Những người lái đò

Làng giáo thường lấy hình ảnh người lái đò chở người qua sông để ví với nghề của mình. Lâu dần hình ảnh ấy trở nên quen thuộc trong thơ ca của nhà giáo và cả trong tâm trí học trò. Ngẫm cho cùng, sự ví von ấy thật sâu sắc và thấm thía.

Tùy bút

Người lái đò chở đạo, đạo học và đạo làm người. Thế kỷ XIX, nhà thơ mù yêu nước Nguyễn Đình Chiểu cũng đồng thời là một người thầy đã viết:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà

Đạo học như biển cả mênh mông, đạo làm người như đại dương rộng lớn, người lái đò chở bao nhiêu cho đầy, cho trọn để học trò từ sông ra được biển . Đạo học và đạo làm người đều từ cha ông để lại, như trăm sông về với biển, theo dòng thời gian ngày càng đầy thêm, dào dạt và chan chứa. Người lái đò phải chở từ ngày này qua tháng khác. Những chuyến đò này kế tiếp chuyến đò khác. Người qua sông đi về góc biển chân trời, có người ngoảnh lại, cũng có người vội vã đi tiếp, cho đến cuồi đời mới chợt nhớ đến con thuyền và người chèo lái. Dù một chuyến đò hay hàng ngàn hàng vạn chuyến thì cũng đong đếm bằng sức lực và trí tuệ, nhân cách người lái đò. Sóng to gió cả, đêm hôm khuya khoắt, đá ngầm cát lắng…đều là những lực cản trên hành trình chở người qua sông đi ra biển lớn. Ấy là khi nước mất nhà tan, chiến tranh gieo rắc khắp non sông, trường học bị tàn phá, lớp học bị thiêu rụi, bom bỏ vào giờ học làm cả cô lẫn trò tử vong. Ấy là khi mọi giá trị bị đảo lộn, đạo học không được coi trọng, người thầy bị khinh rẻ, học trò ngổ ngáo, phỉ báng tri thức sách vở và nhà trường, cha mẹ chạy theo tiền bạc, không màng đến việc dạy con. Ấy là khi những con sóng đời va đập vào thầy cô nỗi lo cơm áo, mưu sinh, tạo nên những giằng xé tâm can giữa việc chọn lựa : dừng lại hay chèo tiếp? Ấy là khi hiện thực cuộc sống diễn ra những điều trái ngược với những trang sách đẹp dẽ và lung linh, là khi cơn xoáy lốc cuốn hút những học trò vào con đường tội lỗi mà thầy cô đành bất lực.

Nhưng dù có sóng to gió cả, đêm đông lạnh giá thì theo tiếng gọi của lương tri người thầy, theo ngọn lửa lòng thắp sáng từ trong tim, kế tiếp hành trình người đi trước, những người thầy người cô bao tháng năm vẫn miệt mài âm thầm với công việc lái đò chở đạo, chở tri thức, chở ngọn nguồn chân lý và lẽ sống của dân tộc. Những thế hệ học trò được thấm đẫm trong dòng sông nhân nghĩa, lớn lên trong biển cả của tình yêu nước và tri thức nhân loại, theo tháng năm trở thành những người con trung hiếu, những công dân có ích, những anh hùng, chiến sĩ dám hy sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc, những bác sĩ thâu đêm bên bàn mổ để cứu sống bệnh nhân, những kỹ sư vắt óc trên những bản vẽ thiết kế và công trường xây dựng, những tiến sĩ, giáo sư với các công trình khoa học đồ sộ, những nhà báo nhà văn trăn trở ngòi bút trước cuộc đời… Cũng có thể những lứa học trò chỉ là nông dân, ngư dân, công nhân nhưng đã sống cuộc đời lương thiện, giữ được vẻ đẹp của phẩm chất và tâm hồn Việt. Đó là phần thưởng lớn lao cho những người lái đò.

Cuộc sống ngày một biến động, xã hội hiện đại du nhập thêm những giá trị mới tốt đẹp từ bên ngoài. Nhưng đi cùng là những hiện tượng phi văn hóa. Đó là lối sống thực dụng, coi trọng đồng tiền và vật chất, thói vô cảm, sụ ích kỷ, a dua, bạo lực học đường v.v. Công việc của những người lái đò ngày nay vì thế thêm phức tạp khó khăn. Làm sao để người lên thuyền cùng một chí hướng với mình, không chỉ là "qua sống lụy đò" thoáng chốc rồi quên lãng hết? Làm sao để con thuyền chở đạo học, đạo làm người không bị chòng chành nghiêng ngả mà luôn cập bến bình yên? Chỉ có niềm tin và tình yêu là sức mạnh lớn lao để những thế hệ thầy cô giáo vượt qua khó khăn, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp chở đạo cao cả. Niềm tin ở bản thiện của con trẻ, ở những giá trị đạo đức của dân tộc đã được khẳng đinh qua hàng chục thế kỷ, tin ở con đường của Đảng và Bác Hồ lựa chọn, tìn ở chính mình cùng với tình yêu trường lớp, tình yêu đồng nghiệp, tình thương học trò mãi là ngọn hải đăng ở phía chân trời để người thầy người cô tiếp tục chèo lái những con thuyền chở đạo. Chỉ khi tay chèo không vững, tầm nhìn hạn hẹp và nhất là nhân cách chưa trọn vẹn thì mới phải sớm buông chèo gác mái, để mặc con thuyền muốn trôi nổi về đâu thì về. Nhưng đó là chuyện hạn hữu xảy ra trong làng giáo Việt Nam.

Như những lớp sóng thời gian vỗ vào cuộc sống, những thế hệ nhà giáo Việt Nam đã làm trọn thiên chức "thay Đảng rèn người", đưa những con thuyền chở tri thức và nhân nghĩa về tới bến bờ vinh quang

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast