Cá rô rán, đèn ông sao và trăng rằm quê tôi

Khi cả làng rộm lên bởi mùi hương lúa mới ngọt lành và âm thanh tóp tép của những chú cá rô đớp cào cào giữa những bãi ruộng ăm ắp nước, lềnh bềnh rơm rạ sau vụ gặt ấy là khi tất thảy lũ trẻ ở làng tôi biết tết trung thu sắp đến gần...

Khi chị Hằng Nga mới thò cái lưỡi trai ra trên ngọn tre xanh là lũ trẻ làng tôi đã bắt đầu háo hức, chờ đợi. Chờ đợi cho đến ngày vành vạnh trăng tròn... Sự chờ đợi ấy thật khó có thể giải thích nổi. Nó vừa từa tựa cái cảnh ra ngõ ngóng mẹ về nấu cơm chiều mặc cho muỗi bay như cát ném vào mặt của những năm tháng khốn khó, vừa lại giông giống cái cảnh thấp thỏm đêm đêm tính ngày lúa chín của bà...

Trong suốt cả quãng ngày như thế là cả một sự chuẩn bị đầy bận rộn. Ấy là mặt nạ làm bằng mo cau, đèn ông sao được làm từ tre và giấy màu... rồi thì đến tập văn nghệ, kèn trống hì hục suốt đêm ngày...

Ngày rằm. Từ bốn giờ chiều mâm cỗ mặn đã được người lớn bày ra cho lũ trẻ xơi. Trong “bữa tiệc” “giữa làng” được bày biện ở cái sân kho của hợp tác xã ấy không thể thiếu một thứ “đặc sản” khá dễ kiếm ở làng tôi đó là cá rô rán. Những chú ra rô to phèng, béo rộm được rán vàng ươm chấm với nước mắm tỏi bắc ngang trên bát cơm mới nóng hôi hổi... nghĩ đến giờ vẫn thòm thèm. Cá rô tháng tám gặp mưa xương mềm, lại lắm cào cào, châu chấu nên con nào con nấy béo ụ, lại được rán bằng mỡ lợn (thời ấy không có dầu ăn như bây giờ) ăn vừa giòn, vừa béo, vừa ngọt đầu lưỡi.

Sau “bữa tiệc”, người lớn thu dọn nhanh chóng để “cải tạo” sân kho thành ... sân khấu phục vụ cho đêm hội. Đêm hội được bắt đầu khoảng 6 giờ tối. Có lẽ vui nhất trong đêm hội trung thu là lễ rước đèn ông sao quanh làng. Đi đầu đoàn là chiếc đuốc sáng rực, rồi đến một chiếc đèn ông sao lớn được hai đứa to khỏe nhất thay nhau “vác” và theo sau là lũ trẻ quần áo chỉnh tề, khăn quàng đỏ trên vai, đèn ông sao, đèn lồng rủng rỉnh vừa đi vừa trống kèn inh ỏi. Vui đáo để!

Trăng rằm đã sáng lại tròn. Tiếng trống hội, tiếng hát của đêm trung thu cứ vang xa bên những bờ tre yên bình, trong đằm sâu hương lúa, tưởng chẳng lúc nào dứt...

Làng tôi nay đã đổi khác nhiều, nhưng cái nếp cũ của ngày tết trông trăng vẫn ăm ắp. Trung thu vừa rồi, tôi về quê vẫn thấy cỗ mặn “giữa làng” với món cá rô rán “truyền thống” ăn với cơm mới đến no nê mà vẫn thòm thèm trên miệng của những đứa trẻ no đủ. Vẫn rổn rang, inh ỏi lễ rước đèn ông sao - những chiếc đèn được làm bằng thủ công từ bàn tay của người làng tôi.

Đêm trăng rằm tuyệt không ánh đèn cao áp, khói bụi ồn ã, không đèn lồng, đèn ông sao bằng nhựa của người Tàu sản xuất chuông kêu ngọng nghịu, líu la. Chỉ có trăng rằm vằng vặc soi qua qua lũy tre xanh và tiếng trống, tiếng hát “tùng dinh dinh, tùng tùng dinh dinh”... vang xa, vang xa như nếp quê bao đời được người làng tôi gìn giữ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast