Thức dậy niềm yêu mến những khúc hát dân ca

Đã có một đêm như thế. Cả khán phòng chen kín khán giả đủ mọi lứa tuổi để cùng nhau trải qua những cảm xúc lắng đọng, sâu sắc, những khoảnh khắc đắm mình trong từng giọt âm thanh đằm thắm ngọt ngào và bay bổng theo từng điệu múa hay hân hoan theo từng nhịp điệu vui tươi…Và những khúc hát dân ca đã một lần nữa thấm vào hồn người thật đằm sâu, thật thiêng liêng…

PCT UBND tỉnh Nguyễn Thiện trao giải Nhất toàn đoàn cho đội Phòng GD-ĐT Thạch Hà
PCT UBND tỉnh Nguyễn Thiện trao giải Nhất toàn đoàn cho đội Phòng GD-ĐT Thạch Hà

Hưởng ứng phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, năm học 2009 – 2010, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội thi “Tiếng hát dân ca giáo viên và học sinh tiểu học” toàn tỉnh. Sau một thời gian tổ chức thi ở cơ sở, ban tổ chức đã chọn ra 56 tiết mục xuất sắc nhất vào vòng chung kết. Đó là một cuộc trình diễn đầy màu sắc và ấn tượng, đã mang tới khán giả những làn điệu dân ca thấm đẫm nhân tình, kết tinh từ những nét văn hóa đặc sắc nhất của đời sống tinh thần dân tộc Việt. Mỗi câu hò, điệu lí, khúc hát ru, bài đồng giao, màn múa hay trò chơi dân gian… đều đã dựng lại cho người xem những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.

Tiết mục “Tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh” của đội Thạch Hà với lời mới hiện đại và màn múa mềm mại đã “ghi điểm” trong lòng khán giả
Tiết mục “Tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh” của đội Thạch Hà với lời mới hiện đại và màn múa mềm mại đã “ghi điểm” trong lòng khán giả

Có thể nói chẳng mấy khi một cuộc thi văn nghệ quần chúng lại thu hút đông đảo người xem đến thế, nhiều người đã tạm gác lại mọi công việc thường ngày để đến rạp 26 – 3 thưởng thức đêm công diễn hội thi “Tiếng hát dân ca giáo viên và học sinh tiểu học” toàn tỉnh. Nhìn vào lượng khán giá mới biết những khúc hát dân ca vẫn còn sức hấp dẫn rất lớn, vẫn có những sợi tơ vô hình giăng mắc trong tâm hồn mỗi người con đất Việt. Dù giai điệu của vùng, miền nào cũng tạo nên sự gặp gỡ, giao hòa trong xúc cảm lòng người. Bác Nga – một người dân thành phố cho biết: “Tối nay tôi nghỉ bán hàng để đi xem vì nghe mọi người nói các cháu hát rất hay. Quả thật xem các cháu biểu diễn tôi thấy mình như trẻ lại và thêm yêu những làn điệu dân ca nhất là dân ca xứ Nghệ”.

Tiết mục “Cu Tý lười” hài hước và có ý nghĩa giáo dục nhẹ nhàng và sâu sắc của đội Cẩm Xuyên
Tiết mục “Cu Tý lười” hài hước và có ý nghĩa giáo dục nhẹ nhàng và sâu sắc của đội Cẩm Xuyên

Từ trong hội thi, những khúc hát dân ca truyền thống của dân tộc như được khoác lên mình vóc dáng mới, hơi thở mới qua giọng ca của giáo viên và học sinh tiểu học toàn tỉnh. Các chương trình của nhiều đoàn như Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hồng Lĩnh, Hương Sơn, Kỳ Anh… đã được dàn dựng công phu từ sự chọn lựa bài hát, làn điệu, diễn viên, phục trang, đạo cụ thể hiện tính nghiêm túc và tình yêu tha thiết với những khúc hát dân ca.

Tiết mục “lý dĩa bánh bò” đầy tâm huyết của đội Can Lộc
Tiết mục “lý dĩa bánh bò” đầy tâm huyết của đội Can Lộc

Đã có rất nhiều tiết mục đạt tính nghệ thuật cao, gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả. Những tiết mục dân ca Nghệ Tĩnh như: “Thập ân phụ mẫu” (Hồng Lĩnh), “Phụ tử tình thâm” (Hương Sơn), “Một đời vì nghĩa cả” (Nghi Xuân), “Nhất tâm đợi bạn” (Cẩm Xuyên), “Mời trầu” (Thành phố), “Thử lòng chung thủy” (Can Lộc)… đã làm sống dậy điệu hát ví đang dần bị lãng quên bấy lâu nay và gợi lên trong lòng người xem niềm tự hào sâu sắc với vốn văn hóa truyền thống quê nhà.

Bên cạnh đó, khán giả còn được đắm mình trong làn điệu quan họ Bắc Ninh ngọt ngào qua tiết mục

Bé Thu Hà (Nghi Xuân) với ca khúc dân ca Nghệ Tĩnh “Môt đời vì nghĩa cả” đạt giải nhất cá nhân
Bé Thu Hà (Nghi Xuân) với ca khúc dân ca Nghệ Tĩnh “Môt đời vì nghĩa cả” đạt giải nhất cá nhân

“Lúng liếng” (Thạch Hà), “Giã bạn” (Thành phố)… hay sự trong trẻo của dân ca Thái ( “Inh lả ơi” - Can Lộc), dân ca Xu đăng (Ru em – Vũ Quang) và sự đằm thắm của dân ca Bắc Bộ, giai điệu vui nhộn, sảng khoái của dân ca Nam Bộ…Từ các tiết mục của bạn bè, các em học sinh cũng được sống trong không khí vui nhộn của những trò chơi dân gian (“rềnh rềnh, ràng ràng” – Thạch Hà) và cũng qua nhiều ca khúc như: “Lý kéo chài” (Hương Khê), “Kéo cưa lừa xẻ” (Hương Sơn), “Thằng bờm” (Hồng Lĩnh)... các em đã được giáo dục lòng yêu quý lao động, sản xuất, yêu cuộc sống. Em Thúy Hiền – học sinh lớp 3B trường tiểu học Đại Nài cho biết: “em rất thích những tiết mục của các bạn, sau này em sẽ học hát thật nhiều bài dân ca của cả 3 miền”. Ngoài sức hấp dẫn của các làn điệu và cách dàn dựng, còn có rất nhiều giọng ca nhí được khán giả đón nhận nồng nhiệt như Thu Hà (Nghi Xuân), Sơn Mai (Kỳ Anh) với phong thái biểu diễn hết sức tự tin, nhuần nhuyễn và một khả năng cảm thụ âm nhạc tốt, đầy triển vọng.

Ban tổ chức đã dành khá nhiều giải thưởng cho những đội, những cá nhân tâm huyết, thể hiện xuất sắc, trọn vẹn tiết mục của mình trong đêm diễn nhưng hơn đâu hết, hội thi chính là nơi gặp gỡ của những tấm lòng mang nghĩa tình sâu nặng với dân ca. Khán giả ghi nhận sự nhiệt tâm sưu tầm, phục dựng thể loại sắc bùa của đoàn Hương Khê, hát lời cổ ca trù của đoàn Nghi Xuân…hay làm mới, thổi nhịp sống hiện đại vào các làn điệu nhất là dân ca Nghệ Tĩnh của đoàn Kỳ Anh, Thạch Hà…Đó là việc làm đáng trân trọng, thiết thực và cần được nhân rộng trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay.

Tiết mục “Kéo cưa lừa xẻ” đầy ấn tượng của Hương Sơn
Tiết mục “Kéo cưa lừa xẻ” đầy ấn tượng của Hương Sơn

Hội thi khép lại với thật nhiều xúc cảm ở khán giả và ở chính những người làm chương trình, tham gia chương trình đồng thời mở ra một phong trào sưu tầm, sáng tác, biễu diễn các làn điệu dân ca trong ngành giáo dục và ít nhiều có tác động sâu sắc tới ý thức gìn giữ và thái độ trân trọng, yêu mến những khúc hát dân ca, đặc biệt là điệu ví dặm Nghệ Tĩnh trong một bộ phận nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast