Đình Sử, Phan Huy Dũng và cuốn Tư liệu văn 11, 12. Còn lại chủ yếu em học sách GK và trên lớp bài dạy của thầy cô”. Tín chia sẻ. “ Em nghe theo các thầy, cô. Học Văn là tự viết thêm bài văn, học Địa lý là phải thực hành và không xa rời cuốn Atlat . Học Lịch sử qua bản đồ Lịch sử và gắn với lịch sử địa phương”. Thu nói. Và vì thế, việc Tín đạt giải nhất cuộc thi Rạng rỡ Hồng Lam là minh chứng cho việc học không bó hẹp trong trang sách. “ Nhưng theo tôi, cái cốt lõi là xây dựng được môi trường, có không khí học tập. Nơi đó trí tuệ phải được tôn vinh”. Cô Dung (Hiệu phó) cho biết. Còn Thầy Báu –GVCN bổ sung: “ Xây dựng lớp vô cùng quan trọng. Phải gắn việc học ở trường và ở nhà ; cần khuyến khích HS tự học”. Cô Hợi có kinh nghiệm: “ Làm sao để học sinh hứng thú môn lịch sử là quan trọng nhất, trong đó thay đổi phương pháp gắn lịch sử địa phương trong mỗi bài dạy là hướng đúng. Học đến đâu là hiểu đến đó. Học chắc. Không vẹt”. Thầy Trần Trung Dũng cho rằng: “ Thắp sáng khát vọng say mê. Khuyến khích tự học , sáng tạo là vô cùng có ý nghĩa”.

Trong khi nhiều nơi học sinh quay lưng lại với khối C, với môn văn, chán văn, chán sử, không say địa, thì tại trường PT TH Lý Tự Trọng các lớp ban C vẫn được học sinh lựa chọn và yêu thích, bởi tại nơi đây, không nhiều những cây đa, cây đề (vì phần lớn chuyển vào trường PTTH năng khiếu tỉnh và các trường Thành phố Hà Tĩnh) nhưng có những tấm lòng thắp sáng được khát vọng học tập , nâng niu sáng tạo, không ngừng bồi dưỡng đời sống tâm hồn và tình cảm cho học sinh .

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast