Tạo tâm thế cho trẻ vào lớp 1

Từ thơ bé đến lúc trưởng thành, có lẽ không ai quên được hành trang đầu đời của mình khi bước vào lớp 1. Cổ nhân dạy “nhân bất học bất tri lý”. Việc học ở đây không đơn thuần là học chữ; đọc thông viết thạo, thông thạo các con số mà hơn nữa là để trẻ biết học cách giao tiếp, ứng xử với bạn bè, thầy cô. Nói rộng hơn đó là học cách làm người. Do vậy, trẻ bước vào lớp 1 là bước sang một môi trường mới.

Đón em vào lớp 1. Ảnh tư liệu của Thúy Ngọc
Đón em vào lớp 1. Ảnh tư liệu của Thúy Ngọc

Vậy làm thế nào để trẻ yêu thích và quen dần với kiến thức sách vở, những lời dạy dỗ của thầy, cô và những lời khuyên răn của cha mẹ. Tâm lý của trẻ khi vào lớp 1 không phải em nào cũng yêu thích học tập ngay mà đa số còn rụt rè, e ngại. Ngại phải ngồi lâu ở lớp, không được chạy nhảy tự do như ở trường mầm non; ngại tiếp xúc với những thầy, cô nghiêm nghị và có em còn ngại luôn cả những sinh hoạt bình thường của mình trong vấn đề vệ sinh.

Để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, điều đó không dễ cho các bậc phụ huynh và không dễ cho cả nhà trường. Do vậy, để không có tư tưởng ngại học và thậm chí không muốn học, công việc đầu tiên của các bậc cha mẹ là phải chuẩn bị chu đáo tất cả những việc mà trẻ cần như sách giáo khoa, vở tập viết, đồng phục... đúng theo quy định của nhà trường. Các bậc cha mẹ nên đưa đón con đến nơi đến chốn và động viên con bằng những lời nhẹ nhàng nhất. Trường hợp bố mẹ quá bận công việc cần nhờ người thân nhất đón bởi trẻ rất hay tủi thân.

Buổi đầu, trẻ có thể mảng chơi và tiếp thu bài chưa tốt, cha mẹ phải có “nghệ thuật” giúp trẻ lĩnh hội dần kiến thức. Không nên nổi nóng với trẻ, đó là một trong những khâu quan trọng để trẻ có thể thành thật thông báo việc học tập của mình. Phụ huynh cũng cần liên lạc với giáo viên chủ nhiệm để biết thêm về lực học, về các hoạt động vui chơi và tình hình sức khỏe của con mình. Nếu xem nhẹ vấn đề này sẽ không nắm được thực lực của con. Thực tế cho thấy, một số người chủ quan, ít theo dõi và xem nhẹ chuyện học lớp 1 của con, đến lúc biết thì đã muộn.

Hầu như ở các trường, dạy học sinh lớp 1 đều là những cô giáo trẻ, nhiệt tình, nhưng cũng có không ít cô giáo chưa có kinh nghiệm giảng dạy và nắm bắt tâm lý trẻ. Một số cô giáo khác biết được các điểm yếu của học sinh như hay nói chuyện riêng, hiếu thắng, tiếp thu bài chậm nhưng lại không dám thông báo ngay cho phụ huynh biết vì sợ phụ huynh tự ái… Đây là khuyết điểm lớn cần sớm được khắc phục. Bởi học sinh vào lớp 1 là cái “gốc” quan trọng. Do vậy, cô giáo dạy lớp 1 phải “chỉnh trang”, “bổ cứu” nhân cách các em ngay từ đầu. Các cô không chỉ luyện cho các em từng nét chữ và tư thế ngồi viết, cách cầm bút, cầm phấn mà còn dạy cả cách giao tiếp, ứng xử với mọi người. Sự kính trọng cha mẹ, yêu thương ông bà, lễ phép với người lớn…

Vào lớp 1, trẻ dần định hình nhân cách làm người, chính vì thế, tình thương và trách nhiệm từ phụ huynh và nhà trường phải được nhân lên, khơi dậy từ 2 phía.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast