Say mê tìm tòi, nghiên cứu nâng cao chất lượng dạy - học

Tìm tòi, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu, vận dụng tối đa thành tựu KHCN để đổi mới, phát triển GD-ĐT là một trong những giải pháp được đội ngũ viên chức Công đoàn ngành Giáo dục lựa chọn để nâng cao chất lượng dạy và học.

Trong câu chuyện với chúng tôi về chuỗi thành tích ấn tượng mà thầy trò nhà trường đạt được trong thời gian qua, thầy giáo Nguyễn Công Hoàn – Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh khẳng định, truyền thống hiếu học bao thế hệ giáo viên, học sinh vun đắp chính là động lực thôi thúc tập thể sư phạm nhà trường không ngừng phấn đấu, vươn lên.

Theo chia sẻ của thầy Hoàn, muốn có trò giỏi trước tiên cần phải có thầy giỏi. Vì lẽ đó, thời gian qua, bên cạnh niềm đam mê sáng tạo, tìm ra phương pháp giảng dạy mới, Ban giám hiệu, Công đoàn nhà trường đã động viên, khuyến khích đội ngũ giáo viên tích cực tham gia phong trào viết sáng kiến, kinh nghiệm (SKKN) nhằm trao đổi, học tập những cách làm hay, biện pháp hiệu quả trong công tác giảng dạy.

Học sinh Trường THCS Thành Mỹ (Nghi?Xuân) thực hành tin học trên máy tính kết nối Internet.
Học sinh Trường THCS Thành Mỹ (Nghi?Xuân) thực hành tin học trên máy tính kết nối Internet.

Theo thầy giáo Phan Khắc Nghệ - người vừa được Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp bằng lao động sáng tạo thì song song với nhiệm vụ dạy học, các đoàn viên công đoàn luôn coi trọng công tác tự học và nghiên cứu khoa học. Với nhiều thầy cô, đây thực sự là “kênh” thông tin hữu hiệu để nâng cao tay nghề. Từ quan điểm đó, thời gian qua, thầy Phan Khắc Nghệ và những đồng nghiệp của mình đã biên soạn hàng chục đầu sách được Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội xuất bản, được bạn đọc đón nhận và đánh giá rất cao, là những tài liệu tham khảo hữu ích của học sinh và giáo viên trên cả nước.

Về phong trào nghiên cứu khoa học, viết SKKN của công đoàn viên chức ngành Giáo dục TP Hà Tĩnh, thầy giáo Nguyễn Hữu Nghĩa - Trưởng phòng GD-ĐT thành phố Hà Tĩnh cho biết, với lòng đam mê nghề nghiệp, sự động viên, khích lệ kịp thời của các cấp công đoàn, sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, các cơ sở giáo dục, nên hàng chục ngàn cán bộ, giáo viên và nhân viên trên địa bàn đã tập trung cao độ trí tuệ và tinh thần hăng say trong các hoạt động thao giảng giáo viên giỏi các cấp học, ngành học. Chỉ tính riêng 5 năm gần đây, các đoàn viên công đoàn có trên 700 SKKN, trong 230 sáng kiến cấp tỉnh, có 17 đề tài xuất sắc, có tính ứng dụng vào thực tiễn cao về đổi mới phương pháp dạy học, các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, thời gian qua, phong trào phát huy sáng kiến trong công tác quản lý, giảng dạy và các hoạt động phục vụ chuyên môn phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên tham gia, mỗi năm, có hàng trăm SKKN được công nhận ở cấp ngành và hàng ngàn SKKN được công nhận ở cấp cơ sở. Nội dung của các đề tài phong phú, đa dạng, đề cập đến hầu hết các phương diện hoạt động GD-ĐT và những vấn đề liên quan. Nhiều đề tài có nội dung thiết thực, mang tính thời sự cao, phục vụ kịp thời cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và công tác quản lý giáo dục theo yêu cầu mới, mang lại hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh phong trào nghiên cứu khoa học, đúc rút sáng kiến kinh nghiệm, thời gian qua, lực lượng giáo viên toàn ngành đã tích cực tham gia các hội thị, cuộc thi sáng tạo các cấp và luôn được đánh giá là đơn vị dẫn đầu với nhiều đề tài, sản phẩm tham gia đạt giải.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Trung Dũng, để công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào hoạt động chuyên môn đạt hiệu quả cao, thời gian qua, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã triển khai, tổ chức thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, từ đó đã kịp thời động viên, khơi gợi bản tính sáng tạo trong mỗi đoàn viên công đoàn. Đồng thời, đưa tiêu chuẩn về thành tích nghiên cứu khoa học và đúc rút SKKN làm tiêu chuẩn cứng trong việc bình xét thi đua hàng năm, cũng như dành ngân sách đầu tư thích đáng cho lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào dạy học. Cũng theo Giám đốc Sở GD&DT, hiện nay, 100% các trường THPT và trung tâm dạy nghề - hướng nghiệp - GDTX đã có phòng học vi tính, kết nội mạng phục vụ công tác dạy học thường xuyên. Hầu hết các trường THCS, tiểu học và một số trường mầm non đã được trang bị máy vi tính để học tập theo chương trình quy định hoặc cho học sinh tiếp xúc, làm quen với máy vi tính.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast