Kiếm tiền giỏi, nội trợ hay vẫn bị... bạt tai

Vì gánh kinh tế gia đình trên vai, lại một tay lo chuyện nội trợ, con cái nên chị Phương không thể chu toàn được chuyện gia đình như ý chồng. Đôi khi, chỉ vì về nhà muộn 30 phút mà chồng chị khóa trái cửa không cho mẹ con chị vào.

Chị thường xuyên nghe những câu xỉa xói của chồng như: “Cô cậy có tiền thì đi thuê khách sạn mà ở”, “Cô mang màn lên cơ quan mà ngủ, mà phấn đấu làm quan to đi”…

Cố gắng bao nhiêu chồng không hài lòng bấy nhiêu

Đó là câu chuyện hôn nhân đầy nhọc nhằn, tủi cực của chị Nguyễn Thị Phương (43 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội). Nhọc nhằn vì cùng lúc chị gánh cả hai vai, một vai phải bươn chải lo kinh tế gia đình, một vai phải đảm đương công việc nội trợ, chăm sóc nuôi dạy con cái. Tủi cực vì phấn đấu hết sức mình nhưng anh Mạnh, chồng chị thay vì trân trọng ghi nhận thì ngược lại muốn phủ nhận hết. Chị cố gắng bao nhiêu thì chồng chị không hài lòng bấy nhiêu. Lúc nào chị cũng bị chồng chỉ trích, chê bai. Nếu chị phân trần, giải thích là y như rằng bị chồng dọa dẫm, quát tháo, thậm chí là bằng cả… nắm đấm.

Vợ chồng chị Phương lấy nhau vì một tình yêu kéo dài 3 năm đại học. Chị Phương học Luật còn anh Mạnh học một trường quân sự. Ra trường, chị Phương không làm luật mà quay sang làm trái nghề nhưng lại rất thành công. Chị kinh doanh dược phẩm, kinh tế gia đình một mình chị lo. Trong khi đó anh Mạnh chỉ lương ba cọc ba đồng.

Người ngoài nhìn vào thực sự không ai có thể chê chị Phương được điểm gì. Thế nhưng, trong mối quan hệ vợ chồng, chị Phương cảm thấy mình bất lực. Chị đã cố gắng hết sức cho gia đình nhưng không bao giờ chồng chị ghi nhận điều đó. Sự đối xử hàng ngày của chồng khiến nhiều lúc chị Phương cảm thấy mình bị coi như... kẻ thù.

Kể với chuyên gia tư vấn, chị Phương cho biết: Cuộc đời tôi chỉ có công việc và công việc. Hết giờ ở công ty thì về nhà quay cuồng với chuyện cơm nước, con cái. Thế nhưng, hôm nào vì công việc mà về muộn một chút là chồng chờ ở cổng, nguyền rủa chị: “Cô đừng về nhà nữa, mang màn lên cơ quan mà ở trên đó luôn, lên đó mà phấn đấu làm quan to!”. Có hôm chồng chị còn khóa cửa không cho ba mẹ con vào nhà, bảo “mày cậy mày có tiền thì đi thuê khách sạn mà ở”.

Trong khi thực tế thì chồng chị Phương mới là người đi sớm về khuya. Việc anh Mạnh ra khỏi nhà lúc 9 – 10 giờ đêm là chuyện thường. Hôm nào ở nhà anh ta lại dò xét từng ly, từng tý để mong tìm ra lỗi của vợ.

“Anh ấy chấp nhặt vợ từng ly từng tý. Lúc nào cũng chỉ nhìn ra lỗi của vợ, lúc nào cũng thấy vợ xấu xa, tồi tệ. Anh ấy toàn chửi những câu như: “Mày cậy mày có tiền nên mày đi ăn nhà hàng. Tao thì cần ăn cơm nhà”. “Một năm 364 ngày phải ăn cơm hàng cháo chợ”… Mày không làm được cái gì cho cái nhà này. Khổ, thực tế thì chồng tôi có mấy khi ở nhà đâu. Mẹ con tôi toàn phải đợi cơm đến 9 – 10 giờ đêm, đói quá đành phải ăn cơm nguội cho con đi ngủ. Hôm nào nấu cơm đàng hoàng chồng tôi lại không ăn, hôm bận bịu nấu đơn sơ lại mò về… Anh ấy toàn chửi tôi là không làm được gì cho cái nhà này. Nhiều khi tôi ức quá, không nhịn được đành lên tiếng giải thích phân trần, thế là bị ăn quả đấm”, chị Phương nói.

Tâm sự với chuyên gia tư vấn, chị Phương thú nhận rằng mình không thể hiểu nổi vì sao lại bị chồng đối xử như vậy. Nhiều lúc cảm thấy cuộc sống quá bế tắc, chị đề nghị ly hôn thì anh ấy lại nổi đóa, dọa đánh, dọa giết, dọa chị muốn ra đi thì hai bàn tay trắng mà đi, để con cái lại…

Bi kịch khi chồng kém tài vợ

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Yến Nhi (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống), trường hợp như của chị Phương không hiếm trong cuộc sống. Nhiều phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn chồng, phải gánh vác trụ cột tài chính gia đình nhưng vẫn phải lo toan việc nhà từ chăm con, rồi lại phải chăm chồng, đối nhân xử thế với gia đình chồng cho chồng đẹp mặt, lắm khi chồng lại còn giở đủ tật chứng gái gú, rượu chè hoặc lười nhác và không phấn đấu…

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, Công ty Tư vấn An Việt Sơn cho rằng: Tâm lý đàn ông lúc nào cũng muốn mình đóng vai trò chính trong gia đình. Họ thường mắc phải tâm lý rất sợ mình bị thua kém vợ, họ sợ những người phụ nữ giỏi hơn mình, sợ vợ kiếm tiền được nhiều hơn mình và sợ người khác gièm pha rằng mình là thằng chồng bám váy vợ hay ngửa tay xin tiền vợ. Rất nhiều gia đình tan nát vì chuyện vợ giỏi hơn chồng, vì chuyện vợ học cao hơn chồng dù rằng trước đó, họ cũng đã từng yêu nhau tha thiết, từng hiểu và rất trân trọng nhau. Đàn ông thường nói với nhau câu “thà sống khổ chứ không thể sống nhục” là vì thế.

Trong gia đình khi người chồng không làm được vai trò trụ cột tài chính, họ rất dễ mắc phải tâm lý cảm thấy mình hèn kém. Lại thêm những lời nói vô tình hoặc cố tình gièm pha từ bên ngoài càng khiến cho sự mặc cảm đó nặng nề thêm. Bởi vậy chỉ cần một lời bàn tán, một lời ra tiếng vào khó nghe, cho rằng đàn ông sống nhờ cửa vợ, họ lập tức khó chịu, thậm chí là gây sự và trút giận lên đầu vợ con.

Do vậy dù người vợ có chu toàn đến mấy, có cố gắng đến mấy thì cũng rất khó để chữa khỏi tâm lý này ở đàn ông. Đôi khi người đàn ông tự cảm thấy bất ổn. Tự họ thấy hèn kém, tự thấy mình không ra gì. Họ muốn thoát khỏi cảm giác hèn kém đó nhưng không có phương thuốc nào ngoài sự bực tức, ức chế, hận mình. Hận mình thì quay ra hành hạ vợ, chê trách vợ. Người vợ vì không hiểu nên đã phản ứng lại, càng làm cho chồng tức tối hơn. Giống như kiểu bị dồn nén quá, người vợ lại chạm vào chỗ nhạy cảm nên anh chồng bật lại luôn bằng bạo lực. Đây chính là cơ chế tự vệ để bảo vệ sự tự trọng của bản thân ở đàn ông. Đa số các bà vợ không hiểu tâm lý này nên cứ nghĩ là chồng hận thù gì mình, không yêu thương mình… Lúc này vợ chồng dường như không thể nói chuyện được với nhau. Vợ chồng mà không nói chuyện được với nhau thì không thấu hiểu được nhau và vì thế bi kịch cứ chất chồng lên bi kịch.

Theo GĐ&XH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast