Ghi nhận hoạt động lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Luật Đất đai

Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Trung ương, thời gian qua, việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được các cấp, các ngành ở Hà Tĩnh triển khai khắp các vùng miền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Đây không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm của những tháng đầu năm 2013 mà còn là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhằm phát huy quyền làm chủ về chính trị, thể hiện trí tuệ, ý chí và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.

Trong quá trình triển khai lấy ý kiến đóng góp, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến đã được các cấp, các ngành triển khai sâu rộng, kịp thời, đúng nội dung đến tận mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ trì phối hợp với Ban Dân vận, MTTQ tỉnh và các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn để tổ chức tuyên truyền rộng rãi các nội dung liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng và cổng thông tin điện tử.

Ban Chỉ đạo lấy ý kiến tỉnh họp triển khai nhiệm vụ

Ban Chỉ đạo lấy ý kiến tỉnh họp triển khai nhiệm vụ

Các địa phương, đơn vị cũng đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thông qua các hội nghị, sinh hoạt cơ quan, đoàn thể hay qua hệ thống loa phát thanh, tờ gấp, pa nô, áp phích và nhiều hình thức khác. Đặc biệt, Báo Hà Tĩnh và Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh đã mở các chuyên trang, chuyên mục để phản ánh, đưa tin, đăng tải kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, các ý kiến đóng góp, đề xuất của các tầng lớp nhân dân.

Riêng toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và một số ý kiến hay đã được đăng tải toàn văn trên Báo Hà Tĩnh và phát sóng trong các chương trình thời sự của Đài Truyền hình tỉnh. Đến nay, hai cơ quan chủ lực này đã có 108 tin, bài, ảnh, ý kiến đóng góp và 18 phóng sự truyền hình, 9 phỏng vấn... Nhờ làm tốt công tác này nên các tầng lớp nhân dân đã tiếp cận được các nội dung đóng góp, hiểu được mục đích, ý nghĩa khi tham gia góp ý, không nghe theo các luận điệu xuyên tạc của các phần tử xấu.

Sau hơn 2 tháng triển khai việc lấy ý kiến đóng góp, dấu ấn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở các cấp, các ngành cũng đã được thể hiện rõ nét, vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương được phát huy và khẳng định. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 25 ngày 21/1/2013 về việc tổ chức lấy ý kiến và Quyết định 533 ngày 14/1/2013 về việc thành lập Ban Chỉ đạo lấy ý kiến của tỉnh.

Sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo tỉnh đã xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. MTTQ tỉnh, các ngành, địa phương cũng đều thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc để triển khai nhiệm vụ theo yêu cầu thực tiễn của ngành mình, địa phương mình. Thực hiện tinh thần chỉ đạo của tỉnh, tất cả các sở ngành, đoàn thể và 12/12 huyện thị, thành phố đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân một cách sâu rộng, thường xuyên và hiệu quả.

Ngoài ra, để thực hiện tốt việc triển khai lấy ý kiến nhân dân, các đơn vị lực lượng vũ trang cũng đã xây dựng kế hoạch và có phương án cụ thể để bảo vệ công tác lấy ý kiến, không để các phần từ xấu chống phá, xuyên tạc.

Tại các Hội nghị lấy ý kiến, các đại biểu luôn thể hiện được sự tâm huyết, chuyên sâu và có nhiều ý kiến xác đáng

Tại các Hội nghị lấy ý kiến, các đại biểu luôn thể hiện được sự tâm huyết, chuyên sâu và có nhiều ý kiến xác đáng

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng cao của các tầng lớp nhân dân nên việc triển khai lấy ý kiến đóng góp đã đạt được nhiều kết quả tốt, được đoàn kiểm tra của trung ương đánh giá cao. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 612 hội nghị và 2.100 buổi họp, sinh hoạt ở cấp xã để lấy ý kiến đóng góp; cấp huyện đã tổ chức được 12 hội nghị triển khai, 36 hội nghị và hội thảo chuyên đề, 98 cuộc tọa đàm để lấy ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, đại biểu HĐND cấp huyện; Ban chỉ đạo và các sở ngành, đoàn thể cấp tỉnh triển khai 1 hội nghị cốt cán, 1 hội thảo chuyên đề, 5 cuộc làm việc với các cơ quan thường trực và 11 buổi làm việc để lấy ý kiến.

Qua đó đã tiếp nhận được khoảng 241.000 ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân nhân, trong đó: Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp có 2.596 ý kiến gửi qua bưu điện và email, trên 150 ngàn ý kiến góp ý trực tiếp tại các hội nghị, ngàn ý kiến được thực hiện theo các hình thức khác; Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã ghi nhận được 57.398 ý kiến góp ý , trong đó có 30 ngàn ý kiến của cán bộ, CNVC, người lao động do các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh tiếp nhận và 27.398 ý kiến của nhân do cấp xã và cấp huyện tiếp nhận...

Nhìn chung, các ý kiến đóng góp đều có chất lượng, chuyên sâu, đầy đủ ở các chương, điều, khoản và thể hiện được sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như các tầng lớp nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast