Ông Nậm khuyến học

(Baohatinh.vn) - Đã hơn 70 tuổi nhưng sự xông pha và lòng nhiệt huyết với công việc vẫn luôn căng đầy trong ông...

Nói chuyện với tôi, ông vui vẻ: “Nhiều người hỏi tôi: Ông đã nghỉ chưa? Tôi nói: Nghỉ rồi mà chưa nghỉ”. Rồi là vì đã nghỉ theo chế độ từ tháng 3/2004; chưa nghỉ là vì từ đó đến nay, ông vẫn đảm đương nhiệm vụ mà Đảng và chính quyền giao phó. Ông là Phan Văn Nậm – Chủ tịch Hội Khuyến học Cẩm Xuyên.

Ông Nâm (bên phải) nói chuyện khuyến học với ông Trần Xuân Cậy - Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Vạn Thành (Cẩm Thạch - Cẩm Xuyên)
Ông Nâm (bên phải) nói chuyện khuyến học với ông Trần Xuân Cậy - Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Vạn Thành (Cẩm Thạch - Cẩm Xuyên)

Ông Nậm có đôi mắt biết nói, dáng đi nhanh nhẹn, phong thái vui nhộn. Có lẽ đó là những lợi thế để ông hoạt động phong trào cũng là khí chất mà ông có được từ sự trải nghiệm. Ông có thể một mình một xe đi đến bất kỳ đâu, tiếp cận bất kỳ ai để mang lại hiệu quả công việc mà không quản khó khăn, vất vả.

“Làm phong trào không phải trên bàn giấy mà là ở cơ sở. Phải đi, phải tiếp cận và vận động”…, ông Nậm đúc rút.

Ông Nậm nguyên là Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cẩm Xuyên. Về hưu chưa kịp nghỉ ngơi thì ông nhận được đề nghị làm chủ tịch hội khuyến học huyện. Tự thấy mình còn sức khỏe, trí tuệ nên ông nhận lời. Bấy giờ, Hội Khuyến học huyện còn hết sức sơ khai, chưa có qui chế, chương trình hoạt động cụ thể, chưa phát huy được vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền… Biết rằng, phong trào không nằm trên bàn giấy nhưng trong điều kiện mới tiếp nhận công việc, ông chưa vội làm phong trào ngay mà dành tất cả thời gian tập trung nghiên cứu điều lệ, tính chất và chức năng, nhiệm vụ của hội khuyến học, các chỉ thị liên quan của T.Ư và tỉnh.

Tiếp đó, ông tổ chức buổi làm việc với huyện về chủ trương và giải pháp cho hoạt động của hội, trong đó chú trọng tham mưu cho huyện 3 nội dung căn cơ để chỉ đạo thực hiện. Thứ nhất, công tác khuyến học không tách rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của chính quyền, sự phối hợp của mặt trận và quần chúng. Thứ hai, phải hướng mạnh về cơ sở để phát triển phong trào sâu rộng và bền vững, trong đó tập trung cho công tác vận động. Thứ ba, tập hợp và mở rộng hoạt động khuyến học ở các tổ chức chính trị xã hội, các dòng họ, đặc biệt là các linh mục, ban hành giáo…

Đưa cấp ủy, chính quyền vào cuộc như một chiếc “gậy” để phong trào “có lực” hoạt động nhưng đó không phải là yếu tố quyết định hiệu quả. Tuyên truyền, vận động là công tác hàng đầu được ông Nậm đặc biệt chú trọng. Cán bộ khuyến học cấp huyện quá ít, do vậy, ông Nậm không nề hà bất cứ việc gì, miễn có ích cho phong trào.

Hình ảnh ông chủ tịch hội cùng chiếc xe máy về hết xã này đến thôn nọ, gặp hết người này đến người kia để kêu gọi, vận động cho công tác khuyến học - khuyến tài đã quá quen thuộc với cán bộ cấp xã, thôn, xóm trong toàn huyện Cẩm Xuyên. Đặc biệt, đối với các vùng có đồng bào giáo dân, bước chân ông phải dừng lại nhiều hơn bởi tỷ lệ bỏ học của con em ở các vùng này còn nhiều.

Ông Nậm tâm sự: Bác Hồ đã từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Chúng ta không làm được những điều vĩ đại như Bác nhưng chúng ta có thể góp sức để làm những điều Người dặn vì đó là điều cần thiết cho sự tiến bộ của nhân dân. Vì vậy, có bao nhiêu sức lực, trí tuệ thì chúng ta ra sức mà làm…

Ông Nậm là giáo dân, 23 tuổi được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Ban đầu, nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về những điều ông lựa chọn nên gây áp lực tâm lý, nhưng ông đã sớm khẳng định về tính đúng đắn trong lựa chọn của mình. Ông nói: “Đi theo cách mạng, theo Đảng là để đem quyền lợi no ấm về cho nhân dân. Kinh thánh, phúc âm của chúa không có câu nào cấm vào Đảng, chỉ là do người ta lợi dụng”.

- Biết vậy, nhưng trong thực tế cuộc sống, chắc ông gặp không ít áp lực tâm lý? - tôi hỏi.

- Áp lực hay không là do mình. Tôi yêu nước, kính Chúa, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Trong các cuộc nói chuyện với các vị linh mục, tôi cũng rất thẳng thắn nói về chính sách của Đảng và giữ vững lập trường quan điểm của tôi. Cái cốt yếu là làm gì để góp phần đưa lại sự ấm no, tiến bộ cho nhân dân - ông Nậm tiếp lời.

Đã có rất nhiều cuộc tiếp xúc căng thẳng trong các chuyến đi vận động, tuyên truyền nhưng ông Nậm vẫn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. Đặc biệt là ở các vùng giáo, theo thời gian, thay vì sự lạnh lùng là những tình cảm ấm áp, chân thành và sự hợp tác dành cho ông. Nhờ vậy, công tác khuyến học trong toàn huyện, nhất là ở các vùng giáo nhanh chóng được người dân đón nhận. Từ một huyện có tỷ lệ con em giáo dân bỏ học cao nhưng chỉ sau vài năm kể từ khi ông Nậm làm chủ tịch hội khuyến học thì tình trạng này đã chấm dứt. 7 giáo xứ và 18 giáo họ trên toàn huyện đều xây dựng quỹ khuyến học - khuyến tài. Hình ảnh học sinh lớp lớn dìu dắt các em lớp nhỏ, học sinh khá, giỏi hướng dẫn học sinh yếu hơn đã trở thành quen thuộc và điều này đã đi vào ý thức, trách nhiệm trong mỗi học sinh, trở thành nét văn hóa của các xóm đạo.

Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Vạn Thành (Cẩm Thạch) Trần Xuân Cậy vừa đảm nhận chức vụ chưa bao lâu nhưng khi thấy Chủ tịch Hội Khuyến học Phan Văn Nậm đến thăm, ông đã tay bắt mặt mừng, niềm nở đón tiếp như người thân tình. Hết kể chuyện giáo xứ, ông lại nói về công tác khuyến học; về những chuyện ban hành giáo đã làm và sẽ làm.

“Quỹ khuyến học chung cho cả giáo xứ. Quỹ hỗ trợ các học sinh nghèo được đến trường và động viên, khuyến khích các em vượt khó, vươn lên học giỏi. Quỹ quan tâm chung đến con em trong toàn vùng, không phân biệt lương, giáo. Thời gian tới, chắc chắn hoạt động khuyến học của giáo xứ sẽ mạnh lên. Vừa rồi, chúng tôi đã bổ sung thêm 2 vị vào Ban Khuyến học giáo xứ, một vị ở hội đồng hương tại Thái Lan và một vị ở hội đồng hương tại TP Hồ Chí Minh. Mở rộng như thế để tăng cường vận động, kêu gọi nguồn lực hoạt động. Ngoài ra, 4 tổ lớn/21 nhóm liên gia trong giáo xứ cũng sẽ tiến hành thành lập quỹ khuyến học riêng”…, ông Cậy phấn khởi chia sẻ.

Tính đến nay, ông Nậm đã đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Cẩm Xuyên được gần 10 năm. Trong khoảng thời gian ấy, mỗi năm, công tác khuyến học huyện Cẩm Xuyên lại mở sang một trang mới. Từ thay đổi nhận thức vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền, khơi dậy tinh thần hiếu học trong nhân dân cho đến xây dựng mạng lưới tổ chức hội, các trung tâm học tập cộng đồng ngày càng hoàn thiện hơn. Đến nay, 27/27 xã, thị trấn trên toàn huyện đã có trung tâm học tập cộng đồng và đều triển khai các nội dung học tập thiết thực.

Năm 2013, toàn huyện có 17.500 gia đình đạt tiêu chí gia đình hiếu học các cấp; 423/528 dòng họ đăng ký đạt tiêu chí dòng họ khuyến học; 87,4% tỷ lệ thôn xóm, khối phố đạt tiêu chí cộng đồng dân cư khuyến học. Đặc biệt, quỹ khuyến học ngày càng phát triển. Ngoài quỹ xã, thôn, cơ quan, trường học, ông Nậm đã trực tiếp tham mưu xây dựng quỹ khuyến học trong các đoàn thể, dòng họ và giáo xứ, như: “Vì tình thương đồng đội” của hội cựu chiến binh; “Tiếp bước cho em đến trường” của hội LHPN; “Tre già ôm lấy măng non” của hội người cao tuổi… Mỗi năm, quỹ khuyến học toàn huyện huy động được 1,5-1,7 tỷ đồng. Riêng năm 2013, quỹ huy động được 2,6 tỷ đồng và đã hỗ trợ cho 19 nghìn lượt giáo viên, học sinh với số tiền 1,4 tỷ đồng.

“Làm khuyến học không chỉ giúp học sinh nghèo có điều kiện đến trường, động viên con em vươn lên học giỏi mà quan trọng hơn là phải thay đổi được ý thức quần chúng, phải làm cho người dân hiểu được rằng, có con là phải đưa đến trường học, phải tham gia xây dựng trường xanh - sạch - đẹp; phải giáo dục cộng đồng hiểu được rằng, mọi người ai cũng có quyền đi học và phải học suốt đời. Với người dân nông thôn hiện nay thì việc học càng cần được quan tâm thường xuyên. Học để nhận thức đúng đắn về chủ trương, đường lối của Đảng, học để có kiến thức KHKT mà xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… Khuyến học cần chiều sâu nhưng cũng cần tính toàn diện trên mọi lĩnh vực trong từng giai đoạn phát triển. Kết quả hôm nay chỉ là nền tảng cho ngày mai. Vì vậy, công việc còn đòi hỏi ở chúng ta rất nhiều và với tôi thì còn sức khỏe, trí tuệ, còn sự giao phó của Đảng thì tôi sẽ còn ra sức bám sát cơ sở vì sự nghiệp này” - ông Nậm trải lòng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast