Để công tác quản lý lễ hội đi vào nền nếp

(Baohatinh.vn) - Mùa xuân - thời khắc bắt đầu của một năm mới là lúc những phong tục tập quán dân gian được khơi dậy mạnh mẽ nhất thông qua các lễ hội...

Thực hiện tốt Chỉ thị 20 của Tỉnh ủy, công tác tổ chức lễ hội ngày càng chặt chẽ. Ảnh: Sỹ Ngọ
Thực hiện tốt Chỉ thị 20 của Tỉnh ủy, công tác tổ chức lễ hội ngày càng chặt chẽ. Ảnh: Sỹ Ngọ

Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thông qua lễ hội thể hiện tình cảm, trí tuệ, lẽ sống, khuynh hướng thẩm mỹ và khát vọng vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ của nhân dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, một số hiện tượng tiêu cực, làm xói mòn giá trị tốt đẹp của lễ hội vẫn đang tồn tại như: tệ nạn đánh bạc, lạm dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan...

Trước tình hình đó, ngày 20/3/2012, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 20 về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Nhờ thực hiện Chỉ thị 20 của Tỉnh ủy, công tác tổ chức lễ hội đã được quản lý tốt hơn. Các lễ hội vẫn hấp dẫn và thu hút đông đảo khách thập phương. Và mùa xuân nhờ đó thêm ý nghĩa hơn trong lòng người…

Mỗi năm Hà Tĩnh có 28 lễ hội, trong đó chủ yếu tập trung vào mùa xuân. Lễ hội không chỉ thu hút người dân Hà Tĩnh mà còn thu hút du khách bốn phương về trẩy hội. Nổi tiếng nhất và đón nhiều du khách nhất chính là lễ hội chùa Hương Tích (Can Lộc), lễ tế giỗ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu và tục dâng bánh chưng thờ ngày tết (Kỳ Anh), lễ hội đền Hoàng Mười (Chợ Củi) ở Nghi Xuân, lễ hội Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ (Hồng Lĩnh), lễ tế Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi (Thạch Hà) v.v…

Ngoài những lễ hội thiêng liêng, thành kính đó, đến với các vùng quê của Hà Tĩnh, du khách còn được tham dự và chứng kiến nhiều lễ hội đậm chất văn hóa vùng miền như lễ hội cầu ngư, đua thuyền, chèo cạn ở các vùng biển, đua thuyền sông La, Trung Lương, hội chơi cờ người, cờ thẻ, đấu vật truyền thống v.v…

Là một trong những đơn vị chủ chốt trong việc hướng dẫn thực hiện chỉ thị này, thời gian qua, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh đã tập trung tuyên truyền về công tác tổ chức lễ hội để vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo nguyên vẹn những giá trị văn hóa, lịch sử của các lễ hội. Sở VH-TT&DL cũng đã ban hành sổ tay hướng dẫn thủ tục tổ chức lễ hội và đón nhận các danh hiệu Nhà nước theo nghi thức truyền thống.

Bà Phan Thư Hiền - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Bên cạnh các lễ hội, Hà Tĩnh còn là quê hương của những điệu hát cổ như sắc bùa, ca trù, chèo Kiều, dân ca ví, giặm… Trong quá trình hướng dẫn các địa phương xây dựng nội dung lễ hội, ngoài những nội dung chính về nguồn gốc lịch sử, văn hóa của lễ hội, chúng tôi cũng luôn nhấn mạnh, phải đưa các tiết mục văn nghệ dân gian vào các hoạt động chung nhằm tuyên truyền gìn giữ và là dịp để giới thiệu với du khách những giá trị văn hóa của quê nhà”.

Cùng với Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, Công an tỉnh cũng thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ của mình trong mùa lễ hội. Hàng năm, Công an tỉnh đều triển khai kế hoạch, bố trí các lực lượng phù hợp chức năng, nhiệm vụ đảm bảo an ninh trong mùa lễ hội, nhất là TTATGT, phòng chống cháy nổ.

Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Hà - Phó trưởng phòng PA83 - Công an tỉnh cho biết: “Hàng năm, trước và sau Tết Nguyên đán, chúng tôi đều thành lập đoàn kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại các địa phương nhằm nắm tình hình, thông qua đó tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh triển khai các phương án đảm bảo ANTT trong mùa lễ hội, không để các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động mê tín dị đoan, truyền đạo trái phép, tổ chức các hoạt động trái với thuần phong mỹ tục, tín ngưỡng dân gian. Đối với những trường hợp vi phạm quy định, vi phạm pháp luật, chúng tôi cũng sẽ nhắc nhở và lập biên bản xử lý”.

Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị 20 của BTV Tỉnh ủy, công tác tổ chức lễ hội đã thực sự đi vào nền nếp. Các lễ hội được tổ chức trên tinh thần tiết kiệm, gọn nhẹ mà vẫn chuyển tải được các giá trị văn hóa, tôn vinh công đức các danh nhân thờ tự, tôn vinh các nghề truyền thống. Tuy nhiên, việc tổ chức lễ hội hiện nay vẫn đang có xu hướng sân khấu hóa mà chưa thực sự hòa vào đời sống cộng đồng, một bộ phận lớn người dân vẫn chưa thực sự là chủ thể của các lễ hội vốn xuất thân từ chính đời sống của họ dẫn đến tình trạng thờ ơ, không có trách nhiệm đối với các hoạt động của lễ hội. Và, có lẽ ý thức của người đi lễ vẫn là vấn đề gây nhiều khó khăn nhất cho BQL các di tích.

Ông Phan Công Đính - Trưởng BQL di tích đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu cho biết: “Từ khi chuyển cho huyện quản lý, công tác tổ chức tại đền quy củ hơn, đội ngũ người giúp lễ (thầy lễ) được chúng tôi tuyển chọn, kiểm tra và bồi dưỡng về đạo đức phẩm chất, kiến thức về thủ tục dâng lễ, cách ứng xử với du khách và các quy định của pháp luật trong việc bảo vệ di sản văn hóa… Nhờ đó, hiện tượng tranh giành khách, chọn khách, làm mất nét đẹp văn hóa ở chốn tâm linh không còn. Tuy nhiên, ý thức của người đi lễ mới là vấn đề đáng bàn. Trong đợt cao điểm, mỗi ngày đền đón hàng nghìn lượt du khách, mặc dù đã bố trí cán bộ khá dày, thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở người đi lễ nhưng vẫn xẩy ra tình trạng xả rác, chen lấn, xô đẩy, thắp hương nghi ngút”.

Còn nhớ năm ngoái, tại chùa Hương Tích, trong ngày chính lễ, mặc dù lực lượng CSGT đường bộ, đường thủy đã hoạt động hết công suất vẫn không ngăn được tình trạng tắc đường do người đi lễ cố tình chen lấn, không chịu thực hiện theo hướng dẫn phân luồng của lực lượng chức năng. Ngoài ra, ở một số di tích cũng còn tồn tại hiện tượng bán các ấn phẩm mê tín dị đoan, múa đồng và xem bói, tuy không nhiều nhưng cũng để lại những ấn tượng không tốt đối với người đi lễ.

Nhằm hạn chế tình trạng trên, hiện nay, bộ phận thanh tra của Sở VH-TT&DL, Phòng PA83 - Công an tỉnh và đội kiểm tra liên ngành cũng đã xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác tổ chức trước, trong và sau lễ hội nhằm khắc phục những hạn chế và siết chặt hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị 20 trong mùa lễ hội.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast