Đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy lịch sử

(Baohatinh.vn) - Nỗi vui mừng của học sinh (HS) khi Bộ GD&ĐT thông báo năm nay sẽ không bắt buộc thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử; tỷ lệ HS đăng ký dự thi môn học này tại một số trường học trong kỳ thi năm nay thấp đã gây ra những phản ứng trái chiều không chỉ về thái độ ứng xử của HS mà rộng hơn là việc dạy và học môn Lịch sử. Chính vì thế, trong kỳ thi vào lớp 10 THPT năm nay, quy định Lịch sử là một trong những môn thi chính đã tạo sự đồng thuận cao trong dư luận.

Buổi học nhóm của học sinh Trường THPT Thành Sen (TP Hà Tĩnh).
Buổi học nhóm của học sinh Trường THPT Thành Sen (TP Hà Tĩnh).

Nhận định về tầm quan trọng của môn Lịch sử, trong một bài báo gần đây được đăng tải trên Bản tin Giáo dục và thời đại, GS Phan Huy Lê cho rằng: “Trong giáo dục phổ thông, như kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, Sử phải được coi là môn cơ bản, bắt buộc. Chức năng của môn Sử không phải chỉ trang bị một số kiến thức lịch sử cần thiết, chọn lọc, mà cơ bản hơn là bồi dưỡng tinh thần yêu mến lịch sử dân tộc, trân trọng các giá trị lịch sử và văn minh nhân loại, rèn luyện tư duy sử học, giáo dục các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bồi dưỡng năng lực và phẩm chất con người”.

Nhưng thực tế cho thấy, môn Sử trong chừng mực nào đó vẫn chưa được đánh giá đúng tầm trong giáo dục ở các cấp học phổ thông và phần lớn HS vẫn chưa tìm thấy hứng thú trong học Sử. Cũng theo đánh giá của các nhà nghiên cứu chuyên môn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này hoàn toàn không phải do HS, không phải do bản thân môn Sử mà nói cách khác là do chương trình sách giáo khoa và phương pháp dạy Sử hiện nay.

Cùng với ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhiều hội thảo khoa học cũng cho rằng, sách giáo khoa Lịch sử khô khan và đòi hỏi HS phải học thuộc lòng các sự kiện lịch sử. Bên cạnh đó, trong cấu trúc chương trình, Sử lại bị coi là “môn phụ”, có năm thi tốt nghiệp, năm không thi. Vì vậy, ít được sự đầu tư vào bài giảng, tài liệu khoa học phụ trợ, không thay đổi phương pháp, phương tiện dạy và học; tâm lý của người dạy và người học chưa thực sự coi trọng môn học này.

Việc khơi dậy lòng tự hào và ý thức dân tộc trong mỗi trang sử không phải chỉ có học thuộc lòng cái có sẵn, đúc kết sẵn là có thể rút ra ngay bài học kinh nghiệm, ý nghĩa của lịch sử. Cái mà HS có thể học được ở đây là làm sao có thể cảm nhận những mất mát hy sinh, đóng góp to lớn của những thế hệ đi trước, những chuyển biến về nhiều lĩnh vực xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa... trong các giai đoạn lịch sử khác nhau để từ đó ý thức được việc giữ gìn thành quả của cha ông trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khơi dậy trong tâm hồn thế hệ trẻ lòng biết ơn sâu sắc, lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, thêm yêu những trang sử hào hùng của dân tộc.

Những câu chuyện người thật, việc thật, những hình ảnh sinh động, những câu chuyện mang tính thông tin, mang hơi thở của thời cuộc, những lời văn giàu cảm xúc, gần gũi, dễ đọc chắc chắn dễ đi vào tâm trí người đọc. Nhà giáo dục Nguyễn Ngọc Đại từng phát biểu: “Có thể ví sách giáo khoa và sách bài tập như một bộ tiểu thuyết hấp dẫn người đọc trên từng trang sách mà cái đọng lại là tư tưởng chủ đạo của sách (cả nội dung lẫn phương pháp)”. Nhưng cho đến nay, những tài liệu vô cùng phong phú và hấp dẫn ấy lại ít được đưa vào sách dưới dạng truyện kể, hoặc có được đưa vào sách thì cũng trở nên khô khan, khó học và khó nhớ.

Vì thế, để cải thiện tình trạng này, ngoài việc xem xét lại nội dung, chương trình sách giáo khoa thì giáo viên cũng cần đổi mới phương pháp giảng dạy. Bên cạnh đó, việc đưa môn Sử vào danh mục những môn thi bắt buộc tại các kỳ thi như kỳ thi vào lớp 10 THPT năm nay cũng được xem là một trong những giải pháp để tìm đúng vị trí, xác định đúng vai trò và nhấn mạnh tầm quan trọng của môn Lịch sử, từ đó, khơi gợi trong tâm trí các em sự say mê, yêu thích và cảm hứng bất tận về lịch sử dân tộc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast