Đôi bờ Kẻ Gỗ

Tôi không sinh ra bên dòng nước Kẻ Gỗ nhưng tuổi thơ lại được ngụp lặn và nuôi dưỡng bởi con nước mát lành của nó chở nặng phù sa cho ruộng đồng quê hương. Nước đã cho tôi tóc đen, làn da ngăm rám nắng, cho tôi bầu ký ức đẹp tươi mà mỗi khi bắt gặp bất kỳ dòng sông, con suối nào, chuỗi ngày tháng trẻ thơ lại ùa về ăm ắp gợi nhớ, gợi thương…

Năm 1989, giã từ mảnh đất Thanh Chương (Nghệ An) “nhút mặn chua cà”, khốn khó, gia đình tôi đến với suối nguồn Kẻ Gỗ, nơi cha đã chọn làm nghiệp đời mình. Nhà tôi được lợp nên từ những tấm tro của bà con trong thôn giúp đỡ, người cây tre, người tấm tro, nhà giúp rơm để trát đất làm tường,… Tôi còn nhớ mãi trận sốt rét khi chân ướt chân ráo vào Hà Tĩnh. Nhà ở trên dốc cao bên con kênh chính của Kẻ Gỗ nên gió cứ thốc từng cơn, bên trong không có chiếc chăn nào đủ ấm, khiến tôi rúm ró. Mẹ thương con nước mắt chảy quanh, cha xót xa khi thấy đứa con gái nhỏ bé, đen nhẻm, vật lộn với cơn bệnh nơi vùng đất mới.

Hồ Kẻ Gỗ - niềm tự hào của người dân Hà Tĩnh. Ảnh: Bá Tân
Hồ Kẻ Gỗ - niềm tự hào của người dân Hà Tĩnh. Ảnh: Bá Tân

Năm tháng qua đi, nhờ dòng nước Kẻ Gỗ, chúng tôi rắn rỏi, phổng phao. Mùa nước về, sáng sớm, dòng kênh lấp lánh như dải lụa; mặt trời lên cao, dòng kênh lại mang một màu vàng óng chở nặng phù sa vun đắp cho những cánh đồng; chiều tà, con nước như lắng lại, xanh màu cửu long. Khi đọc “Người lái đò Sông Đà” của Nguyễn Tuân, tôi lại liên tưởng đến con kênh trước ngõ nhà mình. Nó không dữ dội, gào thét hay dàn trận như sông Đà mà mang trong mình vẻ đẹp thơ mộng khiến bao người khi xa phải nhung nhớ.

Con kênh quê tôi còn là nơi sinh hoạt của bao người dân trong vùng. Người giặt quần áo, người tắm gội, người xách nước,… nhộn nhịp cả một vùng. Những chiều hè oi ả, bên dòng nước trong xanh, lũ con trai thi nhau lặn ngụp, con gái buông tóc thề gội đầu, khung cảnh thật đẹp và yên bình. Mùa nước vơi, con kênh không kém phần nhộn nhịp khi người lớn thả câu, buông lưới, trẻ nhỏ cất rớ, mò cua… Những đêm hè mát mẻ, tôi cùng lũ bạn quanh xóm Cầu Máng đi đặt rớ để cất tôm, cá. Mặc cha mẹ cấm đoán, lũ chúng tôi thường cất rớ đến 11h đêm mới tan. Tôm tép không ăn hết, chúng tôi bán cho người qua đường hoặc đem phơi khô để dành. Cứ thế, kênh dường như không bao giờ ngơi nghỉ. Con gái, con trai trong xóm bờ kênh đứa nào cũng biết bơi, biết lặn, dòng nước sắc nên trẻ nhỏ cũng mang màu da bánh mật, rám nắng.

Cha và anh tôi theo nghề thủy lợi, hơn 30 năm gắn bó với dòng nước Kẻ Gỗ, nay người đã về hưởng thú thanh nhàn bên cạnh con kênh. Dòng kênh giờ đã khác xưa nhiều, hai bên bờ và lòng kênh đã được bê tông hóa vững chãi, con đường phía trên cũng được xây dựng to đẹp hơn. Thế mà, tôi như người hoài cổ, mãi luyến tiếc về đôi bờ cỏ xanh ngày trước với con đường biên hòa màu đỏ uốn quanh như một bức tranh thủy mặc yên bình. Nay hai bên bờ, hàng quán cũng không tấp nập và người dân không còn sinh hoạt bên con kênh nhiều như trước, tất cả đã nhường chỗ cho một nhịp sống mới hối hả, hiện đại hơn.

Dòng Kẻ Gỗ vẫn ngày đêm tắm mát ruộng đồng, vẫn miệt mài với một năm mấy vụ gieo cấy của bà con. Theo dòng chảy cuộc sống, những đứa trẻ ngày trước, nay mỗi người một xứ. Trẻ con ngày nay ít được tắm sông hồ nên con kênh cũng thưa bóng người. Còn với tôi, con kênh quê hương là mạch nguồn yêu thương, là mối tình đầu không dễ gì phai nhạt.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast