Mùa thi, đồng hành cùng sĩ tử…

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa mới đi qua, giờ đây, gần 29.000 thí sinh tỉnh ta lại bước vào chặng nước rút, tiếp tục “dùi mài kinh sử” để chuẩn bị kỳ thi đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) sắp tới.

Mùa thi. Ảnh: Internet
Mùa thi. Ảnh: Internet

Với một số em, tình trạng mất phương hướng bởi những băn khoăn, trăn trở về việc lựa chọn trường, ngành nghề đúng với khả năng, sở thích cũng đã được tháo gỡ nhờ những thông tin cần thiết trong công tác tư vấn hướng nghiệp được nhà trường, thầy cô giáo cung cấp. Và việc hoàn tất hồ sơ đăng ký dự thi từ hơn 1 tháng trước đó đã thực sự giải tỏa được một phần tâm lý để thời điểm hiện tại, các em hoàn toàn yên tâm bắt tay vào cuộc chạy đua với thời gian.

Em Phan Thị Diễm – Trường THPT Cẩm Xuyên cho biết: “Trước đây, việc chọn trường khiến em và các bạn phân vân lắm, em cũng làm 3 bộ hồ sơ nộp cho các trường thuộc khối A và khối D. Nhưng được sự quan tâm, định hướng của các thầy, cô giáo khi đưa ra lời khuyên rằng, chúng em chỉ nên chuyên tâm vào một khối và cân nhắc kỹ khả năng của mình nên giờ đây, em quyết định chỉ thi vào khoa Ngoại ngữ - Trường ĐH thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian còn lại không nhiều nhưng đã xác định được mục đích của mình nên em rất thoải mái và áp lực trong việc ôn luyện cũng đã được giải tỏa”.

Nắm bắt tâm lý, đón đầu cho mùa thi ĐH, các lò luyện thi cũng đã có chiến dịch quảng bá một cách rầm rộ như: luyện thi chất lượng, đảm bảo thí sinh luyện thi đậu ĐH 100%... Tuy nhiên, nhìn chung, hầu hết các học sinh trên địa bàn Hà Tĩnh chủ yếu vẫn trung thành với những bài giảng, những kiến thức của các thầy, cô giáo truyền thụ ở nhà trường và tự xây dựng lịch ôn tập để bù đắp những kiến thức mà mình đang thiếu.

Em Nguyễn Văn Việt – Trường THPT Mai Thúc Loan cho biết: “Em làm hồ sơ thi vào ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh bởi bây giờ cơ hội tìm kiếm việc làm cho những sinh viên thuộc lĩnh vực này sau khi ra trường cũng không khó lắm. Thực tế thời gian này, các lò luyện thi ĐH, ôn cấp tốc... rất đắt khách nhưng việc ôn luyện ở đó khiến em khó nắm bắt bởi sự tràn lan, ôm đồm kiến thức. Vì thế, thời gian nước rút này, chủ yếu em ở nhà để hệ thống lại những kiến thức mà mình đã tích lũy được trong suốt thời gian qua. Chỗ nào không hiểu hay còn thiếu hụt, em cũng trực tiếp liên hệ với các thầy, cô giáo bộ môn để được tư vấn, chỉ bảo thêm”.

Áp lực thi cử, trạng thái căng thẳng không chỉ là tâm lý chung của các học sinh mà còn là tâm lý của các bậc phụ huynh trong giai đoạn này. Chị Nguyễn Thị Tâm (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Học lực của cháu nhà tôi rất khá, tuy vậy, trước kỳ thi quan trọng này, tôi hết sức lo lắng. Khi con muốn thi vào trường ĐH Y Hà Nội, dù rất vui nhưng chúng tôi cũng băn khoăn bởi điểm thi vào trường này rất cao, sợ con mình không đủ sức thì sẽ mất cơ hội. Chính vì thế, vợ chồng tôi bàn cháu thi vào ĐH Bách khoa, không những vừa sức cháu mà sau này, khi ra trường, cháu cũng có thể theo nghiệp của bố mẹ. Nếu cháu vẫn nuôi ước mơ học ngành Y, sau này chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho cháu”.

Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh. Ảnh: Anh Thư
Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh. Ảnh: Anh Thư

Ở vùng nông thôn, dù điều kiện kinh tế khó khăn hơn nhưng các bậc cha mẹ cũng đã cố gắng hết sức mình tạo điều kiện tốt nhất cho con ôn luyện. Theo anh Nguyễn Văn Mỵ (Lộc Hà): “Mặc dù đúng vào dịp thời vụ nhưng chúng tôi cũng đã dành thời gian cho con ôn tập, nghỉ ngơi. Dẫu không được bằng người nhưng gia đình cũng đã có thêm những bữa ăn tươi hơn để con có sức học tập. Cháu nhà tôi học lực cũng khiêm tốn nên theo định hướng của các thầy cô và tham khảo những người bà con đang công tác tại các cơ quan nhà nước, chúng tôi hướng cho cháu thi vào trường CĐ kinh tế ở miền Nam với hy vọng cháu có thể kiếm được việc làm sau khi ra trường. Chúng tôi cũng đã bán được một ít nông sản, lấy kinh phí để cháu đi thi”.

Với các em, sự đồng hành của các bậc phụ huynh trong định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân, sự ủng hộ về mặt tinh thần có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc quan tâm, chăm sóc về mặt vật chất, tinh thần, sức khỏe của các em cần đúng lúc và có chừng mực, như thế mới giúp các em giảm bớt được căng thẳng, áp lực khi bước vào kỳ thi mang tính quyết định cho tương lai của mình.

Để làm bài thi thật tốt, cùng với vốn kiến thức cần thiết được tích lũy trong quá trình học tập, ôn luyện, các em cũng cần có sự ổn định về mặt tâm lý bằng cách không tự tạo áp lực cho mình. Bên cạnh thời gian dành để ôn luyện, nghỉ ngơi hợp lý thì việc học hỏi kinh nghiệm của các anh chị đi trước, giải thử các bài thi của những năm vừa qua hoặc tìm hiểu về cách thi, môi trường phòng thi… sẽ giúp các em tự tin, ổn định tâm lý khi bước vào kỳ thi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast