Vì anh là đàn ông?

Ừ, thì đàn ông mà! Nên nhiều lần anh xa gần mai mỉa mấy đứa em trai của vợ vì chúng biết làm tất tật mọi loại việc nhà...

Cuối tuần, cả gia đình tôi thường sang nhà bà ngoại bọn trẻ vui chơi, ăn trưa. Hôm ấy, nhà ngoại có tiết mục nướng nên khá nhọc công. Người quạt than, người lo bếp, người giữ trẻ con, người dọn bàn... Thấy chồng cứ ngồi ôm điện thoại nói chuyện, tôi nhắc anh xuống phụ mấy đứa em một tay. Chồng tôi lờ đi, chuyển sang chơi game. Thấy kỳ, tôi lại nhắc anh thêm lần nữa, rằng để mấy cậu tụi nhỏ làm, mình ngồi không khó coi lắm. Chồng tôi thản nhiên buông một câu: “Có sao đâu, đàn ông mà!”.

Ừ, thì đàn ông mà! Nên nhiều lần anh xa gần mai mỉa mấy đứa em trai của vợ vì chúng biết làm tất tật mọi loại việc nhà mà không cần đợi ai hướng dẫn hay nhắc nhở. Ngay cả những “việc đàn bà” như nấu ăn, cho con uống sữa chúng cũng không từ, hay thật! Tôi thừa hiểu, với chồng tôi, đó chẳng phải là lời khen, mà là xỏ xiên, thậm chí là “ngửi không nổi” như một lần anh bực bội nói thẳng.

Ảnh mang tính minh họa: Internet

Ảnh mang tính minh họa: Internet

Thật ra, tôi cũng chẳng đến mức kỳ vọng chồng mình có thể lo toan mọi thứ như đám em tôi. Mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người mỗi sở thích. Nhưng, cứ nghĩ tới cảnh anh ấy thản nhiên ngồi đợi cả gia đình bên vợ “cơm bưng nước rót” mỗi dịp tụ tập, là tôi thấy không ổn chút nào. Đã vài lần vợ chồng hục hặc liên quan tới chuyện “phụ hay không phụ”. Chồng tôi cho rằng, rể là khách, nhà chẳng thể nhiều việc đến mức một người đàn ông như anh phải trực tiếp nhúng tay vào những chuyện vặt như thế, chỉ tổ mất thể diện nam nhi…

Con cái của chúng tôi rồi cũng qua tuổi dậy thì. Tôi dạy hai con các kỹ năng căn bản mà một cô gái, chàng trai bình thường phải có, như tự chăm sóc bản thân, làm các việc nhà đơn giản, nấu mấy món chống đói... Chồng tôi phản đối, cho là tôi đang biến con trai mình thành cá biệt, biết nhiều khổ nhiều, giải quyết được gì đâu mà phải như thế! Tôi thật chẳng biết nói sao với chồng. Ngoài cái thói “anh là đàn ông, anh có quyền” ra, về bản chất, chồng tôi cũng là người tốt. Chỉ mỗi cái tính gia trưởng đã ngấm sâu vào máu anh.

Tôi cũng không lạ gì khi nhìn sang họ hàng bên chồng, thấy các anh em trai, mấy đứa cháu trai đều nguyên khuôn như thế. Nghĩa là, chỉ biết ăn, đi học, rồi đi làm. Các kỹ năng sống này nọ đều bị bỏ qua. Ai cũng xem đó là điều hiển nhiên, chẳng cần phải băn khoăn hay thắc mắc. Nhưng con gái thì khác, chỉ cần biết dăm ba chữ làm vốn là phải ở nhà nội trợ, học nghề lặt vặt kiếm sống, đợi… lấy chồng! Thi thoảng có đứa nào ham học, muốn vươn lên, lập tức chồng tôi buông một câu, đàn bà con gái, đái không qua ngọn cỏ, học cho lắm vào để làm gì!…

Mẹ con chúng tôi mãi vẫn không quên một dạo, ông bác họ bên chồng từ quê vào chơi, rút tiền cho con trai tôi, mặc kệ đứa cháu gái đang ngồi ngay đấy. Sau đó là tiết mục dặn dò, con trai phải thế này thế nọ, không nên thế nọ, thế kia… Con trai tôi ngây thơ hỏi, vậy chứ tiền cho chị Hai con đâu hở ông? Ông bác sụ mặt xuống bảo, nó là con gái, quan trọng gì… Cũng ông bác đó, khi ngồi vào bàn, phải ngồi chỗ tốt nhất, thoải mái nhất, đĩa thức ăn ngon nhất đặt trước mặt… Đại khái thế. Tôi hình dung ở quê nhà, vợ con bác ấy chắc chẳng bao giờ được quan tâm xem no đói ấm lạnh thế nào, chỉ cần biết bác ấy luôn được ưu tiên mọi thứ đủ đầy là tốt rồi.

Nhà chồng tôi trọng nam khinh nữ? Rõ rồi! Nhưng biết thay đổi thế nào đây, khi tôi mở miệng ra là anh chê, đàn bà biết gì mà nói! Ngay cả đồ đạc trong nhà, có vài thứ khá giá trị do tôi đi làm dành dụm mua về, anh biết rõ, nhưng khách đến nhà, anh vẫn thích kể “tôi tự mua cái này, cái kia”, như một cách để khẳng định mình.

Dù đã là thời buổi hiện đại, nhưng đâu đó trong cái thành phố lớn nhất nhì đất nước này, vẫn còn những người đàn ông tự cho mình cái quyền ưu tiên hơn vợ con, đơn giản vì anh ta là đàn ông, nghiễm nhiên được hưởng mọi sự tốt đẹp, ngon lành. Ai chấp nhận hay không, mặc kệ!

Theo Phunuonline

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast