Ký ức về những người thầy

Những ngày lễ lại về, lòng lại băn khoăn những nỗi niềm khó tả. Cô giáo cũ có khoẻ không? Cô sống thế nào, thầy có đỡ vất vả hơn không? Bạn bè tôi mỗi lần nhấc máy gọi nhau là hỏi: mày có về thăm cô?

Ký ức về thầy, cô mãi là những kỷ niệm đẹp trong mỗi chúng ta

Ký ức về thầy, cô mãi là những kỷ niệm đẹp trong mỗi chúng ta

Cấp một, những ngày còn mặc quần hoa đến lớp, nó và các bạn đã biết hái cam vườn tới thăm nhà cô những ngày lễ, tết. Những chặng đường trơn trượt đến nhà cô thầy với quả cam vườn còn nguyên cuống lá. Tình thầy trò hồn nhiên như quả cam, như ánh mắt thơ ngây tròn xoe trước dĩa kẹo. Để giờ mỗi lần ôn lại chuyện cũ, cả nhóm cười ra nước mắt vì thằng T giấu kẹo trong lưng quần, trượt ngã và xấu hổ vì lộ chuyện, mấy ngày không đến lớp…

Cấp hai, lớn hơn một chút. Nó và các bạn đã biết chung tiền mua quà và hoa tặng thầy cô ngày nhà giáo. Hẹn nhau ở một chỗ gần trường, đi thăm hết lượt thầy cô, rồi rủ nhau về… Giáo viên chủ nhiệm lớp nó đều là những cô giáo dạy văn.. Năm ấy, cô P mất đột ngột vì bệnh nặng sau khi dạy xong bài "Chiếc lá cuối cùng" của Ohenry, sau buổi dạy thay hôm ấy, thầy bảo các em có suy nghĩ tình cảm gì thì nói ra cả lớp biết.

Nó đứng dậy: Thưa thầy, em tiếc là không có cụ Bơmen để vẽ cho cô giáo em chiếc lá cuối cùng… và cô đã ra đi, chúng em nhớ cô lắm. Cả lớp khóc oà! Nhà cô ở trong một con hẽm nhỏ dẫn ra hàng dâm bụt. Căn nhà ngói đơn sơ, cô sống một mình với đứa con gái nhỏ, cô mất rồi mình nó lặng lẽ ra vào… Mỗi ngày lễ sau đó, đi tặng hoa và quà cho các thầy cô, bao giờ chúng cũng không quên đến nhà thắp hương cho cô.

Cô giáo chủ nhiệm mới là một người khá nghiêm khắc. Mỗi khi nhắc đến cô nó đều quặn lòng nhớ cái ngày chồng cô mất, cô như một tàu lá úa đổ rủ bên những tiếng khóc hời! Thương, dáng cô hao gầy mong manh hơn, mắt cô thẳm sâu hơn những ngày sau đó… Vẫn đều đặn lên lớp lo đám học trò thi cuối cấp, đứa này mải yêu đương không lo học; đứa kia bố mẹ bỏ nhau chán đời không muốn sống… Mỗi năm tết đến, nó đến thăm cô trong căn nhà ấy, các em con của cô đã lớn cả rồi, chỉ căn nhà là vẫn lạnh, vẫn vắng như cái ngày chú ấy ra đi.

Cấp 3, giáo viên chủ nhiệm vẫn là cô giáo dạy văn. Cô hiền và bao dung giữa một đám học trò phần đông là dân thị trấn, ưa cái mới và dễ bốc đồng. Nói nhỏ, nói to, nhẹ nhàng rồi doạ nạt, cô vẫn kiên lòng đeo bám lũ học trò tinh nghịch chúng tôi. Người lớn không ra người lớn, trẻ con không phải là trẻ con, những tính cách sáng nắng chiều mưa nhiều lúc khiến cô mệt mỏi. Để mỗi năm tết đến thăm cô, cả đám đồng thanh: “Các em có chịu học không?” rồi cười ha hả. Ra đời rồi ngả nghiêng những sai lầm ấu trĩ, thấy thèm biết bao một câu doạ nạt khuyên răn khi ấy, vậy mà!

Chuyện về người thầy còn có thầy dạy Toán hồi cấp 2, suốt ngày bảo các em học đi rồi lên rú Nài mà ngồi (Đó là nơi có trường Cao Đẳng, học trò nghèo quê tôi được vào học đó như là một mơ ước). Thầy dạy tiếng Anh cấp 3, nghỉ dạy để đi học thạc sĩ kinh tế, nhưng vẫn khuyên chúng tôi nên đi theo ngành sư phạm… là thầy dạy Địa dốc lòng lo lắng cho những ngày đội tuyển chúng tôi đi thi học sinh giỏi tỉnh… Ôi! những người thầy!

Học rồi thi vào nghề sư phạm. Năm đầu tiên bạn bè cùng lớp rủ nhau mua quà gửi về cho cô. Khi gọi điện cô trêu: các anh chị vào đại học rồi yêu được rồi đó. Cố mà giữ con gái lớp mình! Nghe giọng, tưởng như thấy ánh mắt cô long lanh rạng ngời như cái ngày thông báo nó đậu học sinh giỏi tỉnh năm ấy.

Năm cuối học trường sư phạm, ngày thực tập bất lực giữa một đám học trò thành phố sành điệu, nó khóc và gọi điện về cho cô trong tiếng nấc… Một năm sau đó trở lại thăm cô với một người bạn. Cô tự hào vì chúng tôi đã lớn khôn. Lại một ngày 20.11. nữa, khi cái nắng hanh hao đầu đông bắt đầu thổi, khi chiếc lá bàng rụng về cội vẫn đỏ sắc. Tôi nhận từ học trò tôi những lời chúc chân thành và hoa tươi các em tặng. Tôi lại trở mình se sắt những nhớ thương….những người cô, người thầy đã từng nâng bước cuộc đời tôi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast