Phải xác định rõ cơ chế kiểm soát, quyền lực của các cơ quan nhà nước

Là một công dân, tôi xin có một vài suy nghĩ góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nước ta lần này như sau:

Phải xác định rõ cơ chế kiểm soát, quyền lực của các cơ quan nhà nước ảnh 1

Thứ nhất là ở Chương I - Chế độ chính trị, Hiến pháp lần này cần có một chế định về tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng phải xác định rõ cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước, cụ thể là giữa cơ quan thực hiện quyền lập pháp, thực hiện quyền hành pháp và thực hiện quyền tư pháp… Và như vậy, khi đã quy định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thì chỉ có nhân dân - chủ thể của quyền lực nhà nước mới có thể kiểm soát được quyền lực nhà nước, mà tổ chức đại diện cho nhân dân rộng lớn nhất là MTTQ Việt Nam, là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện rộng rãi, là nơi tập hợp mọi giai cấp, mọi tầng lớp… để thực hiện nhiệm vụ hiệp thương chính trị.

Thứ hai là về vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, để phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, thiết nghĩ cần quy định rõ Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam... Trong Hiến pháp không nên dùng từ “đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”, mà dùng từ “Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội”.

Thứ ba là trong Hiến pháp của nước ta cần quy định MTTQ Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; MTTQ Việt Nam có chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tập hợp các tầng lớp nhân dân để tạo sự nhất trí về chính trị, đồng thuận xã hội và là nơi hiệp thương chính trị. Và Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam hoạt động, chứ không chỉ là tạo điều kiện hoạt động.

Thứ tư là quy định về ngày Quốc khánh, nên sửa lại là “Ngày Quốc khánh của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là ngày 2 tháng 9 năm 1945”. Không nên viết như dự thảo là “Ngày Quốc khánh là Ngày tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945”.

Thứ năm là quy định tại điều 21 “Mọi người có quyền sống”, như vậy là chưa đủ, mà cần bổ sung thêm “Mọi người có quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc” như Hiến pháp năm 1946 đã quy định và quyền này phải được đưa lên đầu của chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đây là quyền đầu tiên và là quyền cơ bản nhất của con người.

Thứ sáu là tại Chương V- Quốc hội, quy định như trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là quá dài, Hiến pháp không cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Quốc hội như vậy, mà chỉ cần chỉ rõ vai trò, vị trí, chức năng chính, chủ yếu, có tính khái quát của Quốc hội. Còn nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Quốc hội thì do Luật tổ chức Quốc hội quy định. Tương tự ở các chương quy định về Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, HĐND, UBND các cấp cũng như vậy. Hiến pháp không cần thiết phải quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan này, vì đã có các đạo luật tương ứng điều chỉnh, quy định trên cơ sở vai trò, vị trí, chức năng chủ yếu của từng cơ quan đã được thể chế trong Hiến pháp. Có như vậy, bản Hiến pháp mới gọn và mới có tính ổn định lâu dài, vì nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của mỗi cơ quan có thể thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử và khi đó việc sửa đổi, bổ sung các đạo luật điều chỉnh, quy định về cơ quan đó cũng dễ dàng, thuận lợi hơn, ít tốn kém hơn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast