Khi quý bà nghiện “phây”

Mạng xã hội facebook (phây) không dành cho riêng ai nhưng khi chị em phụ nữ chơi “phây” thì dường như có nhiều hơn những chuyện để bàn.

Chị Th năm nay đã bước sang tuổi ngoài 50. Ngoài 8 tiếng làm việc ở cơ quan,trước đây chị chỉ chú tâm vào việc chợ búa, cơm nước cho gia đình, ít khi giao du và quan tâm đến chuyện thiên hạ. Từ ngày các chị em trong phòng sử dụng facebook, lại được cậu đồng nghiệp lập tài khoản cá nhân, chị cũng tập tành chơi “phây”. Khỏi phải nói, bao nhiêu chuyện mới lạ, chuyện người quen cho đến không quen được cập nhật từng giờ, từng phút cứ cuốn lấy chị.

khi quy ba nghien phay

Ảnh minh họa

Chị như trở thành con người khác, hào hứng tham gia những câu chuyện phiếm, tích cực bàn luận về chuyện của bạn bè chia sẻ trên facebook. Vui thì cũng vui thật đấy nhưng đôi khi rắc rối cũng từ đó mà ra. Đôi ba câu chuyện không đầu không cuối, những status vu vơ có ý chê trách, cạnh khóe người này, người nọ, những comment thiếu thiện chí đã làm tình cảm bạn bè, đồng nghiệp bị ảnh hưởng ít nhiều.

Không phủ nhận tính năng kết nối tuyệt vời của facebook đã làm mọi người gần nhau hơn, cuộc sống phong phú hơn. Nhưng nhiều chuyện “dở khóc, dở cười” cũng bắt nguồn từ đây. Có hôm bắt gặp cậu bé hàng xóm tập bóng trước sân nhà khi trời đã nhá nhem tối, tôi hỏi: “Ăn cơm chưa mà giờ này còn ở đây?”. Cậu bé trả lời: “Ui dzời! Mẹ cháu đi làm về còn bận lướt facebook, chưa nói đến chuyện nấu cơm đâu cô à!”.

Nghe câu trả lời của cậu bé, tôi bật cười rồi chợt nhớ đến câu chuyện của vợ chồng anh bạn. Anh than thở, từ ngày vợ “nghiện phây”, đầu anh muốn “nổ tung”. Chuyện ở cơ quan, gia đình, cô cũng cho lên, ngồi đếm lượt like và comment rồi tiu nghỉu như trẻ con không có quà khi thấy mãi mà vẫn ít “lai”. Cô ôm cái điện thoại suốt ngày, lơ là việc nhà. Tệ hại hơn là có những chuyện tưởng chỉ post lên cho vui, ai ngờ lại gây gièm pha, hiểu nhầm, làm đề tài cho thiên hạ soi mói cuộc sống gia đình, ảnh hưởng đến công việc của cả 2 vợ chồng. Chưa hết, vợ anh và mẹ chồng vốn cũng không được “cơm lành, canh ngọt”, thỉnh thoảng cô lại đăng vài câu vu vơ. Y như rằng, tối hôm đó, mẹ anh lại gọi điện nhắc khéo anh chuyện “dạy vợ” vì bà cũng có facebook và theo dõi hết mọi động tĩnh. Chỉ vì cái “phây” mà anh chị căng thẳng rồi sinh xung đột.

Chơi “phây” với mục đích khác, bà Hòa muốn tham gia mạng xã hội để theo dõi, giám sát con. Đã nghỉ hưu, con thì đứa đi học xa, đứa lớn cũng đã ra trường đi làm, bà rảnh rỗi nên nhờ người lập facebook. Kết bạn với con nhưng không được chúng “đồng ý”, bà quay ra kết bạn với bạn bè, đồng nghiệp của các con. Nhờ thế, bà biết được nhiều hơn những việc liên quan đến con mà trước khi dùng facebook bà không bao giờ được biết. Khi đã thành thạo, ngoài mục đích chính, bà tìm hiểu nhiều hơn tính năng của facebook. Trong nhiều lần rảnh rỗi, lang thang trên mạng, thấy “ngứa mắt” với những luận điệu xuyên tạc, vu khống của các tổ chức phản động, bà vào bình luận đáp trả quyết liệt. Báo hại, facebook, hộp thư tin nhắn của bà nhận được hàng trăm ý kiến từ chửi bới đến đe dọa của những kẻ không quen biết. Cứ như bị “dội bom”, bà được phen “hú vía”, phải bảo con gái lập cho cái tài khoản facebook mới.

Dù lắm chuyện bi hài khi chơi “phây” nhưng nói gì thì nói, facebook giờ đã trở thành một cái gì đó không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của chị em phụ nữ. Điều quan trọng là chị em phải biết đi đến ngưỡng nào của “phây” thì nên dừng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast