Mạo danh “góp ý” Dự thảo sửa đổi Hiến pháp - Việc làm cần lên án!

Thời gian qua, việc lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thật sự là một đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng. Đã có hàng trăm ngàn ý kiến đóng góp vào bản dự thảo rất tâm huyết, qua đó góp phần tích cực xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, vững mạnh.

Mạo danh “góp ý” Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là việc làm cần lên án!
Mạo danh “góp ý” Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là việc làm cần lên án!

Ở Hà Tĩnh, nhiệm vụ này đã được cấp ủy, chính quyền triển khai nghiêm túc, công khai, dân chủ, thu hút được sự tham gia đóng góp ý kiến của đông đảo tầng lớp nhân dân, từ đó tạo sự đồng thuận cao, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên một số trang mạng trong và ngoài nước có đề cập đến bản danh sách với hàng ngàn người trên cả nước ký tên vào bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với nội dung cơ bản “đề xuất sửa đổi Điều 4 Dự thảo Hiến pháp (1992), thực hiện chế độ đa đảng, đa dạng hóa sở hữu hóa đất đai, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang; trưng cầu ý kiến dân để phúc quyết Hiến pháp, lập tòa án Hiến pháp…

Trong bản danh sách đó, người Hà Tĩnh chiếm khá đông (hơn 10%) với thành phần là những người làm ruộng (gần 70%), học sinh, sinh viên (hơn 16%), đến các ngành nghề tự do (gần 6%), công nhân (hơn 3%); còn cán bộ, công chức trong một số ngành như Y tế, Giáo dục và một số ngành khác chiếm tỷ lệ rất ít. Để ký tên vào bản kiến nghị này, các trang mạng đó chỉ yêu cầu “… xin đồng bào trong và ngoài nước gửi e-mail về địa chỉ “kiennghi***@gmail.com”, ghi rõ họ tên, nghề nghiệp, chức danh (nếu có) và địa chỉ”.

Đơn giản là thế và bản danh sách những người được coi là người Hà Tĩnh đã kéo dài lên đến con số hơn 1.300 người, với những tên gọi và địa chỉ hết sức chung chung như: “Nguyễn Văn Hùng, sinh viên, Hà Tĩnh”; “Nguyễn Văn Chiến, công nhân, Hà Tĩnh”; “Đặng Thị Hồng, nghề tự do, Hà Tĩnh”; “Nguyễn Văn Quang, thợ nhôm kính”; “Nguyễn Công Lập, làm ruộng”; “Nguyễn Văn Thiện, học sinh”… Băn khoăn về thành phần danh sách đề cập và nắm bắt vấn đề xem có sự giả mạo chữ ký hay chỉ lấy tên, họ một cách “có chủ ý”, chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu tại một số địa phương và các đơn vị. Và kết quả xác minh đã hoàn toàn minh chứng cho một sự giả mạo mang mục đích chính trị đen tối.

Qua tìm hiểu, hầu như có rất nhiều người trùng tên và trong số đó họ cho biết là chưa hề ký hay biết đến mạng internet, nhất là những người nông dân ở Hương Khê, Hương Sơn… Về xã Hương Liên (Hương Khê) được biết nơi đây vẫn còn là một xã nghèo, với 95% người dân sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân 9,6 triệu đồng/người/năm, hầu hết người dân ở xã không hề biết đến mạng Internet, trừ những cán bộ, công chức xã. Khi được hỏi về việc đã bao giờ lên mạng để đọc tin tức hay tìm hiểu những kiến thức khác, anh Võ Hồng Thao (SN 1982, ở xóm 2, xã Hương Liên) cười trả lời: “Tôi lo làm ăn để kiếm tiền nuôi con, có thời gian đâu mà lên mạng…”. Tại xóm 4, anh Nguyễn Văn Quyền cũng cho biết: “Tôi chẳng biết sử dụng máy vi tính, nói chi đến việc vào mạng để ký tên…”.

Qua tìm hiểu ở ngành Y tế với 13 người được đề cập trong danh sách góp ý thì chỉ có 2 người trùng tên. Nhưng kết quả là 1 cán bộ không ký vì đang thời gian nghỉ sinh; trường hợp còn lại thì có ký tên vào bản danh sách “vì thấy tại một buổi lễ ở ngoài khu vực cơ quan, thấy một số người ký thì ký theo nhưng không hề biết là bản danh sách đó có nội dung gì, chỉ thấy yêu cầu ghi họ tên, chỗ ở, nghề nghiệp. Sau mới nghe mọi người nói rằng: Người chủ trì buổi lễ có đọc bản sửa đổi hiến pháp gì đó và yêu cầu mọi người ký tên vào! Và hôm đó đã có một số người ký…”. Như vậy, đã có sự kích động, xúi giục người dân ký vào bản danh sách, dù khi ký họ không biết nội dung gì, trong khi việc góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là sự tự nguyện, là quyền của tất cả mọi người.

Còn kết quả tìm hiểu tại ngành Giáo dục cho thấy: với 12 người được đề cập trong danh sách thì có 9 người trùng tên. Điều đáng nói là trong số đó không hề một ai lên mạng ký vào bản danh sách có nội dung nêu trên!

Hà Tĩnh cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước đều có con em xa quê, đi làm ăn, sinh sống, công tác trên khắp mọi miền Tổ quốc nên các trang mạng dễ dàng lợi dụng để ghi địa chỉ chung chung là “Hà Tĩnh”. Theo số liệu Sở TT&TT cung cấp thì đến năm 2012, tỷ lệ người dân Hà Tĩnh được tiếp cận Internet đạt gần 25% dân số toàn tỉnh (dân số Hà Tĩnh gần 1,3 triệu người). Vậy với tỷ lệ đó liệu có nhiều người nông dân Hà Tĩnh có thể truy cập và thông thạo sử dụng được mạng Internet để tìm đến các trang mạng này và ký tên đề xuất các nội dung sửa đổi Dự thảo Hiến pháp?

Với một bản danh sách mập mờ, cách đưa thông tin thiếu thiện chí, thiếu minh bạch, thiếu sự tôn trọng người dân và với sự xuyên tạc, giả dối trơ trẽn thì những nội dung kiến nghị đó không thể là căn cứ để sửa đổi Dự thảo Hiến pháp và không thể làm lay chuyển được ý chí, niềm tin của đông đảo người dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước cũng như vai trò làm chủ của nhân dân. Và cao hơn nữa, cách làm thiếu sự tôn trọng người dân như vậy sẽ khiến chính những người dân phản đối và quay lưng, bởi không ai có quyền “mượn danh” nhân dân để sử dụng vào mục đích không chính đáng. Đó cũng không thể và không bao giờ là cách làm quang minh, chính đại, có văn hóa chính trị. Nó rất khác với những lời kiến nghị sửa đổi Dự thảo Hiến pháp một cách công khai, dân chủ, đầy tính xây dựng của đại đai đa số người dân yêu nước.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Viết Trường cho biết: “Việc góp ý kiến của người dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là quyền của tất cả mọi người cả về cách thức và nội dung góp ý, tuy nhiên, những việc làm khuất tất, sai nguyên tắc, không mang tính xây dựng thì cần phải kiên quyết đấu tranh bác bỏ”.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến việc tham gia đóng góp ý kiến của nhiều người dân, nhất là người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn có những hạn chế nhất định. Trong khi đó, các thế lực thù địch ra sức lợi dụng đợt lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 này để chống phá Đảng, Nhà nước ta bằng nhiều thủ đoạn tinh vi...

Thời gian tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn nhiều (đến 30/9/2013). Do đó, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục xác định đây là đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng và phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia góp ý. Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường đấu tranh, vạch rõ và đập tan những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; tránh để người dân bị kẻ xấu tuyên truyền kích động, lợi dụng.

Ðối với những nội dung góp ý trái với đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cần tuyên truyền, giải thích trên cơ sở lý luận khoa học; cần tranh thủ sự góp ý của đội ngũ trí thức trong tỉnh để bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được hoàn thiện. Và đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng và thiết thực để mỗi người dân thấy được mục đích, ý nghĩa của đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast