Thách thức lớn cho tham vọng muốn “lay chuyển” nền giáo dục

Để có nền giáo dục thực chất, một mình ngành giáo dục không thể đảm đương được hết mà cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.

Từ khi giành được độc lập (năm 1945) đến nay, nước ta đã 3 lần tiến hành cải cách giáo dục (năm 1950, 1956 và 1981) và đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, thời cuộc đã thay đổi, nền giáo dục nay đã bộc lộ những yếu kém bất cập, trong đó có nhiều vấn đề gây bức xúc xã hội kéo dài. Nhiều chính sách, cơ chế, giải pháp về giáo dục đã phát huy tác dụng trong thời gian qua, nhưng nay không còn phù hợp.

Để giáo dục Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu xã hội và hội nhập với các nước trong khu vực cũng như thế giới, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI diễn ra vào tháng 11/2013 đã ra Nghị quyết 29-NQ/TW thông qua Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” với 9 nhiệm vụ, giải pháp mà ngành giáo dục cần thực hiện trong thời gian tới. Đây cũng là một trong những sự kiện quan trọng của ngành giáo dục trong năm 2013.

Thay đổi tư duy học hành, thi cử theo lỗi mòn không hề dễ!

Giáo sư Hoàng Tụy

Giáo sư Hoàng Tụy

Theo nhiều nhà quản lý, nghiên cứu và chuyên gia giáo dục, Đề án có sự công phá lớn và sẽ làm lay chuyển nền giáo dục đang còn bộc lộ nhiều yếu kém. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả Đề án này không phải là dễ dàng khi mà từ trước đến nay, tư duy học hành – thi cử với quan niệm coi trọng bằng cấp đã “ăn sâu bám rễ” với người dân Việt Nam.

Giáo sư (GS) Hoàng Tụy-nhà toán học tiêu biểu của ngành Toán học Việt Nam nhận xét, Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” là đề án được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất từ trước tới nay. Đề án đã đưa ra được những nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho các cấp, bậc học phấn đấu trong thời gian tới.

Thế nhưng, để các cấp quản lý, người dân, phụ huynh và học sinh thay đổi nhận thức, thực hiện đổi mới cải cách giáo dục một cách nghiêm túc là vô cùng khó. Điển hình như khi thực hiện khách quan và trung thực kỳ thi tốt nghiệp THPT để lấy đó làm căn cứ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì từng trường học phải có sự chuẩn bị kỹ trong đổi mới phương thức giảng dạy, thi cử nghiêm túc. Các cơ quan quản lý sẵn sàng chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc kiểm định chất lượng giáo dục để các trường lấy đó làm thước đo trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, để thực hiện tốt Đề án thì chỉ riêng ngành giáo dục không thể đảm đương được mà cần sự đồng thuận và chung tay góp thức của các ban, ngành khác và đặc biệt là đông đảo người dân. Theo đó, phụ huynh cần xác định việc học tập, lập nghiệp của con em phải dựa trên năng lực thực chất chứ không phải thông qua việc “mua”, “chạy” điểm. Học sinh, sinh viên cần xác định việc học tập trước hết là để làm người, sống có ích và sau đó là có thể tự lập nghiệp, cống hiến cho xã hội.

Đầu tư cho giáo viên là đầu tư nguồn lực cho đất nước

Một trong những yếu tố then chốt quyết định đến thành công của Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” là đội ngũ giáo viên. Bởi đất nước muốn có nguồn nhân lực đạt chất lượng cao, đáp ứng được sự hội nhập với khu vực và thế giới thì rất cần có những người thầy giỏi, tâm huyết với nghề và yêu thương học trò.

Tuy nhiên, theo đánh giá của GS Đinh Quang Báo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học sư phạm, hiện nay, số lượng, chất lượng giáo viên ở các địa phương có sự chênh lệch và khác biệt. Không những vậy, trình độ và phương pháp giảng dạy của đội ngũ giáo viên hiện nay còn thụ động, chưa bắt kịp với xu hướng thay đổi của cải cách giáo dục. Vì vậy, đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục phải là đổi mới từ trong các trường sư phạm.

Thách thức lớn cho tham vọng muốn “lay chuyển” nền giáo dục ảnh 2

Giáo sư Đinh Quang Báo

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phạm Vũ Luận vừa yêu cầu 6 trường sư phạm trọng điểm cử cán bộ ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm giảng dạy để về nước truyền đạt lại kiến thức, kinh nghiệm cho những giáo viên khác.

Theo GS Đinh Quang Báo, đây chỉ là bước đầu trong lộ trình đổi mới năng lực của giáo viên. Nghề dạy học luôn được xã hội trọng dụng và tôn vinh nhưng cũng đặt nhiều áp lực đối với các thầy cô giáo trước nhiều thay đổi của công cuộc cải cách giáo dục. Điều cốt yếu để thu hút đội ngũ nhà giáo gắn bó và tâm huyết với nghề là tạo động lực để họ phát huy tài năng và có thể “sống” được bằng nghề.

Cách đây 17 năm, kết luận của Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII đã đưa ra chỉ đạo, lương của giáo viên phải cao nhất trong thang bảng lương các ngành sự nghiệp. Thế nhưng, hiện nay, lương của giáo viên đang được xếp là đứng thứ 14 trong bảng lương các ngành sự nghiệp.

Theo thống kê của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam trong năm 2012, có đến 50% giáo viên cho biết, nếu được chọn lại nghề, họ đều không muốn chọn lại nghề sư phạm. Nhiều giáo viên còn bám trụ với nghề phải tìm cách dạy thêm để tăng khoản thu nhập. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng dạy thêm-học thêm tràn lan, không kiểm soát nổi và cũng là lý do giải thích vì sao chương trình học tập của học sinh hiện nay bị nhồi nhét quá nhiều.

Phải giảm được dạy thêm-học thêm

Trong lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2013), Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng đã phải “thốt” lên rằng, tình trạng học thêm-dạy thêm hiện nay phổ biến ở hầu hết các trường học.

Có những phụ huynh đã chia sẻ với vị tân Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là lớp học của con họ hầu hết các cháu đều phải đi học thêm. Nếu không đi học thêm thì sẽ không thi được vì đề thi nhiều khi nằm ở các bài cô giáo dạy thêm.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: "Khi nào giáo viên có thể sống được bằng nghề thì tình trạng học thêm-dạy thêm mới có thể giảm dần"

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: "Khi nào giáo viên có thể sống được bằng nghề thì tình trạng học thêm-dạy thêm mới có thể giảm dần"

Đau đáu với thực trạng trên, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, khi nào giáo viên có thể sống được bằng nghề thì tình trạng học thêm-dạy thêm mới có thể giảm dần. Đây cũng là thách thức lớn đối với ngành giáo dục cần phải giải quyết khi mà mới đây, Bộ GD-ĐT công bố, bắt đầu từ năm 2014 cho các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh theo như lộ trình của Luật Giáo dục ĐH.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người lo ngại nhất là khi giao cho các trường ĐH, CĐ được tự chủ tuyển sinh thì liệu có kiểm soát được hoạt động của các trường không và chất lượng giáo dục có bị “thả nổi” như trong đào tạo các hệ tại chức, liên thông, văn bằng 2... khiến hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm vì bị một số cơ quan, tỉnh, thành “quay lưng” với họ.

Đặc biệt là, khi giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ, nhiều nhà quản lý giáo dục bày tỏ lo ngại về việc ra đề thi riêng của các trường có thể dẫn đến khó kiểm soát chất lượng của đề thi và tình trạng học thêm-dạy thêm. Bởi vậy, việc kiểm soát tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ đang là một thách thức lớn đối với ngành giáo dục trong năm 2014 và những năm tiếp theo.

Có thể nói, năm 2013, ngành giáo dục đón nhận nhiều chủ trương để đổi mới căn bản và toàn diện chất lượng đào tạo và giảng dạy. Tuy nhiên, thách thức để biến những chủ trương đó thành hiện thực không phải dễ dàng nên đòi hỏi sự góp sức, chung tay của toàn xã hội./.

Theo Bích Lan/VOV online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast