Học sinh đi thi là đi thi, sao bắt các em chống tiêu cực?

Tại sao lôi thí sinh vào cuộc chiến chống tiêu cực, trong khi tiêu cực do chính những người làm giáo dục gây ra?

Trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” gần đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã chính thức cho biết, năm nay là năm đầu tiên thực hiện quy định cho phép học sinh, thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi (cả kỳ thi tốt nghiệp PTTH và ĐH, CĐ). Tất nhiên, Bộ cũng không quên quy định “danh mục kèm theo” các phương tiện nào được thí sinh mang vào.

Khoan nói chuyện tác dụng “chống tiêu cực” của quy định mới này như thế nào, người viết bài này xin có đôi điều chia sẻ.

Thứ nhất, rõ ràng chúng ta đã thừa nhận chuyện tiêu cực trong thi cử là có thật, cũng như “bệnh thành tích” đã trở thành “thâm căn cố đế” trong nền giáo dục nước nhà. Năm nào cũng vậy, địa phương nào cũng có bảng báo cáo thành tích vang dội về tỷ lệ học sinh đỗ… tốt nghiệp PTTH. Thế nên để được thành tích ảo đấy, nhiều trường đã bằng mọi cách, thậm chí phi giáo dục, để “buộc” học sinh phải đỗ tốt nghiệp.

Học sinh trường Đồi Ngô "làm bài thi" trong kỳ thi tốt nghiệp PTTP năm 2012 (Ảnh: Internet)

Học sinh trường Đồi Ngô "làm bài thi" trong kỳ thi tốt nghiệp PTTP năm 2012 (Ảnh: Internet)

Khi sự việc học sinh quay bài rầm rộ trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm ngoái ở trường dân lập Đồi Ngô (Lục Nam – Bắc Giang) bị phanh phui – qua việc một học sinh mang thiết bị ghi lén vào, thì câu chuyện chống tiêu cực, gian lận trong thi cử lại nóng lên. Và năm nay, trước mùa thi chúng ta lại loay hoay với việc thí sinh có được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi hay không, và thiết bị đó thuộc chủng loại gì, thí sinh có phải ký cam kết không được mang chúng vào phòng…vv…và..vv.. khiến dư luận chẳng biết đâu mà lần.

Nếu như chúng ta có giải pháp căn cơ hơn trong đấu tranh chống tiêu cực, thì đâu đến nỗi mỗi mùa thi, các thí sinh (và cả giáo viên) nhăm nhe đi sắm sanh những “con chíp” để tố cáo chuyện gian lận thi cử? Để rồi bản thân những người làm trong ngành giáo dục lại nơm nớp lo sợ, biết đâu một lúc nào đó mình “được” xuất hiện bất đắc dĩ trên Internet chỉ vì một phút lơ là (hay chủ ý) trong khi thi hành nhiệm vụ - như các thầy cô ở Đồi Ngô năm ngoái? Đúng là “có tật giật mình!”.

Thứ hai, mỗi mùa thi, chúng ta đã có những hội đồng thi gồm đủ các ban bệ, có thanh tra từ các cấp… sao không phát hiện ra những chuyện “động trời” như ở Đồi Ngô? Hà cớ gì lại lôi các em thí sinh vào cuộc chiến chống tiêu cực? mà tiêu cực (nếu có) lại do chính những người thầy, những nhà quản lý giáo dục gây ra?

Đành rằng chúng ta có thể kêu gọi các em cùng tham gia giám sát những mặt trái của giáo dục. Song với những cô bé, cậu bé ở tuổi 17- 18, việc quan trọng nhất là làm sao giáo dục các em ý thức học tập, tự rèn luyện để các em có kết quả thi tốt nhất – bởi như các thầy cô vẫn từng dạy “các em học cho bản thân các em chứ không phải học cho thầy cô, bố mẹ!”.

Bên cạnh đó, quy định thí sinh được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi sẽ là “vẽ đường cho hươu chạy”, hệ quả lâu dài sẽ thực sự nguy hiểm. Bởi điều này vô hình chung “ám” vào đầu các em rằng các em đang được học trong một môi trường đầy rẫy tiêu cực, cho nên các em bằng mọi cách để đấu tranh với nó.

Do đó, thay vì các em xin tiền bố mẹ để mua tài liệu và dành thời gian ôn luyện, thì chúng sẽ tốn rất nhiều tiền để sắm sanh những thứ không cần thiết và đắt đỏ chỉ để vạch chuyện quay cóp, lộn xộn, kể cả tố cáo thầy cô giáo (nếu thầy cô không làm tròn nhiệm vụ) trong phòng thi.

Trở lại chuyện ở trường Đồi Ngô năm ngoái, rõ ràng một em học sinh không thể thực hiện được hành vi dùng thiết bị ghi lén vào phòng thi, mà có sự giúp sức đắc lực của người lớn. Vậy có cần thiết phải đưa ra quy định như Bộ Giáo dục và Đào tạo hay không, khi chính người lớn đang trực tiếp đẩy trẻ vào những việc không thuộc phạm vi và quyền hạn của các em?

Thế nên, thay vì loay hoay với những quy định chẳng giống ai này, những nhà quản lý giáo dục – những người hưởng lương do dân đóng góp và được dân tin giao trọng trách “trồng người” – hãy tự giáo dục mình, hãy làm tròn trách nhiệm của mình; hãy trong sạch để làm gương cho học sinh của mình noi theo, xin đừng bôi bẩn lên những “tờ giấy trắng”./.

    Theo Lại Thìn/VOV online

    Đọc thêm

    Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast