Bí mật về những người hùng đội tuyển bóng đá nữ Nhật Bản

Có 2 thành viên của ĐT nữ Nhật Bản trong chiến thắng lịch sử của họ trước ĐT Mỹ ở trận chung kết World Cup bóng đá nữ 2011 đã trực tiếp trải qua những thời khắc khủng khiếp của thảm họa động đất và sóng thần. Họ là Aya Sameshima và Karina Maruyama, những cô gái mang theo khát vọng và tinh thần chiến đấu của đội bóng xứ hoa anh đào.

Trong hàng triệu người có mặt ở buổi lễ mừng công của ĐT nữ Nhật Bản, có rất nhiều đã từng là công nhân của nhà máy hạt nhân thuộc thành phố Fukushima đã bị sập vì thảm họa sóng thần và động đất hồi giữa tháng 3 vừa qua. Họ tới để ăn mừng chức vô địch thế giới cùng ĐT đồng thời để chia vui với hai cô gái từng là đồng nghiệp của họ: Aya Sameshima và Karina Maruyama.

Các cô gái Nhật Bản trong lễ mừng công ở Tokyo - Ảnh AP
Các cô gái Nhật Bản trong lễ mừng công ở Tokyo - Ảnh AP

Ngôi sao sáng nhất của ĐT Nhật Bản trong trận chung kết cúp thế giới là thủ quân Homare Sawa. Tác giả của bàn thắng gỡ hòa 2-2 trong trận chiến ở Frankfurt gần như chắc chắn sẽ giành giải cầu thủ nữ xuất sắc nhất châu Á của năm nay. Tuy nhiên, những người để lại dấu ấn lớn nhất của World Cup 2011 lại là Sameshima và Maruyama.

Từ thảm họa thiên nhiên đến World Cup

Maruyama, một tiền vệ, và Sameshima, một hậu vệ, đã làm việc ở nhà máy hạt nhân Daiichi trước khi những trận động đất và sóng thần ngày 11/3 gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới từ sau thảm họa Chernobyl năm 1986. Hiện tại, cả Maruyama và Sameshima vẫn còn những người bạn vẫn đang phải tham gia vào công việc khắc phục hậu quả ở những vùng bị nhiễm phóng xạ hạt nhân ở Fukushima.

Có một điều chú ý là trong giáo án của HLV ĐT Nhật Bản Norio Sasaki luôn có những băng video ghi lại thảm họa đã diễn ra ở thành phố Fukushima. HLV Sasaki chiếu những đoạn băng này cho các học trò của mình xem. Mục đích của ông là muốn tạo động lực và thúc đẩy thêm tinh thần thi đấu của các cầu thủ. Trước trận tứ kết với ĐT Đức, các nữ cầu thủ Nhật đã được xem đoạn băng này và chính Maruyama, người hiểu rõ nhất những mất mát mà người dân Nhật Bản phải trải qua, đã ghi bàn thắng duy nhất để hạ đội chủ nhà trong quãng thời gian đá hiệp phụ.

Như nhiều người dân Nhật Bản khác, ông Atsushi Watanabe, một trong những công nhân đang làm việc nhằm khắc phục những sự cố hạt nhân ở thành phố Fukushima, đã bật khóc trước chiến thắng của đội nhà. Ông biết rất rõ Maruyama vì hai người cùng sống ở thành phố Fukushima. "Khi truyền thông nói về Maruyama với cuộc đời của một công nhân của nhà máy điện hạt nhân, chúng tôi đã theo dõi chương trình từ lúc bắt đầu cho đến hết. Chúng tôi có cảm giác như cô ấy thuộc về chúng tôi".

Trước khi tới nước Đức, hàng ngày Sameshima và Maruyama làm việc trong văn phòng của nhà máy điện hạt nhân thuộc tập đoàn Tokyo Electric Power Co (Tepco). Đến buổi tối, họ mới có thời gian để chơi bóng khi tập luyện cùng với CLB Tepco Mareeze (được tài trợ bởi chính tập đoàn Tepco). Chính những trải nghiệm từ thảm họa cũng như những bước tiến không thể tin được trong nỗ lực khắc phục khó khăn đã khiến cho hai cô gái này có thêm quyết tâm để tập luyện trên sân bóng. Và hình ảnh của những người công nhân đầu đeo mặt nạ, người mặc quần áo bảo hộ lao động chống phóng xạ hàng ngày nối đuôi nhau tới khắc phục sự cố hạt nhân ở các khu dân cư càng thôi thúc sự quyết tâm ấy thêm mãnh liệt hơn.

Những chiến công của Sameshima và Maruyama cùng ĐT Nhật Bản đã chứng minh cho một giai thoại đã trở thành sự thật. Đó câu chuyện của một đội bóng đến từ đất nước đang trong quá trình hồi phục sau những thiệt hại thảm khốc từ thảm họa khủng khiếp của thiên tai đã kiên cường để đối đầu với một đội bóng đến từ một siêu cường quốc về môn bóng đá nữ. Cần phải nhớ rằng, xét về tầm vóc và thể lực, các cô gái Nhật Bản không thể sánh ngang với các nữ cầu thủ Mỹ. Họ cũng đã thua ĐT Mỹ trong 25 cuộc trạm chán trước đó. Vì thế chiến thắng trước ĐT Mỹ là một kì tích với Nhật Bản. Và người dân Nhật lại nhắc đến cái tên Nadeshiko (một loài hoa màu hồng biểu trưng cho sự cứng cáp, đây cũng là biệt danh của ĐT nữ Nhật), một biểu tượng cho sự kiên cường và duyên dáng của các cô gái xứ hoa anh đào.

Họ đã chiến đấu bằng cả trái tim mình

Có khá nhiều người Nhật Bản đã không mong chờ đội bóng nữ của họ sẽ tới Frankfurt để tìm kiếm những vinh quang. Chỉ đến khi Maruyama ghi bàn vào lưới ĐT Đức, tinh thần dân tộc đã trỗi dậy trong mỗi người dân nước này.

HLV Sasaki thừa nhận rằng chiến thắng đó có ý nghĩa nhiều hơn kết quả của một trận đấu thông thường. "Bình thường tôi chỉ nói với các cầu thủ riêng về bóng đá. Nhưng sau thảm họa, thỉnh thoảng tôi cũng nói với họ rằng họ đang chơi bóng vì người dân Nhật Bản. Đó là một động lực để khiến họ quyết tâm hơn".

Maruyama thì tiết lộ rằng cô đã bật khóc khi đọc tin nhắn từ một công nhân ở nhà máy hạt nhân tại Fukushima với nội dung "hãy làm mới lại niềm ý chí để làm việc và chiến đấu cùng nhau". Ông Wantanabe thì lại tin rằng thì cho rằng Maruyama khóc là bởi cô đã vượt qua được chính mình. "Một số người đã lo ngại rằng thay vì trở thành người hùng, cô ấy sẽ bị ảnh hưởng lớn sau những gì đã diễn ra từ thảm họa. Có quá nhiều điều đen tối đã xảy ra ở Fukushima và hiện tại những nguy hiểm vẫn đang còn rình rập"

Sameshima thì tiết lộ: "Tôi muốn mình chơi tốt để dành tặng cho người dân ở Fukushima, cho những người đồng đội của tôi, những người đã mãi mãi không thể chơi bóng được nữa. Tôi muốn mình sẽ phải chơi bóng bằng chính trái tim mình".

Bằng một tinh thần chiến đấu kiên cường như thế, các cô gái Nhật Bản đã làm được những điều mà trước đó họ chưa bao giờ dám nghĩ tới. Chiến thắng ĐT Mỹ và giành chức vô địch thế giới, một giai thoại mới trong lịch sử bóng đá đã được tạo ra.

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast