ĐTVN với cầu thủ nhập tịch: Cần hay không?

Trong lúc thất bại của ĐTVN tại AFF Suzuki Cup 2010 cho tới nay vẫn chưa được VFF mổ xẻ hay đứng ra nhận trách nhiệm, thì mới đây Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ lại phát biểu trên báo chí rằng ĐTVN cần có ngoại binh nhập tịch. Quan điểm của ông Hỷ đã nhận được cả sự tán thành cũng như phản đối, nhưng liệu ĐTVN có thực sự mạnh hơn nhờ ngoại binh nhập tịch?

Rằng hay cũng thật là hay

Trước hết cần phải khẳng định rằng, trong thời buổi toàn cầu hoá như hiện nay, xu hướng có nhiều cầu thủ mang gốc gác nước ngoài tham gia ĐTQG là điều khó tránh khỏi, và gần đây dường như đã phát triển thành một trào lưu tất yếu, mà không chỉ gói gọn trong lĩnh vực bóng đá. Bằng chứng là ở Asian Games 16 tại Quảng Châu vừa qua, các quốc gia vùng Vịnh như Qatar, Bahrain đã gần như thống trị tuyệt đối trên các đường chạy cự ly trung bình nhờ các tài năng nhập tịch từ Kenya, Ethiopia hay Nigeria…

Ở Đông Nam Á, Singapore với chính sách nhập tịch ngoại binh đã 2 lần liên tiếp đoạt chức vô địch AFF Cup trong 2 năm 2004 và 2007, và cho tới nay, dàn ngoại binh đó vẫn chiếm vị trí trụ cột ở ĐT Singapore. Còn tại AFF Suzuki Cup 2010, Philippines, đội bóng được coi là hiện tượng của giải, cũng được nâng cấp chất lượng tới mức kinh ngạc nhờ sự xuất hiện của 6 ngoại binh nhập tịch.

Gonzales đã phải chờ 6 năm để được nhập quốc tịch Indonesia. Ảnh: Getty
Gonzales đã phải chờ 6 năm để được nhập quốc tịch Indonesia. Ảnh: Getty

Và dĩ nhiên không thể không kể tới Indonesia với cặp tiền đạo gốc ngoại Christian Gerard Alfaro Gonzales-Irfan Haarys Bachdim, trong đó Gonzales là người đang dẫn đầu danh sách ghi bàn của giải, và 2 trong số 3 bàn của Gonzales thực hiện ở giải này đều là những pha xử lí ít thấy, hay nói chính xác hơn là không thể thấy, ở các chân sút Đông Nam Á “xịn”. Chứng kiến phong độ chói sáng của Gonzales, ông Andi Mallarangeng, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao, đã nói: “Những cầu thủ nhập tịch như Gonzales rõ ràng đã có đóng góp cực lớn cho đội bóng, nhờ thế mà các cầu thủ bản địa có động lực để thi đấu máu lửa hơn. Nếu mọi việc tốt đẹp thì trong tương lai có thể sẽ có thêm ngoại binh nhập tịch cho ĐT Indonesia”.

Ngoại binh nhập tịch không phải thuốc tiên

Nhưng ngoại binh nhập tịch không phải là liều thuốc thần diệu để biến nàng Lọ Lem trở thành công chúa kiều diễm chỉ sau một đêm. Trước khi tiến hành nhập tịch cho các ngoại binh, Singapore cũng đã giành chức vô địch bóng đá Đông Nam Á năm 1998 với dàn cầu thủ “cây nhà lá vườn”, và sau 2 chức VĐ ĐNA năm 2004 và 2007, từ bấy đến nay, bóng đá Singapore vẫn chưa cho thấy diện mạo sáng sủa hơn. Không những thế, Singapore đều thất bại ở 2 kỳ AFF Suzuki Cup lần nhất, thậm chí còn không qua nổi vòng bảng ở AFF Suzuki Cup 2010.

Còn Indonesia, tuy rằng thầy trò HLV Alfred Riedl được hưởng lợi rất nhiều từ Gonzales, nhưng nên nhớ rằng chân sút gốc Uruguay này đã có 7 năm chơi bóng ở Indonesia, đã lấy vợ người Indonesia và sinh ra 2 đứa con cùng với người vợ này, và thực tế Gonzales cũng phải chờ tới 6 năm mới được cấp quốc tịch Indonesia.

Trong khi đó, ở VN hiện nay, có tổng cộng 14 ngoại binh nhập tịch, nhưng chỉ có 2 trong số đó nhập tịch theo cách thức tự nhiên (gồm Kesley Alves và Đinh Hoàng Max), là thành hôn với một phụ nữ VN, như Gonzales bên Indonesia mà thôi, còn 11 người khác đều được cho nhập quốc tịch với mục tiêu duy nhất là thêm 1 suất “Tây” trên sân cho đội bóng của mình.

Trong số 4 đội bóng có mặt ở vòng bán kết AFF Suzuki Cup 2010, Gonzales là người duy nhất không có chút xíu yếu tố “máu đỏ da vàng” nào trong huyết quản, còn Irfan cũng có nửa dòng máu Indonesia và tương tự như vậy là 6 ngoại binh nhập tịch của Philippines. Điều đó cho thấy không phải quốc gia Đông Nam Á nào cũng hào hứng với việc để những “ông Tây mũi lõ” 100% đứng trong hàng ngũ ĐTQG của mình.

Chẳng cần nói xa xôi, Malaysia chính là tấm gương điển hình, họ không ngoại binh nhập tịch, thậm chí cả không ngoại binh ở giải VĐQG, nhưng Malaysia vẫn giành HCV SEA Games và mới đây đã vượt qua chính ĐTVN để vào chung kết. Nên nhớ rằng Malaysia đến với AFF Suzuki Cup 2010 bằng đội hình mới gần như 100% so với trước đó 1 năm, vì hầu hết lứa cầu thủ giành HCV SEA Games 25 đều vắng mặt ở giải này do bị chấn thương.

Phải chăng như thế là đủ để đưa ra câu trả lời, ĐTVN có cần cầu thủ nhập tịch hay không?

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast