Quản lý đội ngũ cán bộ, giáo viên: Phân cấp, không "phân tán, phân quyền"

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong hoạt động giáo dục – đào tạo, nâng cao chất lượng dạy - học, ngày 24-12-2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 43/2008/QĐ-UBND về việc phân cấp quản lý đội ngũ cán bộ, giáo viên của hệ thống các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở cho cấp huyện. Tuy nhiên, sau hơn một năm thực hiện phân cấp đã bộc lộ một số khó khăn, tồn tại mà nguyên nhân chủ yếu vẫn từ cách nghĩ, cách làm của những người có thẩm quyền

Theo đó, việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, giáo viên của các cấp học này không còn thuộc trách nhiệm của Sở GD-ĐT mà thuộc thẩm quyền của UBND các huyện, thị xã, thành phố. Triển khai thực hiện QĐ 43, các địa phương đã có bước chuẩn bị khá tốt và đã giành được một số kết quả quan trọng. Năm học 2009 – 2010, các địa phương trong toàn tỉnh đã tuyển dụng 85 giáo viên THCS, 133 giáo viên Tiểu học, 525 nhân viên hành chính, 18 cán bộ quản lý và 25 giáo viên Mầm non. Với sự phân cấp này, các huyện có thể chủ động trong biên chế và nhiệm vụ. Các địa phương tự cân đối chỉ tiêu tuyển dụng nên đã phần nào khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, kịp thời sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên ổn định trước ngày khai giảng. Đồng chí Chu Biên, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Kỳ Anh cho biết: “Việc phân cấp quản lý đội ngũ cán bộ, giáo viên như Quyết định 43 là hoàn toàn hợp lý. Huyện có thể căn cứ vào tình hình thực tế để tuyển dụng mang tính ổn định, bền vững, hạn chế được tình trạng có môn giáo viên thừa vẫn thừa và giáo viên miền núi thiếu vẫn thiếu do “xin về” như trước đây”.

Chất lượng học sinh phụ thuộc nhiều vào chất lượng giáo viên đứng lớp

Tuy nhiên, sau hơn một năm thực hiện phân cấp đã bộc lộ một số khó khăn, tồn tại mà nguyên nhân chủ yếu vẫn từ cách nghĩ, cách làm của những người có thẩm quyền. Mặc dù Sở Nội vụ đã có văn bản hướng dẫn, quy định việc tuyển dụng, thuyên chuyển viên chức cho ngành giáo dục phải hoàn thành trước ngày 4-9 hàng năm nhưng một số đơn vị còn thực hiện hết sức chậm trễ, không phân bổ giáo viên kịp thời dẫn đến tình trạng “học sinh phải chờ thầy, cô”. Điển hình như ở Can Lộc, gần hết tháng 9 giáo viên mới về trường và huyện Nghi Xuân gần hết tháng 10 giáo viên được tuyển dụng mới về trường; thậm chí, ngành giáo dục Thạch Hà, Kỳ Anh, Đức Thọ đến tháng 2, tháng 3 vẫn tiếp nhận giáo viên từ huyện ngoài về và cho giáo viên chuyển đi địa phương khác. Điều đáng nói nữa là trong tổ chức tuyển dụng, tính công khai chưa được Hội đồng xét tuyển cán bộ, giáo viên của UBND một số huyện tuân thủ. Theo quy định của Chính phủ, khi tổ chức tuyển dụng, đơn vị tuyển dụng phải niêm yết rộng rãi, thông báo công khai trên các phương tiện đại chúng của tỉnh trước 1 tháng nhưng nhiều đơn vị không thực hiện, chỉ thông báo trong phạm vi hẹp, thời gian ngắn vì vậy các đối tượng có nhu cầu không biết để lựa chọn. Cũng chính vì thế mà số đối tượng tham gia xét tuyển không nhiều, có đơn vị số tham gia xét tuyển bằng số tuyển nên chất lượng cán bộ, giáo viên được tuyển chọn không đảm bảo, nhiều khi phải lấy đối tượng không đảm bảo tiêu chuẩn.

Trong khi đó, việc tuyển dụng giáo viên và chất lượng giáo viên được tuyển dụng còn nhiều bất cập. Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Có thể nói, do bước đầu thực hiện phân cấp nên vẫn còn một số đơn vị tỏ ra lúng túng, nhất là chưa xác định được đúng hệ đào tạo dẫn đến chất lượng tuyển dụng không cao nhất là đối tượng chuyên ngành Anh văn, TDTT, Sinh, Hoá, Tin, Nhạc hoạ như ở Kỳ Anh, Hương Khê, Lộc Hà, Nghi Xuân. Có trường hợp thông báo tiếp nhận những người đã tốt nghiệp Cao đẳng Sinh thể để dạy môn Sinh hoá mặc dù sinh thể là đào tạo để dạy TDTT (Nghi Xuân); Cao đẳng chuyên ngành Anh văn dịch thuật vào dạy Anh văn…Điển hình như ở Hương Khê đã tuyển dụng 3 trường hợp hệ trung cấp chuyên ngành; có đơn vị tuyển dụng 2 trường hợp trung cấp tin học của các Trung tâm đào tạo thuộc các sở, ngành (dưới chuẩn quy định của ngạch viên chức, dưới chuẩn theo quy định của Bộ GD -ĐT).

Theo quy định phân cấp, các đơn vị đồng thời thực hiện các chức năng thuyên chuyển, xây dựng cơ cấu, tuyển dụng và phân bổ kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi” nên dễ xảy ra những bất cập trong công tác tuyển dụng. Hệ luỵ của nó bắt đầu từ việc cho thuyên chuyển những giáo viên đào tạo sư phạm chính quy để tuyển những trường hợp cử nhân chuyên ngành, cho thuyên chuyển những giáo viên có kinh nghiệm để tuyển giáo viên mới hay xin chỉ tiêu biên chế môn này để tiếp nhận giáo viên các bộ môn khác. Đặc biệt, có huyện giáo viên đã thừa nhiều nhưng vẫn tiếp nhận như Thị xã Hồng Lĩnh 17 trường hợp, Thạch Hà 46 trường hợp, Can Lộc 21 trường hợp…Bên cạnh đó, việc bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên một số trường trở nên tuỳ tiện, có biểu hiện của cơ chế “xin – cho”. Một số địa phương không đảm bảo cơ cấu bộ môn, tỷ lệ giáo viên bình quân cho các trường mà nặng về “vận dụng” trong thuyên chuyển. Có môn tuy đã dư thừa nhưng đơn vị vẫn xin về và bố trí giảng dạy bất hợp lý như ở Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên hầu hết các trường Tiểu học đều được bố trí giáo viên Anh văn trong khi đó môn Anh văn chỉ quy định dạy cho các lớp học 10 buổi /tuần và chỉ bố trí dạy từ lớp 3 trở lên.

Sau hơn 1 năm thực hiện phân cấp quản lý đội ngũ cán bộ, giáo viên của hệ thống các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở theo Quyết định 43/2008/QĐ-UBND bên cạnh những kết quả tích cực thì ở một số địa phương, một số lĩnh vực vẫn còn nhiều bất cập. Để phát huy những mặt tích cực của việc phân cấp nhằm chuẩn hoá, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên làm nhân tố quyết định chất lượng lâu dài cho sự nghiệp giáo dục, các địa phương cần thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ của mình, đảm bảo tính công khai minh bạch, tránh cơ chế “xin cho” và tư tưởng tuỳ tiện. Có như vậy, việc phân cấp mới đảm bảo tính khả thi, thống nhất và bền vững, tránh được tình trạng “phân tán, phân quyền”.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Khắc Hào – Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Tĩnh: Chủ trương phân cấp vẫn còn nhiều vấn đề phải xem xét lại, đặc biệt là công tác tuyển dụng. Nhiều địa phương thực hiện công tác quản lý, tuyển dụng, bố trí cán bộ, giáo viên một cách tuỳ tiện, không đảm bảo chất lượng, không đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Đó là chưa nói, sau khi phân cấp, UBND các huyện đã tuyển dụng một số lớn giáo viên hợp đồng có thời hạn mặc dù biên chế vẫn còn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast