Việc làm cho SV tốt nghiệp: Các Bộ, ngành phải chung tay

Trong chuỗi cung cấp nguồn nhân lực cho nền kinh tế, Bộ GD&ĐT được coi là cơ quan "sản xuất", Bộ LĐTB&XH là cơ quan "tiêu thụ", Bộ KH&ĐT đóng vai trò phân bổ. Tuy nhiên, thực tế là chuỗi cung ứng này dường như hoạt động rời rạc và chưa hiệu quả.

SV Đại học Hà Tĩnh tham gia buổi tọa đàm nhân Ngày Sách Việt Nam 2015
SV Đại học Hà Tĩnh tham gia buổi tọa đàm nhân Ngày Sách Việt Nam 2015

Báo cáo của Bộ GD&ĐT tại phiên giải trình trước Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTTN&NĐ) của Quốc hội về việc thực hiện Luật Giáo dục đại học và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp cho biết từ năm 2011 đến 2014, chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của các trường giảm 18%. Năm 2011 có 318.400 SV tốt nghiệp CĐ, ĐH. Năm 2012 con số này là 402.300, còn năm 2013 là 425.200.

Khó quy trách nhiệm?

Theo báo cáo của 100 trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, giai đoạn 2010-2014, trung bình tỷ lệ SV tốt nghiệp sau 3 tháng có việc làm đạt khoảng 50%, có cơ sở tỷ lệ này cao hơn, đạt 80-90%.

Tuy nhiên, khi dẫn chứng trường hợp 1 SV đã học 5 năm cơ khí ở ĐH Bách khoa, nhưng nay lại làm việc ở trung tâm thương mại, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng chất lượng việc làm như thế nào mới là quan trọng.

Còn đại biểu Ngô Thị Minh bày tỏ băn khoăn trước thực tế giải quyết việc làm cho thanh niên, SV sau khi ra trường vẫn đang gặp nhiều vướng mắc. Hằng năm, số SV ra trường không có việc làm rất lớn. Nếu chúng ta tiếp tục đào tạo mới trong khi chưa sử dụng hết nguồn nhân lực đã qua đào tạo sẽ gây lãng phí cho xã hội.

Bà Minh cho rằng, Bộ Tài chính nên xem xét tiêu chí học sinh ra trường kỹ năng, kiến thức thế nào, nhà trường đã tư vấn nghề nghiệp cho các em ra sao,… khi cấp ngân sách. Có như vậy, tính tự chủ của nhà trường tốt mới có thể tốt lên, đồng thời mới có thế gắn kết đào tạo với sử dụng.

Đại biểu Minh cũng băn khoăn về sự phối hợp giữa 3 Bộ GD&ĐT, KH&ĐT, LĐTB&XH: “Nếu như nhà sản xuất cứ sản xuất mà hàng hóa không tiêu thụ thì lượng tồn rất lớn, gây áp lực nặng nề cho xã hội. Người sản xuất không phải chịu trách nhiệm trong khi được Nhà nước phân bổ tiền theo đầu người đào tạo, đầu ra thả nổi cho xã hội có đúng hay không?”.

Đại biểu Nguyễn Xuân Trường cho rằng, hiện nay Bộ GD&ĐT đào tạo nguồn nhân lực (khâu sản xuất) mà không rõ đầu ra. Bộ KH&ĐT chưa có được hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực, còn Bộ LĐTB&XH chưa giải quyết được việc làm (khâu tiêu thụ). Hậu quả là SV ra trường hoặc không có việc làm hoặc làm không đúng ngành nghề.

Một bộ không kham nổi

Giải trình trước Ủy ban VHGDTTN&NĐ, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, Chính phủ đã bàn rất nhiều về vấn đề giải quyết việc làm cho SV. Tuy nhiên, chỉ một mình Bộ LĐTB&XH hay GD&ĐT không thể làm được vì cơ chế thị trường rất phức tạp.

Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thanh Hòa giải thích nhiệm vụ của Bộ LĐTB&XH là tham mưu cho Chính phủ xây dựng chính sách về thị trường lao động vận hành, thúc đẩy GD&ĐT. Nói Bộ LĐTB&XH phải giải quyết việc làm là không đúng vì Bộ chỉ có trách nhiệm dự báo thông tin và đang phối hợp với các cơ quan để có dự báo dài hạn, còn trong ngắn hạn không đáp ứng được yêu cầu.

Ông Hòa cũng cho hay, hằng năm, Bộ LĐTB&XH vẫn cùng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo xu hướng việc làm của Việt Nam, hiện mới dự báo được 1 năm.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT cùng Bộ Tài chính và các Bộ liên quan xây dựng quy định về việc phân bổ kinh phí cho các cơ sở giáo dục; phối hợp với Bộ LĐTB&XH xây dựng chuẩn đầu ra theo khung tham chiếu ASEAN.

"Chúng tôi có sự hỗ trợ của nhiều nước để hội nhập chuẩn đầu ra, tiếp thu kinh nghiệm gắn đào tạo với thị trường lao động. Tuy nhiên, các nước đã làm việc này cả trăm năm, còn mình mới bắt đầu. Hơn nữa mang việc người ta đang làm để áp dụng ngay vào nước mình cũng khó. Vì vậy, chúng tôi học hỏi nhưng vận dụng cũng phải phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta", Bộ trưởng Luận cho hay.

Còn theo đại diện của Bộ KH&ĐT, Chính phủ vừa phê duyệt Đề án thông tin và hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia từ Trung ương đến địa phương theo ngành, lĩnh vực và theo trình độ.

Tuy nhiên, hiện nay công tác dự báo nhân lực chưa được triển khai đồng bộ trên cả nước mà mới được tiến hành riêng lẻ ở từng ngành, từng địa phương chưa có sự liên kết ở cấp quốc gia. Theo dự kiến của Bộ KH&ĐT, đến năm 2020 sẽ hoàn thành xây dựng hệ thống này.

Tăng cường sự phối hợp liên ngành

Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ Đào Trọng Thi cho rằng, tỷ lệ SV tốt nghiệp chưa có việc làm, nhất là việc làm đúng chuyên ngành, còn cao. Nguyên nhân liên quan đến quy mô, cơ cấu, trình độ và ngành nghề đào tạo, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng, chưa gắn kết đào tạo và việc làm.

Tuyển sinh thực hiện tự chủ đã xác định chỉ tiêu, phương thức tổ chức nhưng tiêu chí xác định chỉ tiêu của Bộ còn đơn giản.

Hiện Bộ GD&ĐT mới xác định tỷ lệ SV trên giáo viên, SV trên diện tích sàn, mà chưa có chỉ tiêu về chất lượng đội ngũ giảng viên và chất lượng của cơ sở vật chất, cũng chưa có chỉ tiêu liên quan đến suất đầu tư trên SV, chưa phân theo ngành nghề đào tạo, chưa có cơ cấu hợp lý giữa các trình độ đào tạo.

Việc mở ngành đào tạo chưa thực sự tuân theo quy hoạch nguồn nhân lực. Các biện pháp thực hiện còn khá thô sơ. Ở một số lĩnh vực đang thừa lao động, Bộ GD&ĐT cũng như các trường đã hạn chế tuyển sinh, nhưng sự hạn chế chỉ tiêu này chưa xác định cụ thể cho từng cơ sở giáo dục ĐH và chưa phân theo vùng miền. Nhìn tổng thể nền kinh tế đang thừa nhân lực, nhưng không phải diễn ra đồng đều mọi địa phương.

Bên cạnh đó, công tác dự báo nguồn nhân lực là dài hạn, việc phối hợp trao đổi thông tin về nhu cầu việc làm giữa các ngành hữu quan, giữa cơ sở đào tạo và sử dụng lao động còn yếu, thiếu chặt chẽ. Khả năng tạo việc làm còn hạn chế, dù chúng ta có nhiều cố gắng.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu và nội dung giải trình trao đổi, Ủy ban VHGDTTN&NĐ đã đưa ra các kiến nghị liên quan đến việc ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục ĐH, nghề nghiệp, việc làm theo thẩm quyền. Trong đó có việc khẩn trương ban hành nghị định mới của Chính phủ về thu học phí trong các cơ sở giáo dục công lập cho năm học 2015-2016 và giai đoạn tiếp theo.

Chỉnh sửa khung trình độ cho phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp, rà soát sắp xếp quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH, nghề nghiệp, gắn với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của quốc gia cũng như của từng khu vực, vùng miền và trong từng lĩnh vực họat động của nền kinh tế.

Phê duyệt đề án tổng thể giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ trong và ngoài nước; đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm thông qua công tác cho vay vốn, hỗ trợ đào tạo nghề có người lao động, có cơ chế phù hợp thu hút thúc đẩy trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên.

Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng quy hoạch ngành nghề một cách hợp lý. Tăng cường công tác giám sát và điều tiết kế hoạch đào tạo trên cơ sở thông tin về cung cầu lao động của thị trường.

Bộ LĐTB&XH xây dựng các chính sách và giải pháp nhằm giải quyết tốt vấn đề hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động nói chung và sinh viên tốt nghiệp nói riêng.

Bộ Tài chính xây dựng phương pháp phân bổ kinh phí cho các cơ sở giáo dục theo hướng giao ngân sách gắn với nhiệm vụ và kết quả sản phẩm đầu ra.

Bộ KH&ĐT hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động việc làm, thống kê dự báo công khai nhu cầu nhân lực và ngành nghề cho ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để cung cấp thông tin định hướng đào tạo cũng như sử dụng lao động cho toàn bộ hệ thống.

Theo Nguyệt Hà/VGP News

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast