Nhà có hai bà chủ - làm sao khỏi "đối đầu"?

Đừng ca thán với mẹ chồng về đức lang quân của bạn. Bà rất hiểu con trai mình, biết rõ chàng không phải là “Mr. hoàn hảo”, nhưng không ra mặt đồng ý với bạn về điều này đâu. Vì như thế khác nào tự nhận rằng bà không khéo dạy con.

Một bà mẹ viết: "Con gái tôi mới lấy chồng cách đây không lâu và đang sống cùng mẹ chồng. Chỉ sau một thời gian ngắn tôi thấy con bé thay đổi rất nhiều. Nó đâm ra trầm lặng, đặc biệt là không kể gì về mẹ chồng và cuộc sống ở nhà chồng. Mối quan hệ giữa tôi với con rể thì rất ổn, tôi tôn trọng cậu ấy và không can thiệp vào cuộc sống của đôi trẻ. Còn mẹ cậu ấy, hẳn đã gây áp lực gì đó với con gái tôi. Tôi dò hỏi con rể, nó chỉ bảo "rồi dần dần sẽ quen".

Tôi nhớ đến mẹ chồng mình – bà từng can thiệp vào mọi việc của tôi. Hầu như chẳng bà mẹ chồng nào hài lòng về nàng dâu cả. Có lẽ họ đã nuôi dạy nên những chàng trai hoàn hảo mà chẳng có cô gái nào xứng làm vợ chăng? Tôi nên làm gì để giúp con gái mình? Nên khuyên con thế nào?”

nha co hai ba chu lam sao khoi doi dau

Nàng dâu có cô này cô khác, mẹ chồng cũng có bà nọ bà kia. Nhưng có một điều gần như là mặc định là mẹ chồng thường không thích nàng dâu, và nàng dâu cũng chẳng trông đợi điều tốt lành gì ở mẹ chồng ngoài những răn đe, bẻ họe. Chính từ đó mà dẫn đến những cuộc “đối đầu”… Lý tưởng nhất là để đôi vợ chồng trẻ ở riêng. Còn nếu không có điều kiện ra riêng thì mọi người trong nhà đều cần lưu ý đến cách ứng xử trong mối quan hệ mới này.

Mẹ vợ: chớ thêm dầu vào lửa!

Khó có thể đứng ngoài cuộc, nhưng bạn đừng can thiệp sâu vào mối quan hệ giữa con gái mình với bà sui gia. Trước hết bạn cần tìm hiểu nguyên nhân khiến con bạn căng thẳng. Đôi khi vị thế của bà mẹ chồng được thể hiện bởi những câu kêu ca kiểu như: “Con bé này đoảng quá! Để chồng mặc cái sơ mi suốt cả tuần! Chắc nó không có thời gian giặt cho chồng cái áo. Thế mà tôi vừa nhắc thì nó khó chịu”. Và quan điểm của nàng dâu cũng rất rõ: “Đấy là việc của tôi, sao bà ấy cứ phải tham gia vào mọi chuyện. Tôi có phải một đứa bé đâu và không cần những lời khuyên quý báu của bà ấy!”

Mẹ chồng lẫn nàng dâu đều có cái lý của họ. Nhưng nếu cả hai đều không chịu nhân nhượng thì cuộc sống chung khó mà bình yên. Có thể là không đến mức nói huỵch toẹt ra với nhau nhưng ngay cả “chiến tranh lạnh” cũng là một liều thuốc độc đối với bầu không khí gia đình.

Bạn và con gái cần xem lại những than phiền, đòi hỏi của bà mẹ chồng thực ra có cơ sở không? Liệu bà ấy có vui mừng không khi nhà có thêm một người nữa khiến bà ấy bận bịu thêm? Và thử điểm lại xem công việc nhà hiện đang được phân công ra sao – bà mẹ chồng làm gì, và cô vợ trẻ lãnh trách nhiệm gì? Nếu bạn cũng không dám chắc con gái mình thành thục chuyện nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp…, thì bạn nên bổ khuyết cho cô ấy, thay vì trách bà sui đã có ý định làm thay bạn những việc mà đáng lẽ bạn cần làm trước đây.

Bạn đừng bao giờ công kích bà sui gia, cũng đừng cho phép con gái mình làm điều đó. Dù gì bà ấy cũng là mẹ chồng của con gái bạn. Thêm dầu vào lửa, bạn sẽ khiến mối quan hệ của đôi vợ chồng trẻ bị đe dọa. Hãy nhờ chàng rể làm cầu nối giữa vợ với mẹ, chia sẻ với cô ấy chuyện chuyển đến sống trong một gia đình lạ với những tập quán mới đương nhiên sẽ khó khăn ra sao. Cũng không trách móc con rể rằng con gái mình đang chịu khổ vì mẹ cậu ấy, kẻo lại làm hỏng mối quan hệ đang tốt đẹp giữa chàng rể và bạn.

Nàng dâu: hãy bình thản, đừng gây xáo trộn

Để giữ không khí hòa bình trong ngôi nhà có hai bà chủ, điều trước tiên nàng dâu cần làm là hãy tạo nên một cự ly tâm lý thích hợp. Nên bình thản, tự nhiên - không xun xoe, nịnh nọt, cũng chẳng lạnh nhạt, xa cách. Lưu ý là đừng bao giờ ca thán với mẹ chồng về đức lang quân của mình. Bà dẫu sao cũng rất hiểu con trai mình, biết rõ chàng ta không phải là “Mr. hoàn hảo”, nhưng không muốn ra mặt nhất trí với bạn về điều này đâu. Vì như thế khác nào tự nhận rằng bà không khéo dạy con.

Ngoài ra, nàng dâu cần tuân thủ các phép tắc, nề nếp của gia đình mới, từ chuyện cất xoong nồi ở đâu, lau bàn bằng khăn nào. Những điều này dù nhỏ nhặt, nhưng nó khiến mẹ chồng không nghĩ rằng cô vợ trẻ đã xáo trộn vương quốc của bà, thậm chí là muốn lập "một trật tự mới" cho gia đình bà.

Rất nên có sự phân nhiệm trong công việc nhà. Ít nhất là nàng dâu cần tự phục vụ bản thân cũng như chồng mình, thay vì đổ hết việc nhà lên vai người phụ nữ đã có tuổi và không còn dồi dào sức khỏe nữa. Cần xin ý kiến bà về chuyện phân nhiệm một cách rõ ràng, lễ độ. Như vậy bạn vừa được lòng mẹ chồng, lại vừa “hưởng lợi” vì có thể "làm lơ" với những thứ mà theo quy định đã thuộc về “gói công việc” của mẹ chồng.

Mẹ chồng: không cao giọng, tránh chê bai

Mẹ chồng cũng không cần nhiệt tình quá với việc dạy dỗ vợ của con trai. Chẳng ai phủ nhận rằng nàng dâu trẻ thường thiếu kinh nghiệm. Nhưng dẫu sao nàng cũng đã là một phụ nữ trưởng thành với những quan điểm sống riêng.

Hãy chú ý đến giọng điệu, lời nói của bạn khi trao đổi với con dâu. Cố gắng không cao giọng, tránh chê bai, quở trách. Đặc biệt là không độc đoán hạ lệnh mà cần bình tĩnh, kiên trì giải thích. Nàng dâu trẻ bao giờ cũng vụng về, bởi vậy hãy giúp đỡ nàng và nàng sẽ đánh giá cao sự bao dung độ lượng của bạn. Đừng tỏ ra mình thông tuệ hơn người khác chỉ vì đây là nhà của mình và mình nhiều tuổi hơn.

Nếu bạn không thể chịu đựng nổi người phụ nữ mà con bạn đã cưới thì tốt nhất là tìm cách để đôi trẻ ra ở riêng. Bằng không gia đình nhỏ ấy có thể đổ vỡ chỉ vì mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu. Nếu con trai bạn đã chọn thì có nghĩa là cậu ta yêu cô gái ấy. Mà với bất cứ người mẹ nào thì điều đầu tiên và quan trọng nhất chẳng phải chính là hạnh phúc của con mình hay sao?

Theo Phununews

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast