365 ngày với bóng đá Việt Nam

Bóng đá Việt Nam một lần nữa đã bắt đầu với rất nhiều kỳ vọng, để rồi kết lại năm 2013 với nỗi buồn không đơn thuần chỉ là thất bại của đội tuyển U23 Việt Nam ở sân chơi SEA Games 27, mà còn rất nhiều vụ “bể” khác, ở sân chơi quốc nội, cũng như sự đi xuống có hệ thống (về thành tích) trên trường quốc tế.

Nhưng, có mở thì phải có kết. TT&VH cuối tuần sẽ cùng độc giả lược lại những được và mất của nền bóng đá trong năm qua.

Lại có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

V-League 2013, giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam khởi đi bằng với rất nhiều sự kỳ vọng, ở năm thứ 2 VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) đứng ra đăng cai. Nhưng, chuyện gì đã xảy ra?! Xi măng Xuân Thành Sài Gòn nghỉ ngang, khi giải đấu còn 2 lượt trận. Cùng với đó là hàng loạt các sự cố liên quan đến bạo lực sân cỏ, trọng tài và các vấn đề “đi đêm”.

Chuyện cũ rồi, nhưng vẫn phải nhắc lại. Khi bóng đá kim tiền không còn thịnh, từ hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính trên diện rộng, dẫn đến sự rút lui hàng loạt của các ông bầu, việc một (hay vài) câu lạc bộ nghỉ giải, không còn là chuyện mới nữa. Trước Xi măng Xuân Thành Sài Gòn, những Hòa Phát Hà Nội, Hà Nội.ACB, Navibank Sài Gòn hay Thể Công (cũ)…, cũng đã nói lời chia tay.

Vấn đề là, VPF đã được cảnh báo trước những điều đó. Rất nhiều người tin rằng, việc Xi măng Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải đã được tính đến từ lâu rồi, chứ không đơn thuần chỉ là phản ứng phụ, sau án phạt liên quan đến kết quả trận đấu với Kienlong Bank Kiên Giang. Nhưng, người trong cuộc cứ làm ngơ! Nhà tổ chức tin rằng, họ đã sẵn những phương án, để có thể “tùy cơ ứng biến”.

Chỉ trong vòng 1 năm, bóng đá Việt Nam xóa sổ đến hơn nửa tá câu lạc bộ. Sau Xi măng Xuân Thành Sài Gòn, đến lượt Kienlong Bank Kiên Giang rút lui, vì lý do tài chính. Và V-League 2014 sẽ khởi đi (vào đầu tháng 1/2014) với số lẻ các câu lạc bộ (13), mặc cho nhà tổ chức phải vội vã đôn các đội ở hạng thấp lên. Đấy là một điều dị thường về cấu trúc các giải đấu chuyên nghiệp.

Cuộc khủng hoảng thiếu trong hệ thống thi đấu xuất hiện, khi hạng Nhất 2014 cũng chỉ có nhiều nhất 8 đội bóng tham dự. Chân đế nhỏ và mỏng hơn nhiều so với phần thân và đỉnh, lẽ đương nhiên không thể kỳ vọng nhiều ở đầu ra, với các đội tuyển quốc gia. Nhưng, bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam là thế! Chúng ta vẫn “xây nhà từ nóc”, dù chắc rằng, nó phản khoa học.

Ngoài chuyện một số đội bóng nghỉ ngang, như đã nhắc, các giải đấu quốc nội còn có thêm rất nhiều những chuyện cười ra nước mắt. Ví như vụ tổ trọng tài điều khiển trận Thanh Hóa – Hoàng Anh Gia Lai bị cho là đã nhận 100 triệu đồng để làm tỷ số trận đấu, cho đến nay vẫn chỉ là nghi án; rồi vụ Trưởng và Phó phòng trọng tài bị cho thôi việc để phục vụ điều tra, lại đi vào ngõ cụt…

Bóng đá Việt Nam đúng là nhiều chuyện khôi hài. Chúng ta cất công mời bằng được chuyên gia Nhật Bản Tanabe để giúp sức cho giải đấu, nhưng sau chỉ vài tháng, ông này cáo bệnh về quê. VPF cũng “đẻ” ra Ban Tư vấn Đạo đức, nhưng không thể phát huy chức năng và sau vài vụ việc xảy ra, Ban này xem như bi bức tử.

Và thất bại được báo trước của U23 Việt Nam

Thật lạ lùng, khi một nền bóng đá, đội tuyển quốc gia không phải là ưu tiên số 1. Trong những năm lẻ diễn ra SEA Games, Đại hội Thể thao Đông Nam Á vẫn được ví là ao làng, đội tuyển U23 Việt Nam mặc định được ưu tiên. Những nhà điều hành nền bóng đá khát chiếc huy chương vàng SEA Games đến độ xem thành tích của đội bóng trẻ là thước đo năng lực (điều hành) của chính mình.

Năm 2013, như tất cả chúng ta đều đã biết, trong khi U23 Việt Nam đá SEA Games, thì trước đó, đội tuyển Việt Nam sẽ tham dự các trận đấu vòng loại Asian Cup 2015. Đội tuyển quốc gia mới là bộ mặt của nền bóng đá, nhưng thuyền trưởng Hoàng Văn Phúc lại được chỉ định “cầm” U23, thay vào đó, trợ lý – cộng sự của ông Phúc, HLV Nguyễn Văn Sỹ được điều cầm đội tuyển lớn.

Và chúng ta đã thất bại! Đội tuyển Việt Nam không kiếm được thậm chí 1 điểm, sau 5 lượt trận vòng loại, tại bảng đấu có Hongkong và UAE. Trong khi đó, trên đất Myanmar, U23 Việt Nam cũng chỉ bắt nạt được mỗi Brunei và Lào, còn lại trắng tay trước Singapore và Malaysia. Lần đầu tiên sau 12 năm, bóng đá Việt Nam bị loại ngay sau vòng bảng SEA Games.

Trên thực tế, thất bại cho U23 Việt Nam đã được dự đoán trước khi thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc lên đường tham dự SEA Games 27. Không phải bởi ông Phúc bất tài, hay năng lực hạn chế của các cầu thủ, mà chẳng có sự đầu tư nửa vời nào lại mang lại hiệu quả cao cả. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải thừa nhận rằng, năng lực cạnh tranh của nền bóng đá đang thụt lùi.

Kể từ sau lần đầu tiên và duy nhất lên đỉnh, AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam cấp độ đội tuyển quốc gia đã liên tục lụn bại ở các giải đấu cấp khu vực. Nhiều người tin rằng, đó là sự đi xuống có hệ thống của nền bóng đá, nhưng ít ai để ý, tác nhân chính phải là những người điều hành. Một nền bóng đá từng xưng vương, không thể dễ dàng đầu hàng như thế, trong một khoảng thời gian ngắn.

Không ai mong mỏi điều tồi tệ, nhưng thi thoảng, điều tồi tệ vẫn đến! Bóng đá trước khi trở thành một môn thể thao vị thành tích và là ngành công nghiệp giải trí hái ra tiền, nó đơn thuần chỉ là một trò chơi. Nhưng khi mà trò chơi ấy phục vụ “lợi ích nhóm”, nó trở thành một miếng bánh, khiến tất cả phải tranh giành. Há chẳng phải đã và đang có những chiến dịch lobby cho chiếc ghế chủ tịch VFF?!

Đội tuyển U23 Việt Nam hay cao hơn là đội tuyển Việt Nam thất bại, xem ra chẳng phải là vấn đề quá lớn. Đấy là với một vài người!

Có một chi tiết không nhiều người để ý và cho rằng nó đáng để lưu tâm, đó là, bóng đá Việt Nam trong năm 2013 thực sự rất hỗn mang. Trong khi những nhà điều hành quá bận bịu về các chiến dịch lobby tên tuổi, chạy đua đến chiếc ghế quyền lực, thì cũng khoảng thời gian này, ưu tiên “người Việt dùng hàng Việt” chỉ là cái cớ. Các HLV nội, như lịch sử nền bóng đá đã chứng minh, chưa bao giờ đủ tầm để lèo lái đội tuyển quốc gia. HLV Hoàng Văn Phúc được chọn càng cho thấy những hoài nghi là có cơ sở!

Tùy Phong
Nguồn: TT&VH cuối tuần

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast