Ông đồ Nghệ xưa và nhà giáo ngày nay

(Baohatinh.vn) - Xứ Nghệ nói chung, Hà Tĩnh nói riêng từ xưa đến nay vẫn được ca ngợi là một vùng đất học. Hiếu học, coi trọng khoa bảng, từ đời này sang đời khác, vùng đất này đã hình thành nên một mẫu người điển hình: ông đồ Nghệ...

Từ hình ảnh ông đồ Nghệ với áo the, khăn đóng và phong thái thanh cao thời phong kiến đến hình ảnh những người thầy giản dị, rộng hơn là những nhà giáo trên đất Nghệ hôm nay là một sự tiếp nối và tỏa sáng, đều là điển hình của những người trao truyền và dẫn dắt đạo học, tận tụy “lái đò” chở những lớp học sinh (HS) tới bến bờ tri thức.

ong do nghe xua va nha giao ngay nay

Niềm đam mê thư pháp của anh Trần Văn Phố - Phó bí thư Đoàn phường Đức Thuận (TX Hồng Lĩnh) đang tái hiện hình ảnh ông đồ Nghệ xưa trong cuộc sống hiện đại ngày nay

Nét đặc trưng của ông đồ Nghệ xưa là chăm chỉ đọc sách thánh hiền, truyền dạy tri thức cho HS bằng kinh nghiệm và sáng tạo cá nhân, bằng sự kiên trì với nghề “gõ đầu trẻ”. Lớp học của họ tại gia, cũng có thể ở nhà HS. Thầy thường ngồi xếp bằng trên phản cao, học trò ngồi dưới ghế thấp hoặc chiếu, nơi sang mới có bàn ghế. Đồ dùng giảng dạy chỉ là sách vở, bút và nghiên mực, thước gõ.

Ông đồ Nghệ được nhân dân yêu kính và gửi con tới học vì hầu hết là những người đẹp về nhân cách, hay chữ, trọng danh. Nói đến ông đồ Nghệ là nói đến những người nghèo mà cao sang, sống đạm bạc, coi trọng sự học và khoa bảng. Nhiều người trong số đó đã vượt ra khỏi khuôn khổ của ông đồ sau lũy tre làng, trở thành những bậc thức giả lo nghĩ đến vận nước, gánh vác việc giang sơn như Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc, Ngô Đức Kế… Nhiều người đã nỗ lực tạo lập nên một vùng văn hóa với quần thể thư viện, trường học, trung tâm xuất bản sách phục vụ dạy học như đại gia đình Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự ở Trường Lưu, đại gia đình Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm, thân phụ Nguyễn Du ở Tiên Điền… Nhiều thầy giáo đã có công lớn trong việc dạy dỗ, truyền trí tuệ và khát vọng cho các bậc hiền tài, nhà cách mạng như Võ Liêm Sơn, thầy giáo của 2 Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập; Nguyễn Thiếp, quân sư của Hoàng đế Quang Trung... Thời niên thiếu, ngoài cha mình và ông ngoại Hoàng Xuân Đường, cậu bé Nguyễn Sinh Cung học được rất nhiều điều từ lớp học ở làng của thầy Vương Thúc Quý. Và điều đặc biệt ở Xứ Nghệ là những chí sĩ yêu nước, lãnh tụ của Đảng và đất nước đều xuất thân từ nhà giáo hoặc có thời kỳ làm nhà giáo như Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, Trần Phú, Hà Huy Tập…

Tuy vậy, do hoàn cảnh lịch sử, xã hội đương thời, hầu hết ông đồ Nghệ xưa không tránh khỏi những hạn chế. Đó là không chấp nhận thực tại đã có những đổi thay, vẫn khư khư giữ lấy “mực tàu, giấy đỏ” và những trật tự, lễ nghi của xã hội phong kiến. Một số ông đồ vì quá trọng danh nên mắc thói “danh hão”, sống khép mình, bảo thủ sau lũy tre làng. Hình ảnh “cá gỗ” là điển hình của thói “danh hão”, chỉ coi trọng hình thức. Không ít ông đồ xưa còn quá khắc nghiệt với lỗi lầm của học trò như bắt quỳ vỏ mít, dùng thước gỗ đánh vào tay học trò thâm tím vì không thuộc bài, không làm bài…

ong do nghe xua va nha giao ngay nay

Niềm vui đến lớp của cô trò Trường Tiểu học Bắc Hà (TP Hà Tĩnh)

Dù còn một vài hạn chế ấy thì ông đồ Nghệ xưa vẫn là hình ảnh cao đẹp của những người thầy trong xã hội cũ. “Không thầy đố mầy làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Hình ảnh ông đồ Nghệ giản dị mà cao sang trong những câu thơ của Xuân Diệu thật khó phai mờ:

Ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ

Vượt Đèo Ngang kiếm nơi cần chữ

Cha Đàng Ngoài, mẹ ở Đàng Trong

Hai phía Đèo Ngang, một mối tơhồng

… Hàng xóm cười giọng ông đồ trọ trẹ

Nhưng quý ông đồ văn vẻ giỏi giang

Bà ngoại nói: tôi trọng người chữ nghĩa

Nên dám gả con cho cách tỉnh, xa đàng…

Bước vào thời kỳ hiện đại, các thế hệ thầy giáo trên mảnh đất Xứ Nghệ đã tiếp nối được những nét đẹp của “ông đồ Nghệ” xưa và đã làm tỏa sáng thêm những phẩm chất mới, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Nét nổi bật của các nhà giáo thời hiện đại là bên cạnh việc tu thân, khổ học thành tài, đam mê với nghề, mẫu mực, tận tụy với HS là sự đón bắt nhanh nhạy hơi thở thời đại để thay đổi phương pháp dạy học nhằm tạo ra những thế hệ HS có đạo đức, lối sống phù hợp với chuẩn mực con người mới, có tri thức khoa học, có kỹ năng sống, kỹ năng lao động, kỹ năng thực hành.

Nhà giáo thời hiện đại nắm vững đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước, thấm nhuần nguyên lý: học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội. Nhà giáo thời hiện đại được hỗ trợ nhiều bởi các thiết bị giảng dạy, công nghệ thông tin, cơ sở vật chất trường lớp và không gian sư phạm rộng lớn. Đội ngũ nhà giáo ngày nay cũng đông đảo, đa dạng, đủ các cấp học, ngành học. Các trường sư phạm mở ra trên khắp đất nước nên việc học tập nâng cao trình độ, bồi bổ kiến thức có nhiều thuận lợi. Đặc biệt, đằng sau mỗi giờ lên lớp của các thầy cô là sự dõi theo, hỗ trợ, động viên, tạo điều kiện rất lớn của phụ huynh, cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Người dân trên vùng quê hiếu học thà nhịn ăn, nhịn mặc chứ không để con thiếu chữ. Đó là động lực rất lớn cho các thầy cô tiếp nối truyền thống, làm rạng danh đất học Hà Tĩnh: dẫn đầu trong phong trào diệt giặc dốt năm 1945, phong trào thi đua “Hai tốt” trong thời kỳ kháng chiến và luôn nằm tốp đầu về HS giỏi quốc tế, quốc gia, có nhiều thủ khoa trong kỳ thi đại học những năm gần đây. Những gương mặt nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, giáo viên giỏi tỉnh, giáo viên giỏi quốc gia, chiến sĩ thi đua các cấp… là hình ảnh điển hình của “đồ Nghệ” thời hiện đại.

Nhà giáo hôm nay vẫn dào dạt tình yêu nghề, mến trẻ, là tấm gương sáng trên bục giảng, giữa đời thường. Nhưng không cứ là nhà giáo thì phải nghèo, phải thanh đạm khi toàn dân đều đã có cuộc sống sung túc. Họ có thể làm thêm để đảm bảo cuộc sống miễn là việc đó không ảnh hưởng đến đạo đức người thầy và vi phạm pháp luật. Cuộc sống hiện đại, cơ chế, chính sách của Nhà nước có nhiều cơ hội cho nhà giáo thoát nghèo, song càng đòi hỏi lương tâm người thầy thể hiện trong nhiều tình huống của cuộc sống, nhất là việc dạy thêm. Nhà giáo hiện đại cũng cần khắc phục tình trạng sớm thỏa mãn với kiến thức đã có, không chịu vươn lên học hỏi, thô bạo trong ứng xử với HS, phát ngôn thiếu chuẩn mực, thiếu trách nhiệm trên mạng xã hội… Dù những hiện tượng ấy chỉ là cá biệt nhưng sẽ làm ảnh hưởng đến cả một thế hệ vì như người ta thường nói: “Thầy giáo là kỹ sư tâm hồn”. Đảng, Nhà nước, xã hội đòi hỏi những kỹ sư ấy phải thiết kế được tâm hồn cho cả một thế hệ.

Nhắc chuyện ông đồ Nghệ xưa để những người thầy hôm nay thêm tự hào về truyền thống của cha ông, tự nhắc nhủ mình vượt qua những khó khăn của đời thường để thắp sáng ngọn lửa hiếu học trên mảnh đất quê hương, chắp cánh cho những đàn chim bay xa.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast