Hành trình dạy chữ và dạy người

Bước chân vào nghề giáo là đi vào cuộc hành trình không có điểm kết thúc, cuộc hành trình gian lao vất vả mà cũng không ít niềm vui hạnh phúc - hành trình của người "kỹ sư xây dựng con người" với 2 mục tiêu rõ rệt: dạy chữ (truyền đạt, khai mở trí thức) và dạy người (giáo dục nhân cách).

Gần đây, ngành Giáo dục phát động nhiều phong trào thi đua: “Kỷ cương tình thương, trách nhiệm”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, “Hai không”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học, tự sáng tạo”… Tuy vậy, phong trào nào rồi cũng hướng tới nội dung cơ bản mà ngành đã phát động từ những năm chống Mỹ: "Dạy thật tốt, học thật tốt". Càng ngẫm càng thấy khẩu hiệu này tuy ngắn gọn mà hàm chứa trong đó mọi vấn đề mà đất nước, xã hội, và ngành Giáo dục quan tâm.

Văn Miếu Quốc Tử Giám - biểu tượng của truyền thống học tập ở Việt Nam

Văn Miếu Quốc Tử Giám - biểu tượng của truyền thống học tập ở Việt Nam

Muốn dạy chữ, dạy người thật tốt, bên cạnh đạo đức, tâm huyêt nghề nghiệp, người thầy cần có tri thức vững vàng và kỹ năng sư phạm, sự chăm lo phối hợp của cha mẹ, sự hỗ trợ tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền địa phương và toàn xã hội. Và một yếu tố hết sức quan trọng, trở thành “chất xúc tác”, “men say” cho những bài giảng là sự say mê đèn sách, khổ công rèn luyện của học trò, là thái độ trân trọng với người “gieo chữ”. Vì vậy mà dạy thật tốt phải đi đôi với học thật tốt, và dạy thật tốt thì sẽ dẫn tới học thật tốt.

Trên hành trình dạy người, dạy chữ của các thế hệ giáo viên trong suốt 65 năm qua, điều may mắn cho những người lái đò (như cách nói hiện nay của nhiều người) là được soi sáng và sưởi ấm bởi ngọn lửa hiếu học từ cha ông truyền lại. Hiếm có đất nước nào mà đạo học lại được hình thành cùng với chế độ phong kiến và nhanh chóng được tôn thờ, trở thành điều thiêng liêng. Văn Miếu - Quốc Tử Giám với công trình bia Tiến sĩ, Khuê Văn Các, Nhà Thái học, sân bình văn…đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ và cao qúy của Thăng Long nghìn tuổi, là niềm tự hào và thu hút không chỉ riêng với người Việt Nam. Một dân tộc coi việc đào tạo con người là hàng đầu nên dù phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh, thiên tai nhưng việc dạy, việc học vẫn luôn luôn được duy trì và phát triển.

Ngành GD-ĐT Hà Tĩnh được tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng nhất

Ngành GD-ĐT Hà Tĩnh được tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng nhất

Hình ảnh những lớp bình dân học vụ đơn sơ ở nhà dân và trước cổng chợ trong phong trào diệt giặc dốt, những lớp học dưới hầm với những đoàn học sinh mũ rơm đi học dưới làn bom Mỹ, ngọn đèn hạt đỗ ở Cẩm Bình, bóng hình cô Nguyễn Thị Thảo ở Bùi Xá, những thầy cô trường Liên Việt, đặc biệt là hình ảnh đau thương của 33 học sinh bị bom Mỹ sát hại ở Hương Phúc, (Hương Khê)…đến nay, vẫn còn làm xúc động lòng người.

Cơn lũ vừa qua ở Miền Trung lại thêm một minh chứng sinh động cho việc khao khát học tập của học sinh, tình yêu nghề nghiệp của giáo viên và sự chăm lo việc học của toàn xã hội. Hình ảnh những học sinh phơi sách trên mái nhà khi lũ chưa rút hết, nhiều em khóc vì không phải bố mẹ bị trôi lúa gạo mà vì các em bị trôi sách vở trong những bức ảnh, những phóng sự đã làm rung động hàng triệu trái tim. Thế là trong khi nguồn sách, thiết bị của ngành chủ quản chưa về kịp, hàng trăm tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã kịp thời quyên góp sách vở, áo quần, cặp sách cho các em, lương thực, đồ dùng, thuốc men cho bố mẹ và hỗ trọ các thầy cô giáo duy trì việc học. Lũ chồng lũ với hàng trăm ngôi trường chìm sâu trong biển nước; thế nhưng giờ đây, trở lại chẳng còn thấy mấy dấu tích trên sân trường, lớp học. Bàn tay của hàng nghìn thầy cô giáo, cha mẹ học sinh, thanh niên tình nguyện, bộ đội, công an…đã trả lại cho những ngôi trường không gian đẹp đẽ của tuổi học trò. Và những giờ học làm người, học chữ lại bắt đầu trên miền quê hiếu học.

Múa hát mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
Múa hát mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11

Trên hành trình gieo chữ rèn người của lớp lớp thế hệ giáo viên, dù 65 năm trôi qua, ta vẫn nhận ra bóng hình những người thầy mang quân phục trở về từ chiến trường, có thầy trên người đầy thương tích. Ta vẫn nhận ra manh áo phong phanh của người cô những năm đói khổ thời bao cấp và vầng trán suy tư của những thầy hiệu trưởng khi thiếu trường, thiếu lớp, học trò thiếu cơm ăn và dáng người cha người mẹ tảo tần trên đồng ruộng chắt chiu từng hạt lúa củ khoai cho con trọn vẹn giấc mơ đến trường. Ta cũng nhận ra hình ảnh những chú bé cuỡi trên lưng trâu vẫn say sưa đọc sách, những ngọn đèn thức thâu đêm bên những cô bé chăm học, những chàng trai mười tám đôi mươi tạm gác bút nghiên lên đường đi đánh Mỹ… Trong thời kỳ đổi mới của đất nước, điều kiện học hành tốt hơn đã gíup nhiều cô cậu học trò toại nguyện ước mơ vươn tới đỉnh cao vinh quang như Lê Nam Trường, Trịnh Kim Chi, Phan Mạnh Tân…

Tuổi học trò. Ảnh internet
Tuổi học trò. Ảnh internet

Dù cơ chế thị trường đã làm đảo lộn một số giá trị nhưng điều mừng là trên đất học Hà Tĩnh, rất nhiều ngôi trường giữ vững “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”. 100% xã có trường học cao tầng, sức mạnh của truyền thống hiếu học đã giúp phong trào xã hội hoá giáo dục ngày càng trở nên sâu rộng và phong phú. Dù đó đây còn có những biểu hiện xuống cấp của đạo làm thầy, nghĩa làm trò nhưng so với 22 ngàn cán bộ giáo viên và hơn 40 vạn học sinh của tất cả các cấp học thì những biểu hiện đó rất nhỏ. Hình ảnh đẹp nhất trên hành trình dạy chữ, dạy người mà ta bắt gặp vẫn là những thầy cô giáo tận tuỵ với học sinh, những học sinh một lòng kính yêu thầy cô giáo.

Trong số những người làm cha làm mẹ hôm nay, không ít người từng là con ngoan trò giỏi, dù họ chỉ là nông dân, công nhân bình thường. Với tình cảm sâu nặng với thầy cô giáo cũ, dịp này họ lại tìm về bên thầy giáo tóc đã điểm sương hoặc đưa con đến chúc mừng cô giáo trẻ. Ngày 20/11 là ngày hội không chỉ của những người đang đứng trên bục giảng mà chính là ngày hội của một dân tộc hiếu học, coi trọng chữ nghĩa, coi trọng đạo làm người.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast