Ngày ta còn bé

Ngày tôi còn bé, trong mắt tôi bố là một siêu nhân. Việc gì bố cũng làm được, thắc mắc nào của tôi bố cũng giải đáp rất rõ ràng. Không có câu hỏi nào của tôi có thể làm khó bố.

ngay ta con be

Trong nhà, tôi và bố một phe, mẹ một phe. Những lúc tôi bị mẹ mắng mỏ hay đánh đòn, bố luôn đứng ra bênh vực. Mẹ khắt khe với tôi hơn, còn bố thì luôn yêu thương chiều chuộng. Có lần tôi dỗi mẹ không chịu ăn cơm, bố bảo tôi: “Con ăn cơm đi, xong rồi bố con ta đuổi mẹ ra khỏi nhà, lấy mẹ khác nhé”. Tôi sung sướng gật đầu ngay tắp lự. Nhưng rồi khi cơn giận dỗi qua đi bố lại ngồi tỉ tê kể từng chuyện nhỏ, những việc mẹ đã làm cho tôi và nói rằng: “ Mẹ là người sinh ra con. Mẹ đánh con, con đau một thì mẹ đau mười. Nếu con ngoan mẹ sẽ không bao giờ đánh con cả”. Mẹ luôn gọi tôi là “cái đuôi của bố” vì bố đi đâu tôi cùng đòi đi theo. Ở bên bố tôi luôn luôn được vỗ về chiều chuộng.

Lớn lên một chút, bố không còn là siêu nhân biết tuốt. Những bài học của tôi đôi khi bố dạy không giống cô giáo. Tôi bảo bố: “Cô giáo con không nói thế, cô nói khác cơ”, rồi nhất định cho rằng bố đã sai. Nhưng mỗi khi tôi bị ai bắt nạt, bố vẫn bảo vệ tôi như một anh hùng. Và mỗi lần tôi khóc bố luôn ôm tôi vào lòng, nói rằng “con gái khóc nhè xấu lắm”.

Ở tuổi dậy thì, tôi không thoải mái khi mỗi tối học bài có bố ngồi kề bên, thấy khó chịu mỗi khi bố hỏi chuyện ở lớp ở trường, bực mình khi bố vào phòng mà không gõ cửa. Bố lúc nào cũng xem tôi là một đứa trẻ. Nhưng thực sự là tôi đã lớn. Tôi có những bí mật của riêng tôi mà không muốn bi bô chia sẻ. Tôi biết viết nhật kí kể về những rung động với cậu bạn trai cùng lớp. Tôi không còn thích xem hoạt hình, không còn hứng thú ngồi trả lời từng câu hỏi của bố. Ngay cả mỗi khi bố xoa xoa tay lên đầu cũng khiến tôi khó chịu: “Bố đừng xoa đầu con nữa, con lớn rồi”.

Tôi có bạn trai, bố quyết liệt phản đối. Bố cho rằng cậu ta là đứa ham chơi bời và không tử tế. Tôi thừa nhận cậu ấy không hoàn toàn tốt, nhưng tôi yêu cậu ta và khó chịu khi thấy bố chê bai cậu ấy. Vài lần bố tìm cách ngồi cùng tôi trò chuyện. Nói đi nói lại là bố cáu còn tôi giận dỗi. Có lần tôi còn hét lên với bố “Con lớn rồi, tự con biết cái nào đúng, cái nào sai. Bố chẳng hiểu gì về con cả”. Tôi lên phòng ngồi suốt hai tiếng rồi đi xuống vẫn thấy bố vẫn còn ngồi nguyên chỗ cũ. Mối tình ấy không thành, vì đúng là cậu ta không tốt, cậu ấy còn làm tổn thương tôi. Nhưng tôi chưa bao giờ xin lỗi bố vì đã không nghe lời, cũng không nói với bố rằng “bố nói đúng, là con sai”.

Ngày tôi sắp lấy chồng, bố thức đến tận sáng để nắn nót từng tấm thiệp mời. Bố nói bố đã từng viết rất nhiều lần tên tôi, đó là khi điền tên tôi vào giấy khai sinh, là ghi tên tôi vào các loại giấy tờ, là khi viết cho tôi từng tập nhãn vỡ. Và hôm nay bố ngồi đeo kính viết cho tôi cả chồng thiệp mời, viết đi viết lại tên tôi mà không thấy chán. Tôi nhìn bàn tay bố, gầy guộc và nhăn nheo, lòng có chút se lại.

Tôi có con, thỉnh thoảng đưa cháu về thăm ông bà ngoại. Ông thường giành bế cháu, ngồi ngắm rồi nói nó có những nét nào giống tôi ngày bé. Ông bảo tôi: “Có con nhỏ là phải thế này, phải như thế này này…” Tôi nói: “Thời này khác thời của bố rồi, khoa học hiện đại rồi, không ai nuôi con như thời bố mẹ nữa đâu”. Bố nhìn tôi mắng yêu: “Bố cô, cái thời cổ hủ lạc hậu của chúng tôi đã nuôi cô lớn lên đấy”.

Tối qua, khi con gái tôi gắt lên với bố nó: “bố chẳng hiểu gì con cả”, tôi thấy chồng tôi ngồi lặng mất mấy giây rồi quay sang nói với tôi: “Em xem, anh nâng niu nó từ thuở lọt lòng, hiểu cả từng cái nhíu mày hay tiếng thở dài của nó. Nó cao lên một phân anh cũng biết, đến bữa ăn ít đi vài thìa cơm anh cũng biết. Vậy mà giờ nó bảo anh không hiểu gì về nó. Anh không hiểu con thì ai hiểu con?” Và trong giây phút ấy tôi như gặp lại mình của những ngày xưa, hiểu rõ cảm giác của bố mình những khi tôi giận dỗi. Đúng là cảm giác ấy: xót xa và hụt hẫng, không khác gì mình dồn hết tất cả tình yêu thương cho một người rồi trong phút giây bị người ta phản bội quay lưng không hề nuối tiếc.

Tôi không nhớ tôi đã bao lần cãi bố mẹ vì nông nổi và hiếu thắng, vì những quan điểm già trẻ bất đồng. Tôi không nhớ đã bao lần hờn trách bố mẹ không hiểu không tin mình chỉ vì bố mẹ cho rằng giữa cuộc đời này tôi hãy còn khờ dại. Bao lần tôi vấp ngã, luôn có bố mẹ cận kề làm tay vịn cho tôi đứng lên.

Khi không còn gần bố mẹ, khi đã biết hết lòng lo lắng cho con, tôi càng nhận ra mình đã quá xa xôi những ngày thơ ấu. Hình như khi người ta càng già đi thì lại càng hay nhớ về những ngày nhỏ dại. Tôi nhớ những trưa bố tỉ mẩn ngồi cắt giấy dán cho tôi cánh diều rồi hai bố con cùng chạy giữa cánh đồng chiều lộng gió. Nhớ những sáng mai mẹ vắng nhà, bố thường ngồi vụng về chải tóc cho tôi, cột cho tôi những chiếc nơ bé xinh trên đầu. Nhớ khi tôi rạn vỡ mối tình đầu, là bố ngồi bên tôi, nắm lấy tay tôi: “Nỗi đau sẽ khiến con trưởng thành hơn, đừng sợ”.

Khi ta còn bé bố là siêu nhân, bố là anh hùng. Khi ta lớn lên một chút, ta cho rằng bố mẹ không hiểu mình, rồi tự cho mình có quyền được sai lầm, được ích kỉ. Khi ta làm bố làm mẹ, ta cho rằng ta nuôi con tốt hơn và mọi kinh nghiệm của bố mẹ trở nên lỗi thời. Nhưng khi con ta lớn, và ta ngày một già đi ta mới nhận ra rằng bố vẫn luôn là siêu nhân, là anh hùng nhưng theo một cách khác. Chỉ là ta tưởng mình đã đủ lớn để không cần sự quan tâm của mẹ cha. Ra đời thấy người ta tốt với mình một chút, cho mình một vài thứ đã xúc động cảm ơn rối rít. Mới hay rằng cả thế giới này có điều kiện mới yêu ta. Chỉ có mẹ cha yêu thương ta vô điều kiện suốt cả cuộc đời.

Theo Lê Giang/Dân trí

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast