Từ bình dân học vụ đến xây dựng xã hội học tập suốt đời

(Baohatinh.vn) - "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, đó là hoài bão lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Người đã dành trọn cả cuộc đời cho việc thực hiện hoài bão ấy...

Kỷ niệm 70 năm Ngày Bình dân học vụ (8/9/1945-8/9/2015)

Ngay sau khi tuyên bố nước nhà được độc lập, một trong những nhiệm vụ cấp bách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra là “diệt giặc dốt” và Người đã phát động phong trào bình dân học vụ.

Từ bình dân học vụ đến xây dựng xã hội học tập suốt đời ảnh 1

Bác Hồ thăm một lớp bình dân học vụ. Ảnh tư liệu

Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Đảng bộ và chính quyền Hà Tĩnh đã tổ chức phát động phong trào chống nạn mù chữ xây dựng đời sống mới. Phong trào thi đua diệt giặc dốt với nhiều hình thức phong phú đã lôi cuốn mọi người, mọi lứa tuổi, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái đến các lớp học trong các đình chùa, làng xóm. Các khẩu hiệu “đi học là yêu nước”, “thi đua thanh toán nạn mù chữ”, “tiền tuyến diệt xâm lăng, hậu phường trừ giặc dốt”, tinh thần “mỗi gia đình là mỗi lớp học”... được thực hiện ở khắp nơi trên toàn tỉnh.

Để khuyến khích và giúp đỡ việc học tập của nhân dân, ngày 3/11/1945, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức "Ngày khuyến học", vận động nhân dân đóng góp tiền bạc xây dựng quỹ bình dân học vụ. Tỉnh còn xuất bản tờ báo “Bạn dân”, nhằm cổ động và hướng dẫn phong trào học tập văn hóa, xây dựng đời sống mới. Chỉ hơn một năm sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, sự nghiệp giáo dục của Hà Tĩnh đã có sự phát triển mạnh. Đến tháng 10/1946, Hà Tĩnh đã có trên 15 vạn người được thanh toán nạn mù chữ. Tiêu biểu cho phong trào này là các huyện Kỳ Anh, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Đức Thọ…

Đầu năm 1948, Hà Tĩnh đã có nhiều làng thanh toán được nạn mù chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời gửi thư động viên nhân dân Hà Tĩnh. Trong thư gửi Trưởng ty Bình dân học vụ Hà Tĩnh (tháng 3/1948), Người viết: "... Tôi vui lòng nhận được báo cáo rằng tỉnh Hà Tĩnh đã có những làng thanh toán xong nạn mù chữ. Kết quả quả ấy là do ông khéo léo tổ chức và lãnh đạo, do các nam nữ giáo viên chịu khó và cố gắng, do đồng bào hăng hái và ham học".

Đến tháng 2/1949, Hà Tĩnh được Bộ Giáo dục công nhận là tỉnh đầu tiên trong cả nước thanh toán nạn mù chữ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư, gửi điện khen ngợi và tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì.

Từ bình dân học vụ đến xây dựng xã hội học tập suốt đời ảnh 2

Việc học bắt đầu bằng việc giúp trẻ nắn nón từ nét chữ đầu tiên

Phát huy thành tích đạt được trong công tác xoá nạn mù chữ, trong những thập kỷ 60, 70, toàn tỉnh lại dấy lên phong trào Bổ túc Văn hóa với những nội dung đa dạng, phong phú. Trong khói lửa ác liệt của chiến tranh, thành tích xóa nạn mù chữ và phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí của Hà Tĩnh tiếp tục được khẳng định, trong đó Cẩm Bình đã trở thành ngọn đèn tỏa sáng, soi rọi cho phong trào giáo dục của cả nước.

Năm 1969, trước lúc đi xa, Bác Hồ đã gửi tặng xã Cẩm Bình bức chân dung có ghi bút tích của Người: “Thân ái gửi lời khen đồng bào và cán bộ xã Cẩm Bình đã tổ chức tốt việc giáo dục văn hóa”. Năm 1978, Tổ chức UNESCO tặng giải thưởng quốc tế Krup-xcai-a cho xã Cẩm Bình - Lá cờ đầu về thành tích xóa nạn mù chữ ở Việt Nam.

Năm 1992, Hà Tĩnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ; năm 2002, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở; năm 2013, đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi, là tỉnh thứ 7 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ và phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi; là tỉnh thứ 12 đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hà Tĩnh đang phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 cuối năm 2015.

Từ bình dân học vụ đến xây dựng xã hội học tập suốt đời ảnh 3

Tôn vinh các điển hình tiên tiến ngành Giáo dục Hà Tĩnh

Bước sang thời kỳ mới, thực hiện chủ trương xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập, Hà Tĩnh tiếp tục phát triển giáo dục thường xuyên mà tiền thân là phong trào BDHV. Theo đó, cùng với việc củng cố và mở rộng hệ thống giáo dục chính quy, cùng với cả nước, tỉnh đã đưa ra chủ trường xây dựng trung tâm học tập cộng đồng và đến nay có 262/262 xã phường có trung tâm này.

Sự hình thành và phát triển các trung tâm học tập cộng đồng đóng vai trò quan trọng, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của mỗi địa phương. Bên cạnh việc học tập tại trung tâm học tập cộng đồng, phong trào học tập đạt trình độ chuẩn hoặc trên chuẩn của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ sở giáo dục chính quy ngày càng mở rộng, việc học tập nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học được chú trọng.

Ngoài ra, các hình thức học tập qua mạng internet, đài truyền hình, qua sách báo ở các thư viện, tủ sách, bưu điện văn hóa xã... cũng đang phát triển. Ở nhiều địa phương, người ta có thể thấy nhà nhà tham gia học tập, người người tham gia học tập. Nhiều người, nhiều gia đình đã nhận ra việc học tập và học tập suốt đời sẽ là “chìa khóa” cho mọi thành công, là yếu tố cơ bản để thoát nghèo bền vững và làm giàu, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của hội khuyến học từ tỉnh tới cơ sở đã tạo nên một phong trào khuyến học, khuyến tài sâu rộng trong toàn tỉnh.

Phát huy tinh thần Bình dân học vụ, hiện nay, Hà Tĩnh đang đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hộ học tập sâu rộng trong toàn thể nhân dân, góp phần vào thành tích nhiều năm liền Ngành GD&ĐT tỉnh được Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast