Để công tác đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực

Khi thực tế số lượng sinh viên đại học ra trường ngày càng có ít cơ hội tìm kiếm việc làm ở các cơ quan, đơn vị mà điển hình là ngành sư phạm với số lượng giáo viên thừa gần 1.000, thì ở một số công trường, nhà máy, các khu công nghiệp trên địa bàn trong và ngoài tỉnh dường như vẫn còn khát một nguồn nhân lực chất lượng cao - những tay thợ thực sự lành nghề. Thế nên vấn đề đào tạo nghề đáp ứng với nhu cầu xã hội vẫn đang là đề tài nóng bỏng cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ngành liên quan.

Từ việc nâng cao chất lượng dạy nghề

Cùng chung tay tìm lời giải cho bài toán thùa thầy, thiếu thợ, ngoài sự vào cuộc của ngành giáo dục trong công tác phân luồng, thời gian qua Sở LĐTB&XH cũng đã tăng cường phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề. Ông Nguyễn Văn Hiển- Trưởng phòng quản lý đào tạo nghề - Sở LĐTB&XH cho biết: “ Hiện toàn tỉnh đã có 37 cơ sở dạy nghề gồm 35 đơn vị trực thuộc địa phương và 2 đơn vị trực thuộc trung ương đào tạo các loại hình dài hạn và ngắn hạn. Trung bình mỗi năm các cơ sở đào tạo nghề cho hơn 20.000 lượt lao động, trong đó trình độ cao đẳng nghề hơn 3.000 người, trung cấp hơn 6.000 người, số còn lại được đào tạo ngắn hạn chủ yếu là lao động nông thôn và các đối tượng đặc thù”.

Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, thời gian qua ngoài việc liên kết với Tổng Cục dạy nghề đào tạo thêm về nghiệp vụ sư phạm, nâng cao chất lượng cho đội ngũ giáo viên, việc hoàn thiện các chương trình giảng dạy cũng ngày càng được chú trọng hơn trước. Cùng với các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ở trong nước, mỗi năm toàn tỉnh còn có hàng chục giáo viên ở các trường dạy nghề được gửi đi đào tạo, nâng cao trình độ ở nước ngoài. Song song với hoạt động củng cố đội ngũ, sự tiếp tục của dự án Tăng cường năng lực dạy nghề với tổng kinh phí thực hiện năm nay dự kiến 162,5 tỷ đồng - cụ thể ngân sách chi thường xuyên cho hoạt động dạy nghề khoảng 25 tỷ đồng; nguồn vốn vay tài trợ, tự đầu tư 84,4 tỷ đồng; dự án phát triển dạy nghề là 14 tỷ đồng... đã tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề trong việc đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học nghề của người lao động.

Giờ thực hành của sinh viên trường Cao đẳng nghề Việt Đức
Giờ thực hành của sinh viên trường Cao đẳng nghề Việt Đức

Ông Nguyễn Văn Hiển - Trưởng phòng Lao động việc làm- Sở LĐTB&XH cho biết thêm: “Đến nay 100% giáo viên tại các trường nghề đã đạt chuẩn, ở hệ đào tạo nghề dài hạn có 2 đơn vị đạt chuẩn quốc gia; trường Cao đẳng nghề Hà Tĩnh cũng đang trong giai đoạn thẩm định phấn đấu đạt chuẩn. Riêng ở trường cao đẳng nghề Việt Đức, hiện đang tiếp tục pha 3 của dự án; trường trung cấp nghề Hà Tĩnh cũng đang được ODA đầu tư 3 triệu USD để trang bị thêm CSVC, máy móc, xe cộ ...; Trường công nghệ cũng đang đầu tư xây dựng CSVC mới gồm 3 nhà xưởng, và nguồn kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học trong năm nay là 10 tỷ đồng...”. Sự chuẩn hoá về đội ngũ cán bộ giảng dạy; việc chú trọng đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhà xưởng đáp ứng nhu cầu đào tạo đã thực sự mở ra những triển vọng mới cho công tác đào tạo nghề trên địa bàn toàn tỉnh.

Đến niềm vui của những người thợ

Theo quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh giai đoạn 2011-2020, nhu cầu nguồn nhân lực qua đào tạo của tỉnh là 155.000 người. Số liệu ấn tượng ấy đã trở thành tín hiệu vui, tiếp thêm niềm tin cho những học sinh - sinh viên đang chập chững những bước đi đầu tiên ở các trường dạy nghề. Và điều đáng mừng là thực tế cuộc sống cũng đã thực sự ưu ái cho những tay thợ khi những năm tháng miệt mài của các em đã được đền đáp. Đó là công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Nguyễn Văn An ở Can Lộc là một trong rất nhiều học sinh như thế. Theo học nghề hàn tại trường Cao đẳng nghề Việt Đức, ước muốn tạo dựng cho mình một cuộc sống ổn định từ bàn tay khối óc đã giúp An không ngừng cố gắng ngay từ những ngày đầu tiên đến với trường nghề. Cuộc sống đã thực sự đổi thay khi An may mắn tìm kiếm được việc làm tại một nhà máy ở Hàn Quốc với mức thu nhập hơn 20 triệu đồng/ tháng. Sau 3 năm cật lực lao động ở xứ người, An đã tích luỹ được một số vốn đáng kể về quê hương mở xưởng cơ khí.

Cũng sinh ra ở mảnh đất nghèo Lộc Hà, học lực lại chỉ ở mức trung bình nên Lê Đức Hải cũng đã sớm xác định cho mình con đường lập nghiệp duy nhất là làm thợ. Tốt nghiệp trường Trung cấp kỹ nghệ Hà Tĩnh với tấm bằng lái máy ủi, sau chặng đường gian nan xin việc tại các công ty không thành công, cuối cùng Hải cũng đã tìm kiếm được cho mình công việc phù hợp với nghề ở một doanh nghiệp chuyên về xây dựng. Hải cho biết: “Dẫu phải thường xuyên nay đây mai đó để đi theo những công trình nhưng em rất vui bởi đã tìm được việc làm. Thu nhập hiện tại của em mỗi tháng cũng được 3,5 triệu đồng, trừ các khoản chi phí hàng tháng em cũng đã có tiền gửi về để phụ giúp gia đình”.

May mắn hơn một số bạn cùng học, với tay nghề vững chắc Võ Văn Tân ( Lộc Hà) đã sớm lọt vào “tầm ngắm” của một công ty con thuộc tập đoàn Lilama ngay những ngày em còn đi thực tập. Với sự kết nối của nhà trương, ngay sau khi kết thúc khoá học, Tân đã có được việc làm với mức thu nhập ổn định mỗi tháng gần 4 triệu đồng.

Dẫu bước khởi đầu trong chặng đường xin việc của mỗi học sinh- sinh viên ở các trường nghề muôn nẻo khác nhau, nhưng dường như cuối cùng vận may đều đã mỉm cười với họ khi họ đều tìm kiếm được việc làm phù hợp với tay nghề, với năng lực, sở trường. Và cũng theo báo cáo của Phòng quản lý đào tạo nghề thì có đến 90% lao động qua đào tạo ở các trường nghề tìm kiếm được việc làm ở các công ty, xí nghiệp trong và ngoài nước. Sự chuyển động của các ngành chức năng, sự quan tâm của tỉnh trong công tác đào tạo nghề, đặc biệt là việc đào tạo theo nhu cầu thực tế đã thực sự mở ra cơ hội lớn cho những người thợ khi họ thực sự khẳng định được tay nghề, khi nhu cầu về nguồn nhân lực của tỉnh nhà vẫn còn rất lớn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast