Điều rút ra từ quy hoạch hệ thống trường học ở Hà Tĩnh

Là một địa phương có truyền thống hiếu học, nhưng do kinh tế chưa phát triển, cơ sở vật chất quá nghèo, có 45% số xã miền núi nên việc đầu tư cho giáo dục ở Hà Tĩnh gặp không ít khó khăn, nhất và việc quy hoạch hệ thống trường học các cấp.

Trường Mai Thúc Loan (Thạch Hà) sau 8 năm thành lập. Ảnh: Thanh Bình
Trường Mai Thúc Loan (Thạch Hà) sau 8 năm thành lập. Ảnh: Thanh Bình

Hà Tĩnh có 262 đơn vị hành chính cấp xã, 1,3 triệu dân nhưng chỉ có 28 trường THPT. Số học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT hàng năm trên dưới 65%, có địa phương chỉ trên 50%. Số học sinh không được vào THPT, không có việc làm là nỗi băn khoăn lo lắng của các bậc phụ huynh và đoàn thể. Bậc THCS và tiểu học hình thành theo đơn vị hành chính xã, có xã 2 trường; các lớp mầm non chủ yếu ở thôn bản, sử dụng hội quán thôn làm lớp học.

Ngành giáo dục tỉnh đã nhạy cảm nắm bắt và phát hiện những điều bất hợp lý trong công tác giáo dục nói chung và hệ thống trường lớp nói riêng để tham mưu cho cấp tỉnh uỷ ban hành nghị quyết chuyên đề về xã hội hoá và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ngành xác định việc quy hoạch sắp xếp hệ thống trường học là một trong những khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo đầu tư có hiệu quả, phù hợp với yêu cầu nâng cao dân trí cả trước mắt và lâu dài. Ngành xây dựng đề tài khoa học về “quy hoạch và sắp xếp hệ thống trường học các cấp”, vừa nghiên cứu đề xuất các giải pháp có căn cứ khoa học, vừa trực tiếp chỉ đạo từng bước quy hoạch sắp xếp trường học ở một số địa phương để rút kinh nghiệm. Đây là một cách làm mới đảm bảo đề tài khoa học có tính khả thi cao, từ lý luận để soi thực tiễn và từ thực tiễn để bổ sung cho lý luận, cho các luận cứ khoa học.

Sau 8 năm thực hiện, đến nay hệ thống trường học các cấp ở tỉnh đã được quy hoạch tương đối hợp lý. Hệ thống trường mầm non và tiểu học được hình thành theo đơn vị hành chính xã. Ở một số địa phương dân số đông, địa bàn cách trở được hình thành cụm, lớp mầm non liên thôn, thành lập thêm trường tiểu học theo vùng. Bậc THCS từ 273 trường được sắp xếp lại còn 197 trường liên xã. Tỉnh đã thành lập thêm 17 trường THPT, đưa tổng số trường THPT toàn tỉnh lên 45 trường, thành lập trường đại học đa ngành và nâng cấp một số trường chuyên nghiệp từ trung cấp lên cao đẳng.

Thực tiễn ở một số đơn vị làm tốt công tác quy hoạch sắp xếp trường học như huyện Thạch Hà, Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân, Lộc Hà và Thành phố Hà Tĩnh cho thấy: Trước hết phải tạo được sự thống nhất về nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về ý nghĩa của quy hoạch trường lớp đối với chất lượng học hành của con em, từ đó để đấu tranh chống tư tưởng cục bộ địa phương, tâm lý ngại con em đi học xa, phải đóng góp nhiều... Phải khảo sát thực trạng hệ thống trường học, dự báo chiều hướng phát triển dân số, sĩ số học sinh trong những năm tới để định hình quy hoạch hệ thống trường và định vị nơi xây dựng trường mới một cách khoa học, có sức thuyết phục. Lộ trình, bước đi, cách làm phải hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế, năng lực tổ chức chỉ đạo để có định hướng đầu tư cả trước mắt, lâu dài; vừa khai thác tốt mọi nguồn vốn đầu tư xây dựng trường mới, vừa tận dụng cơ sở vật chất và khuôn viên trường cũ làm trường mầm non, trường tiểu học, làm trụ sở, công trình phúc lợi... không gây lãng phí trong xây dựng cơ bản.

Một giờ học tại Trường THPT Lê Quý Đôn

Cùng với việc quy hoạch hệ thống trường lớp, tỉnh đặc biệt quan tâm việc huy động mọi nguồn lực trong dân, từ cơ sở, của mọi tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, trước hết là sự nổ lực vươn lên của ngành giáo dục để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cả về chuyên môn, giáo dục đạo đức, thể chất, cơ sở vật chất và môi trường giáo dục... Với những cố gắng nói trên, hệ thống trường học ở Hà Tĩnh được quy hoạch sắp xếp tương đối hợp lý, khắc phục hiện tượng dạy kê, dạy chéo môn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo được phong trào thi đua dạy tốt, học tốt khá sâu rộng trong các trường học. Toàn tỉnh hiện có 473 trường học bốn cấp đã đạt chuẩn quốc gia, riêng bậc tiểu học đạt chuẩn quốc gia 95%, là một trong những tỉnh về đích sớm phổ cập tiểu học, THCS và đã có 100/262 xã hoàn thành phổ cập bậc trung học. Mỗi năm có từ 9.500 – 12.500 học sinh trúng tuyển vào đại học và cao đẳng. Cơ sở vật chất trường học được tăng cường, tất cả các trường từ tiểu học đến THPT có nhà học cao tầng, phòng học kiên cố THPT 100%, THCS 53%, Tiểu học 60%. Nhiều năm gần đây, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh dẫn đầu về công tác giáo dục, được nhà nước tặng thưởng huân chương độc lập hạng nhì và cờ đơn vị thi đua xuất sắc.

Trường ĐH Hà Tĩnh

Tuy vậy, quy mô các trường THCS ở một số địa phương còn quá nhỏ, Hơn 50% số trường THCS quy mô dưới 14 lớp, trong đó có 43 trường từ 10 lớp trở xuống, có trường mỗi lớp chỉ trên dưới 20 học sinh. Do quy mô nhỏ nên không hình thành được khối lớp và tổ bộ môn của giáo viên. Việc phân bổ giáo viên rất khó khăn. Theo định mức 1,95 GV/lớp, thực tế đã phân bổ 2,13 GV/lớp (thừa trên định mức 537 giáo viên). Riêng 100 trường dưới 14 lớp đã bố trí hệ số 2,22 GV/lớp, nhưng một số môn học vẫn không có giáo viên (13 trường không có giáo viên Địa, 2 trường không có giáo viên Sinh Hoá, nhiều môn các trường chỉ bố trí được một giáo viên). Kinh phí để trả lương cho hơn 500 giáo viên được bố trí trên định mức không phải là ít nhưng không thể giảm biên chế chừng nào quy mô trường học chưa được sắp xếp lại. Mỗi khi không hình thành được tổ bộ môn thì sự đua tranh trong giảng dạy, học tập tất yếu sẽ hạn chế.

Phân tích sĩ số học sinh cuối cấp của bậc tiểu học và THCS toàn tỉnh năm học 2009 – 2010 cho thấy số học sinh lớp 9 nhiều hơn lớp 5 là 27%, có 3 huyện học sinh lớp 9 nhiều hơn 36 – 40%. Nếu bình quân 30 em/lớp thì bốn năm sau sẽ giảm 144 lớp 9. Đối với những trường đã sáp nhập, sau 8 năm sĩ số học sinh vẫn giảm từ 30 - 40%.Vậy điều gì sẽ xẩy ra về phân bổ giáo viên, sử dụng công năng trường học và chất lượng giáo dục khi số lớp và số học sinh lớp 5 hôm nay sẽ là lớp 9 của 4 năm sau?. Hiện còn 5 huyện trên một nữa số trường học THCS quy mô chưa hợp lý nhưng chưa được sắp xếp lại, càng chậm trể càng lãng phí về biên chế giáo viên, cơ sở vật chất và sự mai một về kiến thức văn hoá của con em.

Ông Nguyễn Khắc Hào – Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Tĩnh: “Cơ sở khoa học của việc quy hoạch sắp xếp trường học đã được kiểm chứng trong thực tiễn. Những địa phương làm tốt việc này chất lượng giáo dục đã nâng lên rõ rệt. Ngành đã và sẽ tham mưu kịp thời, nhưng nếu cấp uỷ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể các cấp, nhất là cơ sở khôngtạo được sự thống nhất về nhận thức, không chỉ đạo quyết liệt thì một chủ trương đúng khó đi vào cuộc sống”.

Hà Tĩnh là một trong những tỉnh sớm có chủ trương quy hoạch hệ thống trường học, có kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện, được Bộ và các tỉnh ghi nhận, nhưng vẫn còn nhiều điều trăn trở. Chắc chắn nhiều tỉnh và thành phố trong cả nước không nằm ngoài một thực tế nói trên. Một lời giải đúng và kịp thời lúc này sẽ đem lại hiệu quả không nhỏ về kinh tế và chất lượng giáo dục.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast