Bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hoá ca trù

Năm 1993, lần đầu tiên Việt Nam có quần thể kiến trúc Cố đô Huế được UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới. Từ đó đến nay, sau 18 năm, nước ta đã có 12 danh hiệu mà UNESCO công nhận cho nhiều loại hình di sản.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này,nhà giáo Nguyễn Huy Minh (Can Lộc) cho rằng, từ trước đến nay đang có những hiểu nhầm đáng tiếc về danh hiệu, đặc biệt là những danh hiệu mà quốc tế công nhận trong lĩnh vực di sản văn hoá của một quốc gia. Đó là danh hiệu là phần thưởng tinh thần đối với một cộng đồng dân cư; danh hiệu không phải là vĩnh viễn; danh hiệu gắn với những trách nhiệm, và cuối cùng danh hiệu có tích cực và tiêu cực.

Hà Tĩnh là cái nôi ca trù được UNESCO công nhận
Hà Tĩnh là cái nôi ca trù được UNESCO công nhận

Theo ý thầy Minh, mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ về những danh hiệu mà UNESCO công nhận những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của nước ta bấy lâu nay. Ta có nhiều danh hiệu tích cực và cả danh hiệu “tiêu cực” (hiểu từ tiêu cực một cách tương đối). Giải thích nôm na để hiểu, về tích cực đó là những nét văn hoá (hoặc công trình văn hoá) độc đáo tiêu biểu cho một dân tộc,một cộng đồng dân cư mà mọi người trên thế giới nên biết, nên tìm hiểu; về “tiêu cực” đó là những nét văn hoá (hoặc công trình văn hoá) hiện đang có nguy cơ mất đi vĩnh viễn mà mọi người trên toàn thế giới phải chung tay gìn giữ,cần “bảo vệ khẩn cấp”. Trường hợp di sản cần “bảo vệ khẩn cấp”, ví như Ca trù của Việt Nam,nếu được phục hồi, “sống mạnh”, được cộng đồng chăm lo bảo tồn rồi thì UNESCO sẽ rút “lời khuyến cáo” về bảo tồn khẩn cấp .

Ai cũng cần phải nhớ rằng, những danh hiệu của UNESCO thường kèm theo những trách nhiệm nhất định. Về phía cộng đồng quốc tế, họ có trách nhiệm đối với những danh hiệu mà họ công nhận thông qua UNESCO. Đó là ràng buộc về những quy định bảo tồn;là một chút kinh phí khuyến khích bảo tồn;là sự quảng bá mọi người tới chiêm ngưỡng, hiến tặng tài lực giúp cho việc bảo tồn tốt hơn. Trong điều kiện của ta, nếu chưa được nhiều người trên thế giới biết đến thì danh hiệu chính là những cầu nối giữa ta với thế giới. Điều quan trọng là cái cầu nối đó có vững chắc và tốt đẹp lên được hay không là do những việc làm cụ thể của ta đối với di sản của chính mình. Bởi để làm hết những trách nhiệm đó không phải dễ, do tài trí vật lực của ta còn nghèo,công nghệ còn lạc hậu…Song, cốt yếu nhất cần phải luôn thể hiện: chúng ta là người có trách nhiệm với danh hiệu.

Nghệ nhân ca trù Cổ Đạm (Nghi Xuân)
Nghệ nhân ca trù Cổ Đạm (Nghi Xuân)

Trở lại vấn đề di sản Ca trù , cách đây 2 năm, tháng 10/2009, UNESCO công nhận Ca trù của Việt Nam(trong đó Hà Tĩnh là một trong những cái nôi) là di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Sở dĩ như vậy bởi dù đã được phục hồi trong những năm gần đây, nhưng nguy cơ thất truyền những bài bản,thể cách của Ca trù xưa đang đặt ra như là một thách thức không dễ gì giải quyết.

Ông Phan Văn Hoà (Nghi Xuân) cho biết: Ca trù thể hiện một ý thức về bản sắc và sự kế tục trong nghệ thuật biểu diễn, có tính sáng tạo, được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các tổ chức giáo phường.Mặc dù trải qua nhiều biến động, lịch sử, xã hội nhưng Ca trù vẫn có một sức sống riêng bởi giá trị nghệ thuật đối với văn hoá Việt Nam. Ca trù đã được kiểm kê và thuộc lĩnh vực quản lý chuyên môn của Viện âm nhạc - Bộ VHTT-DL. Điều này cho thấy, trách nhiệm và cam kết của quốc gia đối với việc bảo vệ di sản.

Trong phạm vi tỉnh ta, chúng tôi mong UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, trước hết là Sở VHTT-DL có biện pháp bảo tồn, phát huy vốn Ca trù vì đây là di sản cần được “bảo vệ khẩn cấp” như lời khuyến cáo của UNESCO. Có như vậy mới góp phần vào việc xây dựng thành công nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc như đường lối của Đảng đã vạch ra; làm cho thế giới hiểu được tinh thần trách nhiệm của chúng ta đối với danh hiệu đã được công nhận.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast