Từ ngày khai trường đầu tiên…

(Baohatinh.vn) - Mỗi độ thu sang, hàng triệu học sinh (HS) lại cùng nhau ôn lại lời căn dặn của Bác Hồ trong bức thư đầu tiên Bác gửi cho ngành Giáo dục nhân ngày khai trường: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Từ ngày khai trường đầu tiên… ảnh 1
Rộn rã ngày khai trường

“Phát triển hoàn toàn năng lực sẵn có của các em“

Kể từ mùa thu độc lập đầu tiên ấy, sau 70 năm song hành cùng đất nước, sự nghiệp giáo dục cách mạng cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đã có bước tiến vượt bậc. Từ việc khơi dậy truyền thống hiếu học của nhân dân kết hợp với tài năng và tâm huyết của các thế hệ thầy, cô giáo, tỉnh nghèo đã cải tạo được nền giáo dục nô dịch lạc hậu của chế độ cũ, xây dựng nền giáo dục cách mạng hoàn chỉnh qua 3 cuộc cải cách giáo dục, từng bước đổi mới và đa dạng hóa các loại hình đào tạo.

Còn nhớ, trong thư gửi các HS nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào tháng 9/1945, Hồ Chí Minh đã viết: “…từ giờ phút này giở đi, các em bắt đầu nhận được một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam…, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Sau 10 năm, vào ngày 1/6/1955, gửi thư cho các cháu và cán bộ các trường miền Nam, Bác viết: “Các cháu nên tập tự lực cánh sinh cho quen”...

Từ phương châm giáo dục của Người, vấn đề phát triển năng lực của người học, phát huy tính tích cực, tự lực của HS, học đi đôi với hành lại càng được ngành Giáo dục Hà Tĩnh quan tâm trong nhiều thập kỷ qua. Các phong trào thực hành, xây dựng vườn trường, trồng cây gây rừng, tham gia lao động làm sạch đẹp thôn xóm, khối phố, lao động công ích... đã góp phần giáo dục HS kỹ năng làm việc, gắn bó với thực tiễn. Đặc biệt là trong quá trình thực hiện nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường theo định hướng XHCN hiện nay. Với sự quan tâm của tỉnh, đặc biệt, thể hiện rõ nét qua tinh thần Nghị quyết 05, qua việc thực hiện đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp, cùng với những chính sách quan tâm đến đời sống giáo viên (GV), ngành GD&ĐT cũng tập trung đẩy mạnh các hoạt động nhằm đổi mới phương pháp dạy và học. Cũng từ đó, mô hình trường học mới (VNEN) lần đầu tiên đã thực hiện thí điểm ở Trường Tiểu học Cẩm Quan (Cẩm Xuyên). Hiệu quả của mô hình đã tạo niềm tin để từ năm học 2012-2013 đến nay, ngành đã chỉ đạo nhân rộng trong 48 trường tiểu học và năm nay có thêm 13 trường ở bậc THCS thực hiện.

Thầy Nguyễn Xuân Trường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Về nguyên tắc của mô hình trường học mới này, HS nhìn thì quen, nghe thì nhớ nhưng phải thực hành thì các em mới có thể hiểu được. VNEN cũng đã thực sự phát huy tính tự lực, chủ động của cả thầy và trò. Tại các trường áp dụng mô hình mới này, cơ bản GV cũng đã tổ chức cho HS hoạt động theo đúng các bước học tập và tổ chức khá tốt việc học nhóm cho HS…”.

Cùng với mô hình trường học mới, việc dạy Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ Giáo dục cũng đã được triển khai đại trà tại các trường tiểu học. Mục đích của việc dạy và học này là đổi mới hoạt động của người thầy, tiến tới hình thức thầy thiết kế, trò thực hiện và học trò sẽ nắm chắc ngữ âm (phát âm, cấu tạo âm, vần). Qua thực tế cho thấy, GV lên lớp đúng quy trình, HS chiếm lĩnh ngữ âm khá tốt, viết vở, viết bảng con đẹp. Ngoài ra, sự sáng tạo trong việc sử dụng sách thiết kế, sử dụng trò chơi học tập của một số GV cũng đã tạo không khí học tập tích cực, hứng thú cho HS.

Bên cạnh đó, để phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học, ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội, củng cố cơ sở vật chất trường lớp, sân chơi, bãi tập, tăng cường các thiết bị dạy và học cho các nhà trường. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa, mô hình thư viện xanh, thư viện thân thiện cũng đã được các trường áp dụng để động viên, khuyến khích các em trong vấn đề tự học, tự rèn luyện, đồng thời, giảm bớt áp lực cho HS sau những giờ học căng thẳng, mệt mỏi.

Từ ngày khai trường đầu tiên… ảnh 2
Sau ngày khai trường, các em sẽ bước vào những tháng ngày miệt mài học tập để mai này góp sức xây dựng quê hương.

Học đi đôi với hành

Bên cạnh việc phát triển năng lực của HS, theo tư tưởng của Bác, phương châm, phương pháp giáo dục còn là: “Học kết hợp với hành, lời nói đi đôi với việc làm, lý luận gắn liền với thực tiễn”. Trong thư gửi GV, HS, cán bộ thanh niên và nhi đồng ngày 31/10/1955, Bác viết: “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận khoa học tiên tiến của các nước bạn kết hợp với thực tiễn nước ta để thiết thực có ích cho công cuộc xây dựng nước nhà”, “và cần xây dựng tư tưởng: dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, nhà trường phải gắn liền thực tế của nước nhà”. Phương châm ấy còn được Bác nhắc lại trong các bức thư gửi giáo sư và sinh viên trường dự bị đại học Thanh Hóa: “Các cháu thì học tập cần gắn liền với thực hành để mai sau thực hiện mục đích cao quý: Thật thà phụng sự nhân dân”. Và trong thư gửi các cán bộ giáo dục, HS, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hóa, Người viết: “Giáo dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”.

Cùng với việc phát triển năng lực mà Bác đã chỉ ra, còn nhiều vấn đề phải tiếp tục quán triệt, thực hiện để giải quyết những bức xúc hiện nay. Trong bức thư Người gửi GV, HS, cán bộ thanh niên và nhi đồng ngày 31/10/1955, Hồ Chủ Tịch đã nhắc là phải tẩy sạch ảnh hưởng của tư tưởng “học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ”; Người chỉ rõ: “Tiểu học thì cần giáo dục cho các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ có gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn”. “Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế”.

Phương châm, phương pháp giáo dục của Bác gửi gắm qua những bức thư dành cho các thầy, cô giáo, HS từ những mùa thu cách mạng đầu tiên ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị và càng trở nên có ý nghĩa to lớn đối với từng giai đoạn phát triển khi ngành Giáo dục Hà Tĩnh đang triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, khi toàn Đảng, toàn dân Hà Tĩnh đang bước vào thời kỳ hội nhập đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao và những con người thực sự giỏi, thực sự năng động và sáng tạo.

Đó cũng là nguồn sức mạnh để ngành Giáo dục Hà Tĩnh vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm thực hiện tốt nghị quyết đại hội Đảng các cấp, trong đó, đặc biệt chú trọng việc triển khai thực hiện đề án giáo dục đến năm 2015 và những năm tiếp theo với các nhiệm vụ trọng tâm như: nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tập trung nâng cao chất lượng toàn diện, coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho HS; rà soát lại mạng lưới quy hoạch trường lớp; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8.

70 mùa thu song hành cùng sự phát triển của đất nước, những bức thư mang nặng tình cảm thiết tha, cháy bỏng của Bác Hồ đã tạo động lực cho ngành Giáo dục cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng khắc phục khó khăn, vươn lên khẳng định vị trí là một trong 5 tỉnh dẫn đầu về chất lượng giáo dục của cả nước. Để xứng đáng với sự quan tâm, lòng mong mỏi thiết tha của Bác, ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã và sẽ kiên định mục tiêu “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, “Học kết hợp với hành, lời nói đi đôi với việc làm, lý luận gắn liền với thực tiễn” và “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast