Du lịch học đường - học mà chơi, chơi mà học

(Baohatinh.vn) - Khi mô hình trường học VNEN được áp dụng trên địa bàn, nhiều công ty du lịch lữ hành đã nhanh nhạy nắm bắt xu thế của khách hàng, triển khai gói dịch vụ du lịch học đường, được nhiều học sinh, phụ huynh và giáo viên ghi nhận.

Du lịch học đường - học mà chơi, chơi mà học ảnh 1

Học sinh Trường THCS Sông Trí (Kỳ Anh) tham quan, tìm hiểu Khu di tích Nguyễn Du. Ảnh: A.H.

Tiên phong trong triển khai dịch vụ mới lạ này có thể kể đến Công ty CP Dịch vụ và Du lịch My Tour. Có ý tưởng và từng triển khai từ năm 2006, nhưng thời điểm đó, nhu cầu khách hàng không lớn, My Tour chỉ dừng lại ở một vài chương trình nhỏ và dịch vụ này cũng bị chững lại. Từ năm 2010 đến nay, đặc biệt là 2015, du lịch học đường sôi động trở lại.

Anh Nguyễn Văn Định - Giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Du lịch My Tour cho biết: “Năm 2015, với chủ đề về Truyện Kiều - Nguyễn Du, My Tour đã tổ chức hơn 15 đoàn. Chúng tôi cố gắng mỗi năm xây dựng một chủ đề theo từng cấp học để đảm bảo yêu cầu phục vụ tốt nhất, đồng thời, mở rộng tour, xây dựng sản phẩm theo ý tưởng của khách hàng. Thời gian tới, My Tour sẽ triển khai thêm các hoạt động ngoại khóa là các trò chơi dân gian”.

Công ty CP Lữ hành Thành Sen, Công ty CP Du lịch và Thương mại Hà Tĩnh cũng đang triển khai thành công gói dịch vụ này. Giám đốc Công ty CP Lữ hành Thành Sen - Nguyễn Tiến Trình cho biết: “Điểm đến của các chuyến du lịch học đường chủ yếu là những địa chỉ đỏ như: Ngã ba Đồng Lộc, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập, Khu lưu niệm Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Lý Tự Trọng… Ngoài ra, tùy theo nhu cầu khách hàng, chúng tôi còn mở các tuyến đi Quảng Bình, Nghệ An, Hà Nội. An toàn, bổ ích, đem đến sự hài lòng ở mức cao nhất là những yếu tố chúng tôi hướng đến”.

Được biết, chi phí khoảng 200.000 – 300.000 đồng/học sinh, bao gồm các hoạt động tham quan, vui chơi, ăn nghỉ và mũ đồng phục. Chuyến đi kéo dài 1 ngày, lồng ghép giữa tham quan, tìm hiểu thông tin, kiến thức ở các điểm với nội dung chương trình học ở trường. Đặc biệt, học sinh còn được tham gia nhiều trò chơi, giúp rèn luyện kỹ năng sống, phương pháp làm việc nhóm, kích thích tính chủ động, tự giác tìm tòi kiến thức tự nhiên và xã hội.

Cô Trần Thị Thu Hiền - Trường THCS Sông Trí (TX Kỳ Anh) chia sẻ: “Chuyến đi mang ý nghĩa lớn. Ở lứa tuổi 11-12, các em có một chuyến đi tự lập, đồng thời, hiểu biết thêm các kiến thức xã hội. Cũng nhờ những hoạt động tập thể như thế này, các em bộc lộ được năng khiếu và giúp thắt chặt tình đoàn kết”.

Chị Nguyễn Thị Cường - một phụ huynh ở Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ cho biết: “Các con tôi vừa có một chuyến tham quan dây chuyền sản xuất sữa TH, cánh đồng hoa hướng dương ở Nghệ An. Mỗi em đóng 255.000 đồng nhưng có rất nhiều trải nghiệm đáng quý mà có khi ở trong sách không kể hết”.

Mỗi chuyến có đến hàng trăm học sinh tham gia, việc tổ chức để vừa bổ ích, lý thú, vừa đảm bảo an toàn không phải là điều dễ. Hơn nữa, tuyển chọn đội ngũ hướng dẫn viên có thể chiều lòng khách “nhí” cũng là việc khó. Bên cạnh đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, các công ty lữ hành đã “tận dụng” đội ngũ “cộng tác viên đặc biệt” là các thầy, cô giáo của nhà trường, hoặc sinh viên ngành du lịch đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học.

Anh Phạm Duy – Giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Hà Tĩnh chia sẻ: “Để có một chuyến đi đảm bảo chất và lượng, chúng tôi lên kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ, tiền trạm các điểm đến và liên hệ chặt chẽ với ban quản lý ở đó. Hiện nay, điều kiện tại các điểm đến như khuôn viên tham quan tự do, tài liệu… phục vụ lượng lớn khách nhí và điểm dừng đỗ xe còn hạn chế”.

Du lịch học đường là một hình thức học ngoại khóa bổ ích, tích cực. Tuy nhiên, nhà trường, gia đình và công ty lữ hành cần phối hợp nhịp nhàng để có những chuyến đi thực sự ý nghĩa, học mà chơi - chơi mà học, đảm bảo an toàn cho các em, đồng thời, tránh tổ chức theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast