Niềm vui người gieo hạt

(Baohatinh.vn) - Ngành Giáo dục Hà Tĩnh khép lại năm 2014 với những dấu ấn đáng tự hào về kết quả dạy và học. Đặc biệt, sau hơn 1 năm kể từ ngày Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng (khóa XI ) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ra đời, ngành đã có những cách làm hay để góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Phát triển năng lực, phẩm chất người học

Thời gian qua, việc đổi mới chương trình giáo dục nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; đổi mới nội dung theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn... được các nhà trường đặc biệt quan tâm. Việc áp dụng phương pháp “bàn tay nặn bột”, nhân rộng các mô hình trường học mới (VNEN) tại 48/260 trường tiểu học đã góp phần thay đổi cách dạy, học truyền thống, phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục hiện đại. Năm học này, ngành còn triển khai đại trà chương trình Tiếng Việt công nghệ mới cho học sinh (HS) lớp 1 trên địa bàn toàn tỉnh và thực hiện đổi mới phương pháp đánh giá HS bậc tiểu học…

Niềm vui người gieo hạt ảnh 1

Mô hình trường học mới (VNEN) phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục hiện đại

Đánh giá về chương trình Tiếng Việt công nghệ mới, cô Nguyễn Thị Hải Lý - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Tính ưu việt của chương trình được thể hiện rõ, HS học đến đâu chắc đến đấy. Sau khi học, các em đọc thông, viết thạo, nắm chắc ngữ âm, luật chính tả; tốc độ đọc nhanh hơn; có phương pháp tư duy khoa học hơn…”.

3.000 tỷ đồng xây dựng trường

Tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục cũng đã được sự quan tâm vào cuộc của các bậc phụ huynh, chính quyền địa phương và toàn xã hội với việc huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường học. Đó cũng là cơ sở để 423/722 trường ở cả 3 cấp học giữ vững và phát huy hiệu quả phong trào nâng cao chất lượng trường chuẩn quốc gia. Đặc biệt, để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, với sự quan tâm vào cuộc của toàn xã hội, ngành đã huy động được hơn 3.000 tỷ đồng, bao gồm nguồn từ ngân sách địa phương, chương trình mục tiêu và xã hội hóa.

Từ nguồn lực đó, tỉnh đã chuyển đổi 262/262 trường mầm non bán công sang công lập; xây dựng mới hàng trăm phòng học và phòng chức năng, bổ sung trang thiết bị dạy và học, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ. Những nỗ lực ấy đã được đền đáp khi năm học 2013-2014, Bộ GD&ĐT công nhận kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi ở Hà Tĩnh. Hà Tĩnh cũng là một trong 5 tỉnh, thành của cả nước hoàn thành tốt 16/16 tiêu chí thi đua do Bộ GD&ĐT quy định, trong đó có 13 lĩnh vực được đánh giá hoàn thành xuất sắc và là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước; được Bộ GD&ĐT tặng cờ đơn vị tiêu biểu xuất sắc.

Một mùa xuân mới đã thực sự trở về trong lòng các thầy, cô giáo khi quyết tâm của họ, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã đưa hàng trăm HS ở các bậc học trên địa bàn xã Hương Bình (Hương Khê) trở lại trường học. Những ánh mắt lấp lánh niềm vui của con trẻ đã xua tan mệt mỏi, lo âu của những người gieo chữ trong suốt những tháng ngày vất vả bám dân tuyên truyền, vận động, rồi sắp xếp thời gian dạy bù. Thành công ở Hương Bình thêm một lần khẳng định sự đúng đắn của đề án quy hoạch trường lớp để nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.

Thầy giỏi ắt có trò hay

Đối với việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT, Hà Tĩnh cũng đã có những cách làm cụ thể và hiệu quả. Thầy Nguyễn Xuân Trường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Để thực hiện có hiệu quả nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, ngoài tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ nhà giáo, ngành Giáo dục đã chủ động rà soát quy hoạch và bồi dưỡng đội ngũ, tham mưu tỉnh có chính sách thu hút các sinh viên ngành sư phạm xuất sắc; đẩy mạnh tinh giản biên chế; đảm bảo yêu cầu về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ nghề nghiệp cũng như phẩm chất đạo đức”.

Việc tổ chức thi tuyển các chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cho các trường được xem là bước tiến mới. Qua thi tuyển không chỉ phát hiện, củng cố đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng để giao giữ trọng trách lãnh đạo, quản lý mà còn hạn chế được tối đa những hiện tượng tiêu cực có thể nảy sinh.

Thầy giỏi ắt sẽ có trò hay. Năm học 2013-2014, toàn tỉnh có trên 5.000 HS đậu vào các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn cả nước, trong đó, gần 50 thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên. Kết quả thi HS giỏi quốc gia lớp 12 của tỉnh đáng tự hào về số lượng và chất lượng với 54 em đạt giải. Kỳ thi giải Toán trên máy tính cầm tay lần thứ XIV năm học 2013-2014, đoàn Hà Tĩnh xếp thứ 3/13 đoàn dự thi, với 23/30 em đạt giải cá nhân... Mùa vàng rực rỡ trên cánh đồng tri thức là minh chứng cho chất lượng giáo dục trên miền đất học.

Một mùa xuân - mùa gieo hạt mới lại về, mang đến cho những người gieo chữ niềm hy vọng thêm mùa bội thu. Tin chắc rằng, niềm hy vọng ấy sẽ trở thành hiện thực nhờ sức mạnh được tiếp nối từ truyền thống của quê hương; sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội và việc triển khai có hiệu quả các nghị quyết về giáo dục của cấp trên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast