Trường mầm non trong lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới

Theo quy định một trường mầm non đạt chuẩn quốc gia phải đạt đầy đủ rất nhiều yếu tố; trong đó, vấn đề tổ chức quản lý, về đội ngũ giáo viên và nhân viên, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ cũng như quy mô trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị… có ý nghĩa quan trọng trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy trẻ. Tuy nhiên, để đáp ứng lộ trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, việc thiếu và yếu về cơ sở vật chất của các trường mầm non đang được xem là một lực cản không nhỏ.

Căn phòng chật chội này là nơi sinh hoạt, học tập của các cháu nhà trẻ trường mầm non Cẩm Thạch
Căn phòng chật chội này là nơi sinh hoạt, học tập của các cháu nhà trẻ trường mầm non Cẩm Thạch

Nóng nực và chật chội trong căn phòng ngột ngạt với cái khắc nghiệt của thời tiết chuyển mùa đầu năm học mới…đó là không gian sinh hoạt thường ngày mà chúng tôi đã có cơ hội được chứng kiến của hơn hai chục cô trò thuộc nhóm nhà trẻ của trường mầm non Cẩm Thạch – Cẩm Xuyên. Từ ăn uống, ngủ, nghỉ, chơi, học… tất cả đều gói gọn trong căn phòng chưa đầy 15m2, tài sản ý nghĩa nhất có lẽ là chiếc quạt điện, xoay được bên này thì bên kia toát cả mồ hôi hột… Góc ra vào bị thu hút bởi một chiếc tủ nhỏ với đủ thứ đồ được chất đầy các ngăn: gối ngủ, cặp lồng đựng đồ ăn, cặp sách, thậm chí là bô vệ sinh của các cháu... Với 9 nhóm lớp thuộc 3 cụm trường trong toàn xã, nơi chúng tôi có mặt được xem là cụm trung tâm, là nơi khá khẩm nhất về mọi điều kiện ăn học của các cháu mầm non trong xã. Tuy nhiên, ngoài một số đồ chơi học cụ cơ bản phục vụ trực quan sinh động cho trẻ, một số đồ dùng do các cô tự sáng tạo… tất cả vẫn còn thiếu đủ thứ. Trong toàn khuôn viên nhà trường, không hề có một loại đồ chơi thiết bị nào ngoài chiếc xích đu đã tét rỉ, chưa nói đến điều xa xôi hơn như khu vui chơi giao thông và sân khấu ngoài trời…

Trường mầm non Cẩm Duệ: các cháu vẫn còn phải học trong những phòng học như thế này, nhà vệ sinh riêng cho các cháu cũng chưa có...
Trường mầm non Cẩm Duệ: các cháu vẫn còn phải học trong những phòng học như thế này, nhà vệ sinh riêng cho các cháu cũng chưa có...

Còn tại xã Cẩm Duệ, nơi một cụm lẻ của trường mầm non, điều kiện sinh hoạt của các cháu ở đây cũng chẳng có gì khá hơn. Cả cụm chỉ có hai phòng học tạm bợ được tận dụng từ nhà học cũ của trường tiểu học xây dựng cách đây đã hơn hai mươi năm. Không có hệ thống nước sạch, không có khuôn viên cảnh quan… Trong phòng chằng chịt dây điện chắp nối mà vẫn thiếu ánh sáng, trần nhà vá víu tạm bợ bằng bạt nilon. Sân chơi trống trơn vẫn còn bằng đất. Ngay cả khu vệ sinh của các cháu cũng chỉ 4 bức tường xây mốc meo rêu bám, người lớn muốn đi đã khó, nói gì đến trẻ con... Điều kiện tối thiểu còn thiếu đến thế thì tính sao nổi chuyện học bán trú, chuyện ăn, ngủ của các cháu tại trường... Tại cơ sở chính, mặc dù khá hơn cả về khuôn viên, trường lớp, phần lớn các cháu được ăn bán trú... tuy nhiên vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Cô Nguyễn Thị Tùng – Giáo viên trường mầm non Cẩm Duệ - Cẩm Xuyên không ngần ngại nói: Nỗ lực lắm thì nhà trường và phụ huynh cũng chỉ chắp nối đầu tư từng công trình như nâng cấp mặt bằng, xây tường rào, làm mái che nắng... nhưng tất cả vẫn còn chưa thể hoàn thiện... Cả khuôn viên trường mới chỉ bao quanh được một nửa tường rào, còn một nữa phải bỏ trống vì kinh phí phụ huynh đóng góp mới chỉ đến mức đó thôi. Nhiều lúc nhìn trường bạn, xã bạn mà thương các cháu quá...”

Theo chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trường mầm non muốn đạt chuẩn thì phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của ngành giáo dục. Cụ thể, ngoài các vấn đề về tổ chức quản lý, đội ngũ giáo viên, về chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ... thì quy mô trường lớp, cơ sở vật chất thiết bị là nhân tố vô cùng quan trọng. Các công trình của nhà trường, nhà trẻ phải được xây dựng kiên cố, có khuôn viên được ngăn các với bên ngòai; có khối phòng học chức năng, phòng phục vụ học tập, phòng y tế, phòng ăn, phòng ngủ, phòng vệ sinh... đáp ứng nhu cầu theo bình quân số trẻ đến trường. Đối chiếu những quy định này thì phần lớn các điểm trường mầm non của các địa phương như Cẩm Thạch, Cẩm Duệ của huyện Cẩm Xuyên đều chưa thể tính chuyện đạt yêu cầu. Đây là một thiệt thòi vô cùng lớn với cô trò ở đây. Cô Nguyễn Thị Hoa – Hiệu trưởng trường mầm non Cẩm Duệ cho rằng: Nhiều lúc muốn tập trung về một điểm để chăm sóc cháu nhưng vướng nhiều thứ quá… Cứ sáng đón trẻ đi, trưa đưa trẻ về... thì không thể tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu được...

Theo ông Trần Xuân Long – PCT U BND xã Cẩm Duệ - Cẩm Xuyên thì: Vì ngân sách còn quá khó khăn, đời sống của bà con nhân dân còn chưa cao nên từ việc đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi đến việc vận động đóng góp, phát huy nội lực là một bài toán khó với đảng bộ và chính quyền nơi đây. Nhu cầu muốn nhập trường, đưa các cụm về một điểm chính, điểm trung tâm là cần thiết... nhưng không phải dễ. Điều kiện đất đai sẵn có nhưng còn đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị... hàng tỷ đồng mỗi trường, nếu không có dự án, không có nguồn đầu tư. Vì vậy, để đáp ứng theo tiêu chí của nông thôn mới, với mầm non Cẩm Duệ lộ trình này hãy còn dài.

Bao giờ các cháu có được ngôi trường như mong ước? Ảnh minh họa

Tại huyện Cẩm Xuyên, từ 2009 trở về trước, tình hình đầu tư cho nhà trẻ, mẫu giáo vẫn còn khó khăn với gần 80 lớp học phải tận dụng của các hội quán thôn xóm. Vài năm trở lại đây, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự tập trung quyết liệt của phòng giáo dục nên hệ thống trường mầm non trên toàn huyện đã có đến 10/27 trường học cao tầng, 54 phòng học kiên cố, 85 phòng bán kiên cố. Bên cạnh những phòng học cấp 4 còn nhiều thiếu thốn thì đã xuất hiện nhiều điểm sáng, nhiều ngôi trường mầm non chất lượng cao, đạt chuẩn giai đoạn 5 năm tiếp theo như Cẩm Vịnh, Cẩm Mỹ, Cầm Hưng, Cẩm Sơn... Đây là kết quả của sự cố gắng không mệt mỏi, sự đầu tư vun vén cho thế hệ mầm non, sự nghiệp trồng người của ngành giáo dục huyện nhà. Tuy nhiên, để đáp ứng theo chuẩn nông thôn mới, lộ trình này còn rất dài. Về điều này, ông Đặng Quốc Hiền – Trưởng phòng GD huyện Cẩm Xuyên cho biết thêm: Cần sự vào cuộc đúng nghĩa xã hội hóa, ngoài sự tham mưu tốt của ngành thì chính quyền địa phương, các cấp các ngành và toàn thể nhân dân đều phải chung sức đồng lòng vì một mục đích chung, vì tương lai con em…Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai mà...Cốt lõi sâu xa của việc xây dựng NTM là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trong giáo dục, trẻ em nông thôn sẽ có cơ hội được hưởng thụ một nền giáo dục chuẩn mực, toàn diện và công bằng như các vùng trung tâm, vùng thành thị. Sự phấn đấu này sẽ còn là một bước đi dài và quyết liệt bởi trong thực tế, đầu tư cho nông thôn mới là sự đầu tư tổng hợp về điện, đường giao thông, về sản xuất, nâng cao đời sống, về trường TH, THCS… còn mầm non thật sự còn nhiều nỗi gian truân. Điều này càng đòi hỏi phải có sự đầu tư cho lâu dài, phải có bước đi mang giá trị bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast