Đăng ký môn thi THPT quốc gia: Học sinh lại “né” lịch sử!

(Baohatinh.vn) - Để xét công nhận tốt nghiệp tại kỳ thi quốc gia THPT, học sinh (HS) phải đăng ký thi tối thiểu 4 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số 5 môn gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Theo đó, bên cạnh một số môn được hầu hết các thí sinh lựa chọn, thì Lịch sử lại có rất ít HS quan tâm.

dang ky mon thi thpt quoc gia hoc sinh lai ne lich su

Giờ ôn tập môn lịch sử ở Trường THPT Hồng Lĩnh.

Sợ khó đạt điểm cao

Qua kết quả khảo sát của nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Tĩnh, năm nay, xu hướng HS chọn các môn Địa lý, Vật lý vẫn tiếp tục áp đảo so với các môn tự chọn còn lại. Riêng đối với môn Lịch sử, tỷ lệ HS đăng ký cũng rất ít .Theo các giáo viên, sở dĩ HS vẫn “né” môn Lịch sử vì xu hướng chung, đây là bộ môn khó nhớ, HS phải học quá nhiều mà khả năng điểm liệt lại cao.

Tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Đức Thọ), trong số 520 HS lớp 12 thì chỉ có 1 em chọn thi môn Lịch sử. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại hầu hết các trường như: THPT Hồng Lĩnh có 18/337 em thi môn Lịch sử, THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) 13/503 em, THPT Thành Sen 14/250 em…

Cô Cao Thị Thu Hiền - giáo viên Lịch sử Trường THPT Hồng Lĩnh cho biết: “Qua quá trình giảng dạy, tôi thấy phương pháp dạy môn Lịch sử của trường những năm gần đây có nhiều đổi mới và có khá nhiều HS thích học, nhưng nhìn vào khối lượng kiến thức với nhiều con số, sự kiện, chương trình, kiến thức rộng, khó nhớ… nên các em vẫn ngại chọn môn Lịch sử. Thay vào đó, nhiều em chọn môn Địa lý bởi đây là môn khoa học xã hội nhưng mang tính chất của khoa học tự nhiên, dễ học, dễ đạt điểm hơn”.

Thực tế cũng cho thấy, một số ít HS mạnh dạn chọn môn Lịch sử tại kỳ thi này không phải vì tự tin vào kiến thức hay yêu thích mà bởi sự lựa chọn khối thi đại học. Em Nguyễn Thị Yến Nhi - Trường THPT Đồng Lộc cho biết: “Em cùng vài bạn trong lớp thi Học viện An ninh nhân dân nên đã lựa chọn bộ môn Lịch sử”.

Lo ít cơ hội việc làm

Thực tiễn cho thấy, HS hiện nay đang có xu hướng khá thực dụng là học gì thi nấy. Do vậy, để vào được các trường học như mong muốn, các em sẽ tập trung học và đăng ký những môn theo khối thi mà mình chọn. Trên thực tế, các môn khoa học xã hội nói chung, trong đó có môn Lịch sử không chiếm ưu thế so với các môn khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ. Trong khi đó, khối ngành có môn Lịch sử thường khó xin việc. HS theo học môn Lịch sử ra trường chỉ có thể làm được những việc như nghiên cứu trong các viện liên quan đến lịch sử, giáo viên dạy Sử…

Cô Lê Minh Phượng - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: “Từ công tác tư vấn phân luồng và nhu cầu thực tế của xã hội nên hầu hết HS nhà trường đều có nguyện vọng thi vào khối A, A1, D. Trong tổng số gần 500 HS có nguyện vọng thi vào đại học thì chỉ có khoảng 20 em có nguyện vọng thi khối C. Đó cũng là một trong những lý do lý giải việc có ít HS lựa chọn thi môn Lịch sử”. Em Phạm Thị Trang - Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai chọn khối A để thi đại học, chia sẻ: “Em cũng yêu thích môn Lịch sử, nhưng từ thực tế của các anh chị đi trước, học khối C sau này ra trường rất khó xin việc nên em đã không chọn khối C cũng như bộ môn này”.

Có thể nói, HS không lựa chọn môn Lịch sử không hẳn vì không yêu thích môn học này mà do nhiều tác động khách quan khác. Tuy nhiên, tình trạng HS “né” học, sợ thi môn Lịch sử và sự yếu kém về tri thức lịch sử khiến nỗi lo “mất gốc” trong một bộ phận giới trẻ ngày càng tăng. Đặc biệt, những năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã siết chặt kỷ cương trong thi cử thì những nhận thức lệch lạc, hiểu biết mơ hồ về kiến thức lịch sử ở một bộ phận HS càng rõ nét. Chính vì thế, ngoài việc đổi mới phương pháp dạy học, tạo những sân chơi ngoại khóa bổ ích thì việc làm thế nào để thay đổi quan điểm: học gì thi nấy trong HS là điều hết sức cần thiết. Bởi Lịch sử không chỉ đơn thuần là một môn học mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đây là môn học đưa các em trở về với cội nguồn dân tộc, giáo dục các em ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, ý thức trách nhiệm của bản thân với quê hương, đất nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast