Giáo dục mầm non ngoài công lập (bài 1): Lời giải cho bài toán quá tải

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh công tác xã hội hóa nên ngành Giáo dục tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, ở cấp học mầm non với sự ra đời và phát triển mạnh các trường mầm non tư thục, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình đã góp phần giảm tải cho các trường công lập và nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ.

Giảm tải cho trường công

Những năm qua, mặc dù hệ thống trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh ta ngày càng phát triển, quy mô trường lớp được đầu tư mở rộng nhưng bài toán quá tải vẫn chưa thể giải quyết một cách triệt để do nhu cầu ngày càng lớn, đặc biệt là ở độ tuổi nhà trẻ. Theo khảo sát của phóng viên, riêng trên địa bàn TP Hà Tĩnh hiện có 16 trường mầm non công lập, chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu của người dân. Chính vì vậy, vào đầu mỗi năm học, tình trạng phụ huynh chen lấn, xô đẩy nộp hồ sơ, thậm chí là... “chạy” cho con vào các trường mầm non tại một số phường trên địa bàn thành phố không còn xa lạ.

Tuy vậy, nhờ đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đặc biệt là cho phép, khuyến khích thành lập trường mầm non tư thục, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình, nên đã giải quyết được một phần nhu cầu của người dân, mở ra lời giải cho bài toán quá tải trên địa bàn thành phố.

Giáo dục mầm non ngoài công lập (bài 1): Lời giải cho bài toán quá tải ảnh 1

Sự ra đời và phát triển của các cơ sở mầm non ngoài công lập đã góp phần giảm gánh nặng cho các trường công.

Theo nhà giáo Trần Thị Thúy Nga - Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh thì hiện nay, trên địa bàn thành phố có 3 trường mầm non tư thục: Nguyễn Du, Hoa Sen, Sao Mai và 19 nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình với 52 phòng học đáp ứng nhu cầu học và vui chơi cho hơn 1.280 trẻ. Đặc biệt, do trước đây chưa có trường mầm non công lập nên khi Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du ra đời càng có ý nghĩa, góp phần giải quyết nhu cầu cho con em trên địa bàn.

Không chỉ góp phần giảm tải cho các trường công lập và giải quyết tình trạng thiếu phòng học của thành phố, các trường mầm non tư thục, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình còn góp phần tạo việc làm cho nhiều giáo viên, cán bộ, nhân viên. Hiện nay, có gần 130 cán bộ, nhân viên, giáo viên mầm non đang làm việc ở các trường tư thục, trong đó, 75 người là giáo viên. Hầu hết trong số đó được hưởng lương, đóng bảo hiểm và các quyền lợi khác.

Cô Hồ Thị Mỹ Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du cho biết: “Hiện trường có 48 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó, hơn 90% là từ các địa phương khác. Để giúp các cô yên tâm công tác, đảm bảo chất lượng nuôi dạy trẻ, nhà trường luôn duy trì mức thu nhập từ 3,5-7,5 triệu đồng/người, tùy thuộc vào tính chất công việc, thời gian”.

Phát triển mạnh về số lượng, chất lượng

Không chỉ góp phần giảm tải, các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình đang cạnh tranh một cách sòng phẳng với hệ thống các trường mầm non công lập trong việc thu hút học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục.

Giáo dục mầm non ngoài công lập (bài 1): Lời giải cho bài toán quá tải ảnh 2

Các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình đang cạnh tranh một cách sòng phẳng với hệ thống các trường mầm non công lập

Qua khảo sát tại các trường mầm non tư thục: Hoa Sen, Nguyễn Du và nhà trẻ Nhà dòng (Thạch Trung)... đều thấy diện tích, khuôn viên đảm bảo yêu cầu, đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị theo quy định. Lớp học được xây dựng phù hợp với trẻ, đặc biệt, Trường Mầm non Nguyễn Du có môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn, sân chơi “an toàn giao thông”, “phát triển vận động cho trẻ”. Các trường chỉ đạo các nhóm, lớp thực hiện nghiêm túc nền nếp, quy chế chuyên môn, triển khai kịp thời chương trình giáo dục mầm non và các chuyên đề của ngành đề ra.

Giáo viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hồ sơ bài soạn đầy đủ, trang trí nhóm lớp phù hợp với chương trình và lứa tuổi của trẻ; quan tâm, chăm sóc giáo dục trẻ chu đáo, tạo cho trẻ tâm thế an toàn, thoải mái.

Cô Nguyễn Thị Thúy Nga - Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Hoa Sen cho biết: “Hiện trường có 15 nhóm lớp với trên 510 em, 63 cán bộ, giáo viên, trong đó, 46% giáo viên đạt trên chuẩn. Để tạo điều kiện cho các em, nhà trường không bắt buộc trẻ phải có hộ khẩu ở thành phố; tổ chức xe đưa đón trẻ tại nhà”.

Không chỉ Hoa Sen mà các trường mầm non tư thục như: Nguyễn Du, Sao Mai và các nhóm trẻ, nhà trẻ gia đình đều nhận học sinh mà không phụ thuộc vào hộ khẩu. Chính điều này tạo cơ hội được đến trường cho nhiều trẻ em có bố mẹ từ các địa phương khác đến thành phố làm việc, sinh sống, chưa chuyển được hộ khẩu. Đây cũng là một ưu thế của trường mầm non tư thục so với mầm non công.

Chị Phan Thị Hoài (Lộc Hà) chia sẻ: “Lên thành phố làm việc, do chưa chuyển được hộ khẩu nên để xin cho con đi học ở các trường mầm non phường rất khó. Trường Mầm non Hoa Sen không cần hộ khẩu nên dù học phí có cao hơn nhưng thấy cơ sở trường lớp khang trang, sạch sẽ, thuận tiện nên vợ chồng mình cũng cảm thấy yên tâm khi gửi cháu”.

Chị Trần Thị Thúy Nga - Phó trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh khẳng định: “Các trường mầm non tư thục triển khai các giải pháp tích cực như: nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, dạy 6 ngày/tuần (cả ngày thứ 7), quan tâm việc tuyển chọn và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và có sự đầu tư thỏa đáng về cơ sở - vật chất, trang thiết bị... đã từng bước khẳng định được thương hiệu. Chính nhờ đó, các trường mầm non tư thục đang phát triển mạnh về số lượng cũng như chất lượng, hàng năm, số trẻ vào trường đều tăng. Ví như Trường Mầm non Nguyễn Du khi mới thành lập có 7 nhóm lớp; đến năm học 2014-2015 có 14 nhóm lớp; trường Hoa Sen khi mới thành lập có 10 lớp, nay phát triển đến 15 lớp...”.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast