Giảm hồ sơ đăng ký dự thi đại học - cao đẳng: Tín hiệu vui về phân luồng, hướng nghiệp

Việc thu nhận, xử lý hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) cho học sinh (HS) THPT trên địa bàn toàn tỉnh để kịp thời gửi về các trường ĐH-CĐ trên cả nước ở Hà Tĩnh đã hoàn thành theo đúng thời gian quy định. Cùng với xu thế chung của các tỉnh phía Bắc, năm nay, số lượng hồ sơ ĐKDT vào các trường ĐH-CĐ trên địa bàn Hà Tĩnh giảm so với những năm trước.

Theo thống kê sơ bộ, năm nay, số hồ sơ ĐKDT vào các trường ĐH-CĐ trên địa bàn cả nước nói chung giảm khoảng 6% so với năm trước, riêng ở Hà Tĩnh, tỷ lệ đó giảm gần 19%. Thầy Lê Sỹ Võ - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Sở GD-ĐT cho biết: “Năm nay, toàn tỉnh có 29.242 hồ sơ ĐKDT ĐH-CĐ (giảm 5.502 hồ sơ so với năm trước). Nguyên nhân chính của việc giảm số lượng hồ sơ ĐKDT này phần lớn là nhờ công tác tuyên truyền, phân luồng, hướng nghiệp sau THPT của các nhà trường ngày càng được chú trọng. Theo đó, HS và các bậc phụ huynh ngày càng chú trọng việc định hướng nghề nghiệp cho con em mình, đặc biệt là việc chọn trường, chọn nghề có cơ sở khoa học, phù hợp với năng lực, sở trường, năng khiếu, sức khỏe của bản thân HS và điều kiện kinh tế gia đình cũng như nhu cầu của xã hội”.

Giờ thực hành của SV Trường Cao đẳng Nghề Việt Đức.
Giờ thực hành của SV Trường Cao đẳng Nghề Việt Đức.

Song song với công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, tư vấn mùa thi thì sự cảnh báo của Bộ GD-ĐT qua những thông tin quan trọng, có tính định hướng như: Sau 4-5 năm nữa sẽ dư thừa nguồn nhân lực ở một số lĩnh vực tài chính ngân hàng, kinh tế, quản trị kinh doanh và thiếu nhân lực trong các lĩnh vực như: du lịch, dịch vụ, kỹ thuật, công nghệ thông tin... cũng đã trở thành một thông điệp mang tính định hướng cho các em trong công tác lựa chọn ngành nghề. Chính vì thế mà khác với trước, năm nay, tỷ lệ HS nộp hồ sơ vào các trường ở khu vực miền Trung, phía Nam và các trường địa phương có chiều hướng gia tăng.

Cùng với việc chọn trường, hầu hết các thí sinh cũng đã chọn cho mình những ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu lớn như: kỹ thuật, công nghiệp, nông lâm nghiệp, y, dược... Cụ thể như ĐH Bách khoa Hà Nội có 442 hồ sơ; ĐH công nghiệp 608 hồ sơ; ĐH Bách khoa Đà Nẵng 884 hồ sơ; ĐH công nghiệp TP Hồ Chí Minh 607 hồ sơ; ĐH Nông lâm Huế 1.024 hồ sơ; ĐH Y, Dược 1.348 hồ sơ; ĐH Vinh 4.395 hồ sơ; ĐH Hà Tĩnh 616 hồ sơ… Đặc biệt, năm nay, Trường Đại học Hà Tĩnh đã được Bộ cho chỉ tiêu 1.200 sinh viên cho các mã ngành kỹ thuật, công nghiệp để phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực cho các khu kinh tế lớn của tỉnh. Đây sẽ là cơ hội rộng mở cho các thí sinh ở Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận nói chung trong việc lựa chọn đăng ký nguyện vọng 2, nguyện vọng 3...

Nguyên nhân của việc giảm hồ sơ năm nay một phần còn nhờ vào chủ trương mới của Bộ về việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH-CĐ tổ chức xét tuyển nhiều đợt và kéo dài thời gian xét tuyển cho những thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1. Ngoài ra, việc tăng lệ phí hồ sơ từ 85.000 đồng/bộ lên 100.000 đồng/bộ cũng là một trong những vấn đề để các thí sinh cân nhắc khi nộp hồ sơ, giảm thiểu nguồn kinh phí cho gia đình. Điều đó đồng nghĩa với việc giảm đáng kể số lượng hồ sơ ảo, giảm áp lực thi cử cho HS và sự tốn kém cho Nhà nước, cho các bậc phụ huynh.

Hiệu quả của công tác phân luồng, hướng nghiệp của tỉnh đã được thể hiện rõ nét qua số lượng hồ sơ của HS đăng ký dự thi vào các trường ĐH-CĐ năm học này. Đó cũng là sự phản ánh đáng mừng về chuyển biến trong suy nghĩ, tư tưởng của đông đảo các tầng lớp phụ huynh và HS khi đã biết “liệu cơm gắp mắm”, định hướng, tư vấn cho con em mình hướng đến những ngành nghề đáp ứng với nhu cầu xã hội. Đó cũng là việc làm thiết thực để góp phần giải bài toán thừa thầy thiếu thợ và nỗi ám ảnh về việc làm của những sinh viên sau khi ra trường.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast