Trung tâm học tập cộng đồng: Góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

100% xã, phường, thị trấn ở Hà Tĩnh có Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Và các trung tâm này sớm khẳng định vai trò là giúp nông dân “cần câu” xoá đói giảm nghèo (XĐGN) và góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên để cho các trung tâm này phát triển cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ hơn.

Thu hoạch cá chẹm ở HTX Xuân Hà xã Thạch Bằng (Thạch Hà)

Thu hoạch cá chẹm ở HTX Xuân Hà xã Thạch Bằng (Thạch Hà)

“Cần câu” cho người nghèo

TTHTCĐ Sơn Châu nằm ngay trong đình Tứ Mỹ - di tích lịch sử của huyện Hương Sơn với khuôn viên rộng đủ cho cả trăm người dân đến học tập cùng lúc. Tại đây có hàng trăm đầu sách khoa học và nhà nông làm giàu. Bí thư Đảng uỷ xã kiêm Giám đốc TTHTCĐ Sơn Châu Trần Ngọc Anh báo cáo: Tựu trung các vấn đề “Cần gì, dạy nấy” được người dân tham gia nhiệt tình như đưa bộ giống mới, năng suất cao (lúa Tạp Giao, Phúc Hưng 6; Lạc L14, L23) thay thế giống cũ; cách phòng trừ dịch bệnh cho người và gia súc...Đặc biệt, trung tâm mời chuyên gia về hướng dẫn kỹ thuật nuôi hươu. Nhờ vậy đàn hươu của xã đã trở thành con vật nuôi chủ lực khi tăng số lượng lên ba lần và chất lượng con giống và nhung hươu được cải thiện. Trung tâm còn tổ chức nhiều lớp học văn hoá tâm linh, văn hoá văn nghệ tạo sự đoàn kết giữa cộng đồng người có đạo và ngừi không có đạo ở trong thôn, xã. Ông Anh cho biết thêm, mấy tháng trước khi dịch Cúm A/H1N1 và dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở một số nơi, Trung tâm đã kịp thời mời chuyên gia về hướng dẫn nhân dân cách phòng trừ, nhờ vậy, dịch không bùng phát trong vùng…

Hướng dẫn kỹ thuật đan lát ở TTHTCĐ xã Kỳ Thư (Kỳ Anh)

Hướng dẫn kỹ thuật đan lát ở TTHTCĐ xã Kỳ Thư (Kỳ Anh)

Việc “dạy này ” của TTHTCĐ xã Thạch Bằng (Lộc Hà) là ưu tiên hướng dẫn nông dân phát triển kinh tế. Trung tâm đã phối hợp với các ngành giúp 60 hộ nông dân chuyển đổi hơn 10 ha đất màu sang trồng dưa đỏ Hắc Mỹ Nhân cho thu nhập gấp ba lần so với trồng lạc; hướng dẫn thành công kỹ thuật nuôi cá chẹm, cá dò ở Xuân Hà. Bác nông dân Trần Bá Chung ở HTX nuôi trồng thuỷ sản Xuân Hà khoe: Nhờ cầu nối Trung tâm mà xã viên đã học được kỹ thuật nuôi cá Chẹm (giá trị kinh tế cao) ở Thạch Bằng. Đây là mô hình đầu tiên ở tỉnh ta nuôi thành công loại cá này. Nhờ vậy, 9 ha nuôi trồng thuỷ sản của HTX liên tục thắng lợi, năm 2009 ước thu lợi hơn nửa tỷ đồng. Theo Giám đốc TTHTCĐ Thạch Bằng Phạm Thị Hồng: Không chỉ có kinh tế, mà các vấn đề thời sự đều được Trung tâm cập nhật để nâng cao nhận thức cho người dân. Đơn cử, khi huyện Lộc Hà mới được thành lập, giá đất trong vùng tăng đột biến, xuất hiện nhiều vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai, ngay lập tức Trung tâm đã mời chuyên gia để bồi dưỡng cho nhân dân kiến thức liên quan đến Luật đất đai, nên đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết kiện tụng kéo dài, các vấn đề mâu thuẫn mất đoàn kết trong nhân dân.

Kỳ Thư là xã điểm của Kỳ Anh về Đề án xây dựng mô hình xã hội học tập trên địa bàn cấp huyện khi có đến 8 TTHTCĐ (một ở trung tâm xã và 7/7 TTHTCĐ thôn). Xứng đáng với vai trò “bà đỡ” cho nông dân khi hàng năm Trung tâm đã mở hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản, trồng rau, hay đào tạo hàng trăm thợ nề và cấp chứng chỉ hành nghề. Trung tâm đứng ra thành lập và duy trì hoạt động các CLB: dưỡng sinh, tiếng hát quê hương, làm vườn. Đặc biệt, Trung tâm đã mời nghệ nhân ở Hà Tây về mở nhiều lớp mây tre đan cho hàng trăm lao động, gắn với tiêu thụ sản phẩm và trồng mây nguyên liệu. Chị Hoàng Thị Thái chủ nhiệm HTX mây tre Đan Du phấn khởi cho biết: Nhờ có Trung tâm mà HTX đã chuyển từ làm nón (đang gặp nhiều khó khăn) sang nghề mây tre đan, bước đầu đã tạo thu nhập ổn định từ 1-3 triệu đồng/tháng cho nhiều gia đình. Trong năm 2008-2009, Trung tâm còn giới thiệu gần 80 học sinh trong xã đi học ở các trường nghề cơ khí, luyện kim để đón đầu cho các dự án công nghiệp ở Khu kinh tế Vũng Áng. Tại đây chúng tôi gặp chị Lê Thị Cầm (36 tuổi) cùng nhóm chị em phụ nữ thôn Trung Gian đang học đan bình hoa bằng mây, chị Cần cho biết: “Đến TTHTCĐ chúng tôi học được nhiều thứ, như trồng rau sạch, đan lát… có thêm thu nhập lại được đi thăm quan học tập kinh nghiệm làm ăn, giao lưu văn nghệ”

Một số sản phẩn từ đan lát ở TTHTCĐ xã Kỳ Thư đem lại thu nhập khá cho người dân

Một số sản phẩn từ đan lát ở TTHTCĐ xã Kỳ Thư đem lại thu nhập khá cho người dân

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Khắc Hào - Giám đốc sở Giáo dục Đào tạo hà Tĩnh cho biết: Hà Tĩnh là một trong những tỉnh phát triển TTHTCĐ sớm nhất cả nước. Theo thống kê, năm 2001 mới có hơn 3.200 lượt người tham dự thì năm 2009 đã có hơn nửa triệu người tham gia học tập tại các TTHTCĐ.

Một điều đáng nói, nhằm đáp ứng nhu cầu “học nấy” cho cộng đồng, các địa phương đều phải dồn sức xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật kèm theo. Chẳng hạn, để vận động nhân dân trồng các loại giống mới và đưa cơ giới vào đồng ruộng làm tiền đề xây dựng nông thôn mới, các địa phương đều phải quy hoạch lại đồng ruộng, chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn, quy hoạch và cứng hoá hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng… Thông qua học tập tại TTHTCĐ, nhận thức của người dân được nâng cao nên việc xã hội hoá các khoản đầu tư xây dựng hạ tâng kỹ thuật, chuyển đổi ruộng đất cũng tiến hành dễ dàng và thuận lợi hơn so với trước đây.

Ông Nguyễn Din nguyên Bí thư Huyện uỷ Kỳ Anh - người khởi xướng ra TTHTCĐ nhận xét: Người nghèo đã thiếu kiến thức lại thường tự ti, cam chịu, có thói quen ỷ lại nên không chỉ đưa cho họ cái “cần câu” mà còn phải bày cho họ cả mồi câu, nơi câu...Thông qua TTHTCĐ để cầm tay chỉ cách làm cho họ là phù hợp nhất.

Những vấn đề đặt ra

Mặc dù đã có Quyết định 09/2008 của Bộ GD & ĐT, Thông tư 96/2008 của Bộ Tài chính về quy chế tổ chức, hoạt động và kinh phí hỗ trợ cho các TTHTCĐ nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn nên hầu như các tỉnh, trong đó có Hà Tĩnh chưa thể triển khai thực hiện Quyết định này. Nên kinh phí hoạt động thường xuyên của các trung tâm này hầu như không có, hay không đáng kể; lãnh đạo trung tâm đều kiêm nhiệm, lại không có chế độ phụ cấp và thiếu kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý hoạt động. Kế đến việc phối hợp giữa các TTHTCĐ với các cơ quan chuyên môn, các tổ chức chính trị, xã hội chưa thường xuyên, hiệu quả chưa rõ nét. Phương pháp lên lớp của đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên ở các trung tâm còn nhiều bất cập, hầu như giáo viên chưa qua trường lớp sư phạm, chưa có kinh nghiệm dạy học người lớn…

Một điểm mấu chốt đối với các trung tâm mà theo chúng tôi, trong lúc chờ văn bản hướng dẫn Quyết định 09, tỉnh cần bố trí nguồn kinh phí ngân sách thường xuyên phục vụ cho sự hoạt động cùng các nguồn hỗ trợ liên quan đến chương trình dự án phục vụ nông dân và kể cả việc cân đối nguồn thu từ học phí. Đồng thời, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa TTHTCĐ, hội khuyến học và các ban, ngành, đoàn thể để nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng nhu cầu học tập cả đời của cộng đồng trước mắt cũng như lâu dài.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thiện: Để tháo gỡ cho hoạt động của các TTHTCĐ điều quan trong nhất vẫn là tăng cường công tác chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền đối với công tác xây dựng TTHTCĐ cùng với việc ban hành các cơ chế chính sách đi kèm để nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm. Trước mắt tỉnh sẽ tiến hành quy hoạch hợp lý, từng bước đầu tư, trang bị mới, kết hợp với tận dụng cơ sở vật chất, thiết bị sẵn có của các địa phương tạo điều kiện cho TTHTCĐ hoạt động có hiệu quả. Kịp thời củng cố tổ chức, nâng cao năng lực điều hành của bộ máy quản lý các trung tâm, trên cơ sở giảm cán bộ kiêm nhiệm, tăng cán bộ chuyên trách có năng lực.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast