Thí sinh có thể biết kết quả thi đại học từ 20/7

Hôm nay, nhiều trường đại học đã lên phương án chấm thi và bắt đầu công bố từ 20/7. Với đề thi khá khó, kết quả thi khối A được dự báo sẽ thấp hơn năm ngoái và hiếm điểm 10.

TS Lê Duy Phát, quyền hiệu trưởng ĐH Quảng Nam cho biết, trường dự định công bố điểm thi vào ngày 19 hoặc 20/7. Ông Phát thông tin, do trường tuyển sinh cả hai đợt nên đợi kết thúc đợt thi thứ hai sẽ bắt đầu chấm thi. Ngày 11 rọc phách, 14/7 chấm và theo tiến độ như mọi năm sẽ hoàn thành sau 5-6 ngày.

"Số thí sinh dự thi vào trường không nhiều, khoảng 5.500, lại có lợi thế là trường tự chấm nên kết quả xong sớm hơn thời hạn của Bộ rất nhiều", ông Phát nói.

Sau khi tuyển sinh đợt 2, ĐH Ngoại thương mới chấm thi. Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu cho biết, trường phải thuê thêm giáo viên các trường ĐH Khoa học tự nhiên, Nhân văn, ĐH Sư phạm chấm. Dự định cuối tháng 7 sẽ công bố điểm.

Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hoàng Minh Sơn cho biết, ngay sau khi kết thúc môn thi cuối, trường đã lên kế hoạch chấm thi để có thể công bố điểm sớm nhất. Nhóm Toán của trường dự định hoàn thành chấm thi trong 20 ngày.

"Lý và Hóa chúng tôi sẽ gửi sang Cục khảo thí và kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục chấm, có lẽ sẽ nhanh. Trường cố gắng công bố điểm vào cuối tháng 7", thầy Sơn nói.

Từ ngày mai, ĐH Mỏ địa chất bắt đầu dồn túi bài thi, đánh số phách, rạch phách và ngày 12/7 bắt đầu chấm. Với hơn 10.000 bài thi, giáo viên trong trường sẽ tự chấm, tự quét các bài thi trắc nghiệm, sau đó vào điểm, kiểm dò. "Chúng tôi sẽ cố gắng công bố điểm thi sớm nhất có thể", ông Lê Trọng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo cho hay.

Thí sinh trước giờ thi môn Toán. Ảnh: Hoàng Hà.

Thí sinh trước giờ thi môn Toán. Ảnh: Hoàng Hà.

Sau khi kết thúc môn thi Toán, PGS Văn Như Cương đã nghiên cứu, giải đề và nhận định, đề thi năm nay có khoảng 30% thí sinh được trên điểm trung bình, tuy nhiên điểm 10 hiếm vì có câu 5 rất khó.

Là người trực tiếp giải đề môn Vật lý cung cấp hướng dẫn giải cho thí sinh, thầy Phạm Khương Anh (Học viện Khoa học Quân sự) cho biết, đề thi Lý năm nay nằm trong chương trình THPT, tập trung vào lớp 12, có một số vận dụng sáng tạo của chương trình lớp 11. Khác với đề thi năm ngoái phải tính toán nhiều, năm nay thí sinh ít phải sử dụng đến máy tính để làm bài tập mà chỉ cần suy luận.

"Đề thi có tính phân loại cao vì có cả câu để học sinh trung bình làm được, cũng có những câu chỉ những học sinh khá giỏi mới có đáp án", thầy Anh nói.

Theo thầy Anh, dù đề có câu hỏi cho học sinh trung bình, nhưng những em này không thể đạt điểm 6 mà cao nhất chỉ 5 điểm. Trong mã đề 817 mà thầy giải có câu 30 rất khó, cần tư duy phức tạp. Thầy Anh đoán câu này sẽ có nhiều học sinh khá, giỏi không có đáp án và khoanh theo cảm tính.

Trong đề thi cũng có nhiều câu làm học sinh hiểu nhầm, đòi hỏi các em phải nắm vững kiến thức và tư duy tốt. Thầy Anh nhận định, với đề thi năm nay học sinh khá giỏi cũng chỉ được 7-7,5 điểm, 9-9,5 điểm ít và 10 thì hiếm. "Dù đề có khó hơn năm ngoái nhưng tôi nghĩ kỳ thi tuyển sinh thì đề phải như thế này trở lên thì mới có khả năng phân loại thí sinh", thầy Anh cho hay.

Đề thi Toán, Lý được đánh giá là khá khó, thí sinh trao đổi đáp án sau giờ thi. Ảnh: Hoàng Hà.

Đề thi Toán, Lý được đánh giá là khá khó, thí sinh trao đổi đáp án sau giờ thi.

Ảnh: Hoàng Hà.

Mặc dù không có sai sót nào, nhưng theo thầy Anh, điểm yếu của đề thi là sử dụng quá nhiều phần từ vi mô đến vĩ mô vào câu hỏi thi, mà nội dung này không nằm trong phần trọng tâm của lớp 12. Những học sinh bình thường sẽ ít chú ý, chỉ những em muốn hiểu biết nâng cao mới học.

Là giáo viên tham gia giải đề Hóa, cô Ngô Thị Thương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, đề thi năm nay có 21 câu lý thuyết (chiếm khoảng 40%), còn lại là bài tập. Tuy nhiên, lý thuyết cũng bao gồm cả phần ứng dụng chứ không đơn thuần là học thuộc. Với dạng câu hỏi này, thí sinh không mất nhiều thời gian nhưng phải có độ phổ quát vì kiến thức xuyên suốt từ lớp 10 đến lớp 12. Có khoảng 4-5 câu phần lý thuyết hỏi về số chất, số phản ứng, kết tủa là học sinh không thể đoán được mà phải hiểu cặn kẽ mới có đáp án.

Với những câu hỏi phần bài tập đòi hỏi thí sinh phải áp dụng được định luật bảo toàn nguyên tố. Những phần này cũng không phải nháp nhiều, tính toán rất nhanh, nhưng nếu thí sinh không phát hiện được vấn đề thì sẽ không làm được. Theo cô Thương, đề năm nay không đánh đố nhiều, học sinh trung bình sẽ được 5 điểm, 7 là ngưỡng đòi hỏi học sinh khá.

Ở mã đề 925, câu số 9 khó. Những câu bình thường nghĩ rằng sẽ đưa vào chương trình nâng cao thì năm nay lại cho vào chương trình chuẩn, ví dụ như câu tính bán kính can xi, nhiều học sinh phản ánh là lúc học ở trường chưa bao giờ nhìn thấy câu này. Câu số 41 (mã đề 925) khiến học sinh dễ bị hiểu lầm. Nếu không có phần giải thích trong ngoặc thì có thể học sinh khoanh đúng, nhưng khi có giải thích thì một số sẽ hiểu nhầm rằng cộng hai đồng phân lại mà không phải là tìm số chất.

Cô Thương đoán điểm 5-6 sẽ là chủ yếu. Vì đề dài nên có thể học sinh sẽ bị rối, bị nhầm nên khoảng 1% học sinh được 9-10 điểm, khoảng 50% trên điểm trung bình.

Trao đổi với VnExpress, GS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cho rằng, thông qua nhận định của các thầy cô, sẽ còn rất sớm để nhận định về điểm chuẩn. "Điểm chuẩn của các trường phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng bài làm của thí sinh", thầy Châu nói.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các đại học, học viện phải công bố điểm thi muộn nhất là ngày 1/8 và gửi giấy chứng nhận kết quả thi, phiếu báo điểm, giấy báo trúng tuyển trước 20/8.

Các trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 từ 25/8 đến 10/9 và công bố điểm trúng tuyển, gửi giấy báo trúng tuyển trước 15/9.

Từ ngày 15 đến 30/9, các trường đại học, cao đẳng nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 3 và công bố điểm trúng tuyển, gửi giấy báo trúng tuyển trước 5/10.

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast