Cần có Luật về Đảng, Luật giám sát, phản biện và Cơ chế điều tra Xã hội học

Với trách nhiệm của một công dân,một đảng viên của Đảng và sự hiểu biết của cá nhân, tôi xin góp ý một số vấn đề sau:

Cần có Luật về Đảng, Luật giám sát, phản biện và Cơ chế điều tra Xã hội học ảnh 1

1). Ngôn từ dự thảo lần này chính xác, rõ ràng, chặt chẽ hơn, tách hẳn những nội dung thuộc phạm vi ban hành luật ra khỏi Hiến Pháp, không sa vào việc lập luận, giải thích như một số điều Hiến Pháp 1992 (giáo dục, văn hóa…)

2). Một số nội dung, tuy ghép 4 đến 6 điều của Hiến Pháp1992 (như điều 54, 64 dự thảo sửa đổi…) nhưng rất hợp lý, khoa học và ngắn gọn.

3) Bốn điều của Hiến Pháp 1992,dự thảo mới đề nghị bỏ là hợp lý, vì một số nội dung của các điều này đã được phản ánh trong các điều khác; vả lại như điều 66, việc học tập, lao động, giải trí, bồi dưỡng đạo đức đâu chỉ có thanh niên?

4) Những vấn đề có tính thời sự, xuất phát từ yêu cầu phát triển của đất nước, về quyền con người... đã được bổ sung, sửa đổi, nhất là 11 điều mới chưa có trong hiến pháp 1992( điều 16, Quyền mỗi con người gắn liền quyền lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền của người khác; Điều 21, Quyền sống; điều 44, Quyền hưởng thụ giá trị văn hóa; Điều 45, xác định dân tộc, ngôn ngữ; điều 46, môi trường sống; điều 59,quản lý ngân sách quốc gia; điều 68, bảo vệ môi trường; điều 83,Lập UB lâm thời; điều 120, 121, 122 ,hội đồng hiến pháp, Hội Đồng bầu cử và Kiểm toán Nhà nước).

5) Một số nội dung cụ thể:

Điều 4: - Mục 2,sau dòng “chịu sự giám sát của nhân dân”, cần thêm nội dung “bằng luật giám sát và phản biện xã hội”. Đọc là: “chịu sự giám sát của nhân dân bằng luật giám sát và phản biện xã hội”, vì không có chế tài thì hiệu lực thực thi hạn chế, chỉ hô khẩu hiệu chung chung.

Điều 9: (Sửa đổi bổ sung)

- Mục 2, nên để lại chử “Các tổ chức thành viên” như Hiến Pháp 1992 và thay đoạn “Chính quyền nhân dân” bằng “Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam”, đọc là: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của Nhà nước cộng hoà XHCN Việt Nam”...Lý do:từ “Chính quyền nhân dân” chưa bao hàm Quốc hội và HĐND các cấp,chưa thể hiện dầy đủ vai trò và tầm quan trọng của MTTQ và các tổ chức thành viên là “cơ sở chính trị...”; MTTQ và các tổ chức thành viên phải gắn kết, không thể tách rời.

- Cũng trong mục 2 này, nên tách từ đoạn: “ giám sát và phản biện”... đến “công chức,viên chức”, ghép với nội dung mục 3 thành một nội dung riêng, không ghép vào mục 2. Theo tôi sửa lại là: “3. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên có nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận hoạt động và thực hiện chức năng giám sát,phản biện”

Lý do tôi đề cập vấn đề trên là vì:

+ Chức năng giám sát, phản biện của MTTQ và các Tổ chức thành viên đã được Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đến Đại hội lần thứ XI khẳng định, nhưng đã 12 năm rồi chưa ban hành chế tài để thực hiện.Cần đưa nội dung này vào Hiến pháp để sớm ban hành luật.

+ Việc xác lập và thực hiện tốt các chức năng giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức thành viên thông qua tổ chức của mình càng nâng cao uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng, đảm bảo thực quyền của nhân dân và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, đảm bảo mọi quyết sách ban hành đều đúng và được thực hiện nghiêm túc.

+ Trong dự thảo sửa đổi chỉ đề cập “Vận động nhân dân thực hiện …” là chưa nhận thức đúng tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng đề ra,chưa thể hiện bản chất nhà nước “của dân, do dân, vì dân” và sự đòi hỏi khách quan của cuộc sống.

Điều 12 (Sửa đổi bổ sung)

Tôi đề nghị thêm 3 từ: “ khu vực và...”quốc tế.Đọc là: “Là bạn,đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng khu vực và quốc tế”

Nội dung điều 12 (sửa đổi bổ sung điều 14) là hợp lý, nhưng phải quan tâm mối quan hệ khu vực (phải thực sự ưu tiên, tạo sự tin cậy lẫn nhau). Thực tế trong lịch sử có khoảng cách ngay trong khối các nước Đông Nam Á (trừ 3 nước Đông dương), vài thập kỷ lại nay mối quan hệ này có được cải thiện nhưng chưa đủ, Ổn định trong khu vực là cần thiết,góp phần đảm bảo ổn định trong nước. Phải thực sự là bạn, là đối tác tin cậy, cùng tiếng nói thống nhất trên những vấn đề chung nhất.

(*) Ngoài các nội dung dự thảo sửa đổi, tôi đề nghị nên nghiên cứu bổ sung nội dung “ ĐIỀU TRA XÃ HỘI HỌC” trong Hiến Pháp. Các nước rất quan tâm vấn đề này. Có thể cụ thể lồng nội dung này trong điều 29, điều 30 (sửa đổi bổ sung). Đây là một vấn đề rất cần, đảm bảo cho mọi chủ trương, chính sách, pháp luật, mọi quyết sách của Đảng và Nhà nước ban hành có sức sống trường tồn, sát với thực tiễn cuộc sống. Chống được biểu hiện quan liêu, xa rời thực tiễn, dẫn đến một số chính sách, văn bản mới ban hành đã lạc hậu, thậm chí bị “chết yểu”, có việc tạo dư luận bất bình trong nhân dân, trong các tầng lớp lao động. Phải xem đây như một quy trình bắt buộc phải làm trước khi ban hành các chủ trương,chính sách. Việc điều tra xã hội học phải làm khoa học, chống hình thức, đảm bảo tính đồng thuận và tạo sức mạnh cộng hưởng của toàn dân khi tổ chức thực hiện (Đơn cử tiêu cực trong giáo dục,việc ban hành một số chính sách xã hội, công chức xã phường, cho đến việc lớn như luật đất đai...) không sát thực tế cuộc sống. Ngay việc xây dựng đề án nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nói chung và lao động nữ nói riêng ,bản chất của vấn đề là gì?có phải thực sự quan tâm sự cống hiến của người lao động hay vì gánh nặng của bảo hiểm? Vấn đề bình đẳng giới đâu phải tuổi về hưu nam và nữ như nhau,trong khi người phụ nữ còn phải gánh vác thiên chức làm vợ,làm mẹ hết sức nặng nề.

Thấu hiểu điều đó để hoạch định chính sách mới là bình đẳng và quan tâm đến nữ giới.Lao động nữ trên công trường ,xưởng máy và trong ngành giáo dục cũng muốn được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn(trừ cán bộ khoa học,quản lý nữ có thể nâng tuổi về hưu).Mặt khác yêu cầu phát triển của đất nước rất cần lực lượng lao động có chất lượng cao,có kiến thức khoa học.Có một bác nông dân hỏi cô giáo “cô già thế mà còn đi dạy,chẳng trách chi con tôi học hành tử tế mà không được tuyển dụng”.Vì vậy,nếu không có cơ chế điều tra xã hội học,không có một quy trình dân chủ thì các quyết sách ban hành không phù hợp với thực tế cuộc sống .

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast