Đã đến lúc thay đổi danh xưng "Giáo viên"

Tôi vào ngành giáo dục từ năm 1947, về hưu năm 1986 và đã trải qua công tác từ cơ sở trường đến tỉnh và Bộ GD&ĐT. Sau bấy nhiêu năm, nay suy ngẫm lại thấy có những vấn đề cần trao đổi. Những suy nghĩ này hoàn toàn xuất phát từ lợi ích chung của ngành bởi ở cái tuổi suýt soát 90 tôi không còn mong muốn nào khác. Ở đây tôi không nói về vấn đề lương bổng vì đã được nhiều người nói đến mà chỉ nói đến vấn đề danh xưng giáo viên.

Không hiểu do đâu và vì sao các ngành khác tốt nghiệp đại học vẫn được giữ danh xưng truyền thống là bác sĩ, kỹ sư, luật sư, kiến trúc sư... nhưng ngành giáo dục, một ngành mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã xem là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” lại không được giữ danh xưng truyền thống mà tốt nghiệp đại học thì chỉ được ghi đơn giản là “tốt nghiệp đại học đại học sư phạm” và danh xưng “giáo viên” như cán bộ công nhân viên là nghề không cần thiết đòi hỏi một bằng cấp nào cả và ngày nay đã ít được sử dụng.

Danh xưng Giáo viên có thể thay bằng Nhà giáo
Danh xưng Giáo viên có thể thay bằng Nhà giáo

Đây là một vấn đề có ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của xã hội đối với nghề thầy giáo và một sự thiệt thòi đối với đội ngũ thầy giáo. Trong thời kỳ bao cấp có nơi, có lúc giáo viên không được xem là cán bộ, công nhân viên. Trong giao dịch xã hội, tên của các bác sĩ, kỹ sư.... luôn luôn có danh xưng trước họ tên như BS. Nguyễn Văn A, KS. Trần Văn B còn giáo viên tốt nghiệp đại học thì chẳng biết ghi gì cả, chẳng lẻ lại ghi GV Nguyễn Văn B.

Trong khi đó nhân dân ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo” nên luôn dành những danh xưng trân trọng cho nghề thầy giáo. Danh xưng truyền thống “ông đồ”, “cụ đồ” ngày xưa chính là xuất phát từ học vị “sinh đồ” (nhà Nguyễn gọi là tú tài), học vị phong cho những người đỗ đủ 3 kỳ trong 4 kỳ thi Hương. Trước cách mạng tháng Tám, các thầy giáo được xã hội gọi một cách trân trọng là “ông giáo”, “bà giáo”, dạy cao đẳng tiểu học, (THCS) hoặc trung học đệ nhất cấp có bằng cử nhân cũng đã được gọi là “giáo sư” (professeur): “giáo sư trung học”. Ngày nay, danh xưng “giáo sư” đã được dành làm học hàm “giáo sư, phó giáo sư” phong cho những người dạy ở đại học.

Một điểm nữa cũng cần quan tâm là tình trạng “nhất thành bất biến” của danh xưng giáo viên. Giảng dạy suốt cả cuộc đời đến khi về hưu cũng chỉ được gọi là “giáo viên” chẳng có một danh hiệu nào khác hơn dù đã có công tác thành cho không ít học trò thành đạt trong cuộc đời. Trong quá trình công tác, dù cố gắng học hành đỗ đạt thạc sĩ, tiến sĩ cũng chỉ được gọi là giáo viên trong khi ở ngành y tế các bác sĩ nếu học hành thành đạt thì được gọi là bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II, ở đại học thì có GS - TS (giáo sư - tiến sĩ), GS - TSKH (giáo sư - tiến sĩ khoa học), vv...

Phải chăng do nhận thấy sự bất cập của danh xưng giáo viên nên khi cần tôn vinh người giáo viên, danh xưng “giáo viên” đã được thay bằng danh xưng “nhà giáo” như “nhà giáo tiêu biểu”, “Ngày nhà giáo Việt Nam”, “Nhà giáo ưu tú”, “Nhà giáo nhân dân” chứ không phải là “Ngày giáo viên Việt Nam”, “Giáo viên ưu tú”, “Giáo viên nhân dân”.

Từ những điều nhận xét trên, phải chăng đã đến lúc cần thay danh xưng “giáo viên”. Nếu không có danh xưng nào khác hơn, xứng đáng với nghề “cao quý nhất trong những nghề cao quý” thì có thể thay bằng danh xưng “NHÀ GIÁO” đồng nhất với các danh xưng “Ngày nhà giáo Việt Nam”, “Nhà giáo ưu tú”, “Nhà giáo nhân dân”. Trường đại học sư phạm có nhiệm vụ đào tạo các NHÀ GIÁO , tốt nghiệp thì được ghi là Nhà giáo chứ không chỉ ghi đơn giản là “tốt nghiệp đại học sư phạm” như hiện nay và các thầy cô giáo có thể tự hào ghi danh xưng đó trước họ tên của mình NG. Nguyễn Văn A, NG. Trần Thị C... và khi đạt được các học vị thạc sĩ, tiến sĩ thì có thể ghi thêm NG - Ths. Nguyễn Văn A, NG - TS. Nguyễn Thị B...

Việc thay đổi này không quá khó như vấn đề lương bổng, không đòi hỏi tiền bạc, chỉ cần thay đổi tư duy vì đây cũng chỉ là một vấn đề thuộc về nhận thức và thói quen mà thôi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast