Bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể: Chuyện như chưa bắt đầu!

Năm 2009, sau nhiều nỗ lực của Bộ VH–TT&DL, ca trù của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Lẽ ra, sau khi được UNESCO công nhận, ca trù sẽ nhận được chính sách hỗ trợ để các nghệ nhân và các CLB duy trì và phát huy vốn cổ nhưng đến nay câu chuyện “cần được bảo vệ khẩn cấp” này vẫn đang là một ẩn số.

Nghịch lý chuyện “cần được bảo vệ khẩn cấp”

Khi Thạch Hà là cái nôi của hát ca trù đã không còn tồn tại thì Nghi Xuân được coi là miền đất cổ của điệu hát này. Tuy không còn sân khấu biểu diễn và không gian sinh hoạt như trước nhưng trong đời thường họ vẫn hát cho nhau nghe rồi truyền dạy cho con cháu. Những cố Mơn, cố Nga, cố Bình… lần lượt được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian và trở thành chỗ dựa vững chắc cho việc khôi phục và bảo tồn vốn văn hóa quý báu này.

Ca trù Cổ Đạm (Nghi Xuân)
Ca trù Cổ Đạm (Nghi Xuân)

Cán bộ văn hóa Nghi Xuân thời kỳ ấy còn lặn lội đến tận từng thôn, xóm vận động những người có giọng hát tốt đến học tại nhà các cố. Rồi dần dần CLB ca trù Cổ Đạm, CLB ca trù Nguyễn Công Trứ lần lượt ra đời. Suốt những năm tháng ấy, trò cơm đùm, cơm nắm đến nhà thầy học miễn phí với niềm say mê tuyệt đối.

Những tưởng, ca trù thế là đã trở lại mạnh mẽ và vững chắc. Nhưng không phải ca nương, kép đàn nào kinh tế cũng ổn định để toàn tâm, toàn ý cho ca trù, hơn nữa, từ phía Nhà nước cũng chưa hề có sự hỗ trợ nào. Được biết, từ khi bắt đầu manh nha khôi phục và bảo tồn thể hát đến nay, ngoài nguồn hỗ trợ ít ỏi của Công ty Ford và 50 triệu đồng của Báo Gia đình xã hội thì cả 2 CLB ca trù đều không nhận được nguồn kinh phí chính thức nào. Từ 50 triệu đồng hỗ trợ ấy, các CLB đã mua sắm trang phục, nhạc cụ và dành cho các đợt tập huấn cũng như trang trải hoạt động trong nhiều năm.

Bà Phan Thư Hiền – Phó Giám đốc Sở VH–TT&DL cho biết: “Hiện nay, kinh phí đang là vấn đề khó khăn nhất, liên quan đến sự tồn tại và phát triển của các CLB cũng như sự gắn bó của các ca nương nên chúng tôi rất lo lắng cho tương lai của ca trù. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi cũng chưa tìm được nguồn nào phù hợp”.

Ngày xưa, các nghệ nhân sống bằng nghề hát. Gánh hát đi tới đâu là có khán giả ở đó, họ say mê thưởng thức các làn điệu ả đào và thưởng hậu cho các ca nương thanh sắc. Ngày nay, không gian sinh hoạt đó không còn nên các thành viên CLB đều phải tự bỏ tiền túi để duy trì vốn cổ. Nhiều năm nay, cùng với sự ra đi của các cố nghệ nhân, các ca nương cũng bỏ chiếu. Đào nương Dương Thị Kim Nết là người say đắm ca trù và từng đoạt HCV Liên hoan ca trù toàn quốc. Thế nhưng, chuyện cơm áo đã khiến chị đành lòng đứt đoạn với niềm đam mê của mình. Đến nay, ở Nghi Xuân, CLB ca trù Cổ Đạm gần như đã hoàn toàn tan rã, còn CLB ca trù Nguyễn Công Trứ thì cũng đang trong giai đoạn gắng gượng.

Một trong những khó khăn nữa khiến các ca nương, kép đàn không còn mặn mà với chiếu hát là thiếu sân khấu biểu diễn. Ca trù là một thể hát đòi hỏi nhiều yếu tố bản năng và kỹ thuật. Học được một bài ca trù có khi mất hàng tháng trời. Thế nhưng, lắm khi học xong chẳng biết hát cho ai nghe ngoài những người cùng CLB. Nghi Xuân là vùng đất du lịch nhưng việc kết nối giữa các khu, điểm du lịch với “đặc sản” ca trù chưa được chú trọng. Hiện nay, ngoài liên hoan ca trù toàn quốc được tổ chức 2 năm 1 lần, còn nữa ca trù chỉ được lên sân khấu những hoạt động văn nghệ quần chúng nhờ sự linh động sắp xếp, xen kẽ của cán bộ văn hóa.

Những khó khăn về kinh phí cũng như sân khấu biểu diễn đã khiến ngọn lửa đam mê ca trù trong lòng người dân Nghi Xuân dần lụi tắt. Và xem ra cụm từ “cần được bảo vệ khẩn cấp” mà UNESCO dành cho di sản văn hóa phi vật thể này đang tạo ra một nghịch lý ở miền đất hát Nghi Xuân.

Chông chênh câu ví…

Không kén người hát, người nghe và sân khấu biểu diễn như ca trù, dân ca ví, giặm đang dần trở lại trong đời sống sinh hoạt tinh thần của nhân dân trên diện rộng. Hiện nay, cả 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đang nỗ lực khôi phục, lập hồ sơ trình UNESCO công nhận dân ca ví, giặm là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Dân ca ví, giặm cần được trả lại tính dân dã, mộc mạc dù đó là tiết mục biểu diễn trên sân khấu.
Dân ca ví, giặm cần được trả lại tính dân dã, mộc mạc dù đó là tiết mục biểu diễn trên sân khấu.

Trong cuộc chạy nước rút lập hồ sơ, hầu hết các xã đều được hướng dẫn thành lập các CLB dân ca ví, giặm nhưng thực chất có rất ít CLB hoạt động như quy chế đã đề ra. Cẩm Xuyên có 27 CLB nhưng chỉ một số hoạt động thường xuyên như CLB Cẩm Mỹ, Cẩm Nhượng, Cẩm Lạc, còn hầu hết hoạt động của các CLB đều mang tính thời vụ, “cú nhát”. Đó cũng là tình hình chung của tất cả các huyện. Thậm chí, như CLB Cẩm Mỹ chưa bao giờ được xuất hiện trong các chương trình văn nghệ quần chúng của địa phương.

Các kỳ liên hoan dân ca ví, giặm toàn tỉnh, hầu hết các CLB đều phải thuê người dàn dựng, dạy hát, chính vì thế, màu sắc sân khấu quá đậm, nhầm lẫn trang phục cũng như làn điệu… Hầu hết các CLB được chọn tham gia liên hoan đều có “hạt nhân văn nghệ” của huyện. Thế nên, năm ngoái, CLB này biểu diễn khán giả cũng gặp diễn viên ấy, năm sau, CLB khác biểu diễn cũng thấy diễn viên này trong danh sách thành viên. Về lâu dài, cách làm ấy sẽ không giúp dân ca ví, giặm phát triển như mong muốn.

Chị Trần Thị Cảnh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghi Xuân cho biết: “Ở Nghi Xuân hiện có 19/19 CLB dân ca ví, giặm nhưng hầu hết đều tồn tại hữu danh vô thực vì thiếu nhân lực. Trong điều kiện không được hỗ trợ kinh phí như hiện nay, dẫu chúng tôi cũng đã bỏ nhiều công sức xuống cơ sở thuyết phục bà con nhưng không phải ở đâu cũng thành công”. Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh cho rằng: “Để dân ca ví, giặm phát triển bền lâu và bảo tồn được nguyên gốc, thì tỉnh nên xây dựng các vùng trọng điểm và cần coi trọng, nuôi dưỡng các nghệ nhân. Ví, giặm muốn bảo lưu tốt nhất là bảo lưu trong dân gian. Nên chọn một vùng nào đó và xây dựng thành bảo tàng tự nhiên. Hà Tĩnh nên chọn vùng Nam Khê, xã Thạch Khê vì nơi đó người dân vẫn còn mặn mà với câu hát dân ca”.

Trong bối cảnh dân ca ví, giặm mất sân khấu tự nhiên do sự thay đổi của đời sống xã hội thì việc bảo lưu, phát triển cũng cần phải dựa trên những quan điểm và tư tưởng mới. Khi xã hội đã thay đổi, tập tục sinh hoạt xưa cũng không còn như cũ thì không có cớ gì bắt ép thế hệ trẻ khắp nơi phải hát dân ca như ngày xưa các cụ đã hát. Ở đâu có người đam mê ví, giặm họ sẽ tự tìm đến nhau và thành lập CLB và tự mời nghệ nhân truyền dạy, hướng dẫn. Đó sẽ là cách bảo tồn, phát triển tự nhiên nhất.

Nghệ nhân là điểm tựa vững chắc cho công tác bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm, tuy nhiên, số nghệ nhân thực sự như ông Khánh Cẩm (Cẩm Minh – Cẩm Xuyên), Văn Minh (TP Hà Tĩnh), Vũ Thị Thanh Minh (Cẩm Mỹ - Cẩm Xuyên) bây giờ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Quan trọng là thế, nhưng hiện nay, các nghệ nhân không hề nhận được sự hỗ trợ nào cho các hoạt động tại các CLB. Nghệ nhân Vũ Thị Thanh Minh cho biết: “Mặc dù CLB dân ca ví, giặm Cẩm Mỹ có chủ nhiệm nhưng hầu như tôi phải đứng ra lo toan mọi chuyện, từ tổ chức tập hát đến viết lời, dàn dựng tiết mục, thậm chí có khi phải tự bỏ tiền túi để thuê quần áo, thu lời, in đĩa mỗi lần biểu diễn”. Hầu hết họ chỉ tham gia biểu diễn và truyền dạy bởi niềm đam mê cháy bỏng với câu hát quê hương.

Lời kết

Hà Tĩnh là vùng đất kết tinh nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Đối với những di sản đã được UNESCO công nhận và đang đề nghị công nhận thì cần có cơ chế, chính sách, lộ trình bảo tồn, phát triển cụ thể, rõ ràng chứ không phải chỉ hô hào là coi như xong. Giữ gìn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể như thế nào, phát huy ra sao, ở mức độ nào, đang cần sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự chung tay của các ngành liên quan và vai trò của ngành chủ quản.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast