Hướng đi nào cho nghề phổ thông?

Trong hai ngày 31-03 và 01-04-2010, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức thi nghề PT cho HS Trung học CS và THPT. Theo ông Phan Đình Lai- Trưởng phòng GDCN Sở GD&ĐT tổng số học sinh đăng ký dự thi nghề phổ thông năm học 2009-2010 là 45.272 , Sở GD&ĐT đã điều động lực lượng lãnh đạo, giám thị, giám khảo là 4428 GV.

Hoàn thành bài thi thực hành nghề vườn tại Kỳ Anh. Ảnh: Văn Hòa
Hoàn thành bài thi thực hành nghề vườn tại Kỳ Anh. Ảnh: Văn Hòa

Đa dạng nghề PT. Nhóm nghề kinh tế gia đình được quan tâm.

Năm học 2009-2010, số lượng HS đăng ký thi nghề PT là 45.272 (trong đó HS Lớp 9 THCS là 21.265; HS Trung học PT là: 24.007). Nghề PT mà HS theo học năm học 2009-2010 đa dạng hơn. Có thể thấy rõ qua số liệu do Phòng GDCN cung cấp. Trong số các nghề mà học sinh tham gia học, nghề làm vườn có 21.074 học sinh theo học (trong đó HS THCS có 9.556; HS THPT là 11.518) ; tiếp theo là nghề điện với 12.658 HS (trong đó HS THCS là: 8.228, HS PTTH là 4.430); nghề tin có 4.525 HS (trong đó HS THCS là 2.584; HS PTTH: 1.941 ). Nghề thêu ren chỉ có 373 HS tham gia. “ Nếu như nghề làm vườn thích hợp cho đa số HS con em nông dân lao động, ở khu vực nông thôn, thì nghề điện lại là sự lựa cọn của các em học sinh ở Thị trấn, Thị xã hay Thành phố. Điều này, chứng tỏ môi trường, không gian, điều kiện sống, truyền thống ngành nghề của gia đình ảnh hưởng đến việc chọn nghề PT của học sinh”. Ông Biện Mân- Giám đốc Trung tâm KTTH DN Hương Sơn nhận xét.

“Năm nay, chúng tôi khuyến khích HS lựa chọn nghề đa dạng hơn. Ngoài những ngành nghề như điện dân dụng, tin học, nhóm nghề kinh tế gia đình (như làm vườn, may mặc, nấu ăn, nuôi cá) trồng rừng được học sinh lựa chọn. Điều này chứng tỏ, chương trình dạy nghề PT gần gũi, thiết thực, chú trọng đến thực hành, huy động ở người học vốn kiến thức trong cuộc sống cho nên đỡ nhàm chán và hữu ích”. Ông Lai chia sẻ.

Phát đề thi lý thuyết
Phát đề thi lý thuyết
Chế biến bánh nhân lúc lắc ở Can Lộc. Ảnh: Huy Thắng
Chế biến bánh nhân lúc lắc ở Can Lộc. Ảnh: Huy Thắng
Thi Thực hành tin học
Thi Thực hành tin học
Thi thực hành điện dân dụng ở Đức Thọ. Ảnh Quang Đại
Thi thực hành điện dân dụng ở Đức Thọ. Ảnh Quang Đại

Với chương trình 70 tiết (đối với THCS) và 105 tiết (đối với PTTH), chương trình nghề PT chủ yếu hướng nghiệp cho HSPT, gợi ý HS lựa chọn nghề trong tương lai làm sao phù hợp với năng lực, sở trường, sức khỏe vv… đáp ứng được nhu cầu của xã hội. “ Một điều không thể phủ nhận là những nghề phổ thông cũng có thể giúp các em phục vụ được gia đình và bản thân như khâu vá, sửa chữa những hư hỏng về điện trong gia đình, nấu các món ăn, trồng vườn . Thậm chí, có những em học sinh, sau này tiến thân lập nghiệp bằng nghề PT đã học trong nhà trường. Và như vậy, nghề PT giúp học sinh phát hiện ở mình những năng lực, năng khiếu”. Ông Trần Văn Nghi- Giám đốc Trung tâm HNDN Can Lộc cho biết.

Đề thi chú trọng đến kỹ năng thực hành

Kỳ thi nghề PT 2009-2010 phải bố trí 1658 phòng thi thực hành (trong đó THCS là 761 phòng; PTTH là 897 phòng). “ Mặc dù số lượng HS dự thi với số lượng đông, nhưng do ngành nghề đa dạng, cho nên không xẩy ra hiện tượng giám khảo chấm thi không đúng chuyên môn”. Ông Lai cho biết. Để đảm bảo điều kiện cho HS thi thực hành, 111 điểm thi trong toàn tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện theo Hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Theo đó, đối với nghề trồng rừng, làm vườn các điểm thi đã bố trí các luống đất và hạt giống, cây trồng. Đối với nghề nấu ăn, học sinh chuẩn bị dụng cụ, thực phẩm để chế biến món ăn theo yêu cầu. Đối với nghề điện, HS chuẩn bị các dụng cụ như công tắc, cầu chì, đui đèn ,bóng đèn vv…Tại Trung tâm GDTX Hương Sơn, có 176 HS thi nghề tin học. Khó khăn nhất là đường dây điện đủ tải cho 36 máy vi tính đủ cho 5 ca thi. Đến ngày 29-03-2010, đường điện đã được củng cố, máy vi tính, máy in, mạng đã được kiểm tra, đảm bảo theo yêu cầu của kỳ thi. “Ngày 29-03-2010, công tác kiểm tra CSVC đã hoàn tất. 100% điểm thi đảm bảo yêu cầu”. Ông Lai nói.

“ Năm nay, kỹ năng thực hành của HS tốt hơn! Rõ ràng lựa chọn những nghề thuộc nhóm ngành kinh tế gia đình có lợi thế”. Thầy Nguyễn Văn Lý- Giám khảo môn thi nghề làm vườn nhận xét.

“ So với các nghề khác, thì nghề tin học, học sinh khó đạt được điểm giỏi hơn”. Thầy Nguyễn Thế Nhật - Giám khảo môn tin học cho biết. “ Kỹ năng ghép cây của HS tương đối thành thạo”. Cô Nguyễn Thị Khánh- Giám khảo thi thực hành làm vườn trao đổi. “ Còn nấu ăn học sinh rất hào hứng. Chẳng có cuộc thi nào mà lại được thưởng thức hương vị các món ăn như chấm thi thực hành chế biến các món ăn” . Thầy Trần Anh Tuấn - GV PTTH Cao Thắng sôi nổi…

Hướng đi nào cho nghề Phổ thông

NGUT Nguyễn Khắc Hào- Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định hướng khuyến khích học sinh lựa chọn nhóm ngành nghề kinh tế gia đình là hướng đúng vừa khai thác được đội ngũ GV sinh vât, kỹ thuật nông nghiệp, vừa gắn việc giảng dạy với thực tế LĐSX , tạo ra môi trường tốt rèn luyện kỷ năng sống cho học sinh. Sau khi tổ chức thi xong, chúng tôi sẽ giao cho Phòng GDCN tổng kết, đúc kết kinh nghiệm để khẳng định được hướng đào tạo nghề PT, gắn với địa phương trong việc mở rộng cơ sở thực hành, tiến lên bước nữa là ươm cây, tạo giống, đóng góp cho nhu cầu sản xuất tại chỗ của địa phương nơi trường đóng.

Mục đích của dạy nghề phổ thông là hướng nghiệp, tạo cơ sở để phân luồng học sinh, nhưng phải xuất phát từ chất lượng giảng dạy. Muốn vậy mỗi nhà trường phải chăm lo bồi dưỡng đội ngũ GV dạy nghề cũng như chăm lo tu sửa CSVC, phòng thực hành, thiết bị máy móc vv… Đó là cả một quá trình phấn đấu lâu dài, bền bỉ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast