Giải quyết dứt điểm vấn đề loạn thu trong các nhà trường như thế nào ?

Vấn đề loạn các khoản thu đầu năm học cần được nhìn nhận một cách khách quan hơn và có trách nhiệm hơn cho cả nhiều phía: Nhà trường, Nhà nước, phụ huynh học sinh và xã hội , không nên nhìn một phía thiếu khách quan, đặc biệt cần có cách giải quyết cho thấu tình đạt lý và vì tương lai của nước nhà.

Ngành GD-ĐT sẽ siết chặt quản lý và kiểm tra thu học phí ở các trường học
Ngành GD-ĐT sẽ siết chặt quản lý và kiểm tra thu học phí ở các trường học

Chúng tôi cũng là người trong ngành GD, các thầy cô giáo nói chung, chắc chắn không ai muốn thêm công, thêm việc thu tiền và để xã hội phải nhắc nhở chỉ muốn tập trung làm thế nào để dạy tốt, học tốt, giáo dục học sinh trở thành con ngoan trò giỏi. Muốn giải quyết triệt để vấn đề loạn thu đầu năm học, theo tôi Nhà nước cần giao trách nhiệm rõ ràng cho các cấp chính quyền địa phương phải chăm lo xây dựng và phải đảm bảo cơ sở vật chất trường lớp và thiết bị dạy học cho các nhà trường trong cả nước. Không nên bắt các nhà trường phải lo xây dựng cơ sở vật chất , thiết bị dạy học (kể cả sửa chữa nhỏ) .Các khoản thu hộ không cần thiết phải đưa vào nhà trường thu, thì Nhà nước tuyệt đối không cho đưa vào nhà trường thu, ví dụ như bảo hiểm y tế bắt buộc theo luật, hoặc bảo hiểm thân thể, các khoản BH này nên thu theo địa bàn dân cư, điều này làm được ( vì các khối phố, thôn, xóm đều quản lí các hộ gia đình có con theo học). Mặt khác nhà nước phải đảm bảo đủ biên chế cho đội ngũ GV, cán bộ phục vụ (kể cả cán bộ y tế, lao công, bảo vệ), không bắt các nhà trường phải hợp đồng rồi lại thu tiền từ học sinh để trả ( nếu phải hợp đồng thì Nhà nước hoặc địa phương phải chi trả). Đặc biệt học phí phải thu và được sử dụng theo đúng tinh thần của điều 105 luật GD quy định ( điều 105 luật GD quy định: Học phí là khoản tiền của gia đình người học hoặc người học phải nộp để góp phần đảm bảo chi phí cho các hoạt động GD). Khi học phí đã đảm bảo chi phí cho các hoạt động giáo dục thì ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh sẽ không phải đóng góp khoản tiền nào khác.

Tiếc rằng trong những năm qua, học phí của các nhà trường thu chưa đúng với tinh thần của Luật ( vì mới thu một khoản rất nhỏ, chưa đảm bảo cho các hoạt động giáo dục trong năm học ) , mặt khác còn phải dành 40 phần trăm thu được từ học phí để trả lương cho giáo viên, nên các nhà trường lại phải thu nhiều khoản khác không có trong Luật.Theo chúng tôi, khi ngân sách Nhà nước chưa đảm bảo đủ chi cho ngành GD-ĐT, đang cần thiết phải thu học phí thì Nhà nước nên quy các khoản thu phục vụ cho các hoạt động giáo dục về một mối là học phí và học phí phải thu đủ để góp phần đảm bảo cho các hoạt động giáo dục như Luật GD quy định. Cũng chính vì vậy Nhà nước cần phải xem xét lại việc quy định cho các nhà trường THPT, THCS phải dành 40 phần trăm tiền thu được từ học phí để chi trả lương cho giáo viên ( vì không đúng với tinh thần của điều 105 Luật giáo dục quy định như đã nói ở trên ) . Mặt khác Nhà nước cần kiểm tra việc cấp phát nguồn chi thường xuyên ( nguồn chi khác ) hàng tháng , hàng năm cho các nhà trường xem có đảm bảo được 20 phần trăm quỹ tiền lương của mỗi nhà trường như quy định hay không ? Nếu không cấp đủ như quy định thì Nhà nước phải cấp cho đủ .

Vì thế hệ tương lai
Vì thế hệ tương lai

Nếu làm được như những đề nghị trên đây của tôi thì chắc chắn sẽ chấm dứt được việc loạn thu trong các nhà trường vào đầu mỗi năm học mới. Bản thân tôi và các giáo viên của trường tôi rất mong muốn làm được như trên để không lo phải thu tiền vất vả, yên tâm giảng dạy và uy tín của người thầy không bị ảnh hưởng. Chúng tôi cũng tha thiết đề nghị với Bộ GD-ĐT nên quan tâm tới những đề xuất trên đây của chúng tôi, nếu cần thiết thì nên tổ chức một cuộc hội thảo của ngành bàn về các biện pháp , giải pháp để chấm dứt loạn thu vào đầu các năm học tới . Không nên để năm nào cũng như năm nào điệp khúc lạm thu cứ vang mãi trên các diễn đàn báo chí, ảnh hưởng đến uy tín các nhà trường, uy tín của đội ngũ GV và uy tín của toàn ngành GD-ĐT cả nước. Chúng tôi nghĩ , đây cũng chính là những việc cần làm ngay của ngành GD-ĐT.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast