Đức Tùng và Tướng Giáp

(Baohatinh.vn) - Ít ai biết rằng, Đức Tùng (Đức Thọ) chính là quê ngoại liệt sỹ Nguyễn Thị Quang Thái – người vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dù không phải là nơi “chôn nhau, cắt rốn” nhưng từ trong câu hát mẹ ru, truyền thống của quê hương đã nuôi dưỡng ý chí cách mạng trong chị em bà. Suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, liệt sỹ Nguyễn Thị Minh Khai, liệt sỹ Nguyễn Thị Quang Thái đã dừng chân trên mảnh đất quê hương. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã nhiều lần đặt chân đến nơi này...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ đầu Nguyễn Thị Quang Thái. (Ảnh tư liệu do ông Đậu Văn Toại cung cấp)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ đầu Nguyễn Thị Quang Thái. (Ảnh tư liệu do ông Đậu Văn Toại cung cấp)

Một gia thế đại cách mạng

Theo ghi chép trong sổ lưu niệm của dòng họ Đậu do ông Đậu Văn Toại (SN 1930) làm trưởng tộc thì cụ Đậu Thị Thư (thân sinh liệt sỹ Nguyễn Thị Minh Khai) sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Thịnh Quả (nay là xã Đức Tùng, Đức Thọ). Thông qua người anh ruột Đậu Văn Linh (Thư ký Nhà máy xe lửa Trường Thi) mai mối, cụ Thư lập gia đình với cụ Nguyễn Huy Bình (thường gọi là cụ Hàn Bình), người xứ Bắc kỳ vào TP Vinh lập nghiệp.

Vốn nhanh nhẹn, tháo vát nên sau khi lấy chồng, rời vùng quê nghèo Thịnh Quả xuống TP Vinh sinh sống, cụ Thư làm nghề buôn gạo, bươn chải nuôi sống gia đình. Cụ sinh được 8 người con (5 trai, 3 gái), trong đó có 4 người con là liệt sỹ.

Liệt sỹ Nguyễn Thị Minh Khai (con gái đầu) hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 1941. Người con rể là liệt sỹ Lê Hồng Phong, hy sinh năm 1942. Cụ Nguyễn Huy Bình chứng kiến cảnh giặc Pháp sát hại con gái mình cũng ngã bệnh, mất năm 1942. Liệt sỹ Nguyễn Thị Quang Thái hy sinh trong nhà tù Hỏa Lò năm 1944. Sau đó 4 năm, người em trai của Nguyễn Thị Quang Thái là Nguyễn Huy Tú, hy sinh trong trận đánh Nà Phạc Phủ Thông năm 1948.

Trong một thời gian ngắn, gia đình cụ Thư phải chịu nhiều mất mát, đau thương dồn dập. Cụ đã đưa 3 người con về quê hương Đức Tùng sinh sống. Xóm Tân An, xã Đức Tùng nay vẫn còn lưu giữ ngôi nhà mà mẹ con cụ Thư ở. Con gái của bà Nguyễn Thị Quang Thái và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Võ Hồng Anh có thời gian từng được gửi về cho bà ngoại. Sau này, Đại tướng cũng nhiều lần về thăm mẹ vợ và con gái. Dù thời gian đã xóa mờ ký ức, nhưng trong trí nhớ của ông Đậu Văn Thuyên (SN 1939, ở thôn Thịnh Kim, xã Đức Tùng – người gọi cụ Thư là o ruột vẫn còn lưu lại hình ảnh lần về Đức Tùng năm 1947 của Tướng Giáp.

Cụ Đậu Thị Thư (bên trái ảnh) chụp ảnh cùng Võ Hồng Anh và bà Nguyễn Thị Kiên - mẹ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu do ông Đậu Văn Toại cung cấp)
Cụ Đậu Thị Thư (bên trái ảnh) chụp ảnh cùng Võ Hồng Anh và bà Nguyễn Thị Kiên - mẹ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu do ông Đậu Văn Toại cung cấp)

Ông Thuyên nhớ lại: “Người chỉ tạt qua thăm cụ Hàn Bình (tên thường gọi của cụ Thư) và Hồng Anh được một lúc rồi đi”.

Năm 1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho người về đón cụ Thư ra Hà Nội phụng dưỡng.

Theo lời kể của ông Đậu Văn Toại - trưởng tộc họ Đậu ở Đức Tùng thì suốt những năm tháng bôn ba hoạt động cách mạng, liệt sỹ Nguyễn Thị Minh Khai, liệt sỹ Nguyễn Thị Quang Thái và nhiều chiến sỹ khác đã nhiều lần dừng chân ở quê hương Đức Tùng. Đền làng Tân An trước kia do ông ngoại liệt sỹ Nguyễn Thị Minh Khai trông coi chính là nơi trú ẩn thường xuyên của các chiến sỹ cách mạng mỗi lần lưu lại nơi đây. Tại ngôi nhà cụ Thư sinh sống hiện còn một chiếc rương sắt từng lưu giữ ảnh và thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi cho liệt sỹ Nguyễn Thị Quang Thái, nhưng trải qua chiến tranh, những bức thư đó nay không còn nữa.

Trưởng tộc Đậu Văn Toại cho biết: “Hiện con cháu của bà Thư thỉnh thoảng vẫn về thăm quê hương. Con cháu bà đều là những người tài giỏi, một số giữ chức vụ cao trong quân đội. Dù là thời chiến hay thời bình, con cháu bà đều hoạt động và cống hiến cho đất nước”.

Tình yêu bắt nguồn từ lý tưởng cách mạng

Truyền thống cách mạng của quê hương Đức Tùng nói riêng, Hà Tĩnh nói chung đã nuôi dưỡng ý chí cách mạng cho chị em Nguyễn Thị Quang Thái. Tinh thần cách mạng ấy ngấm vào máu thịt, để rồi các chị, các anh lần lượt dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng.

Ngôi nhà gia đình cụ Đậu Thị Thư từng sống nhiều năm ở đây nay là nhà lưu niệm liệt sỹ Nguyễn Thị Minh Khai
Ngôi nhà gia đình cụ Đậu Thị Thư từng sống nhiều năm ở đây nay là nhà lưu niệm liệt sỹ Nguyễn Thị Minh Khai

Tinh thần ấy được thể hiện trong những câu thơ đầy khí phách của liệt sỹ Nguyễn Thị Quang Thái lúc bị giam cầm trong nhà lao Thừa Phủ (năm 1931) khi chị mới 16 tuổi:

Mười sáu xuân qua sống ở đời

Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi

Trông phường đế quốc lòng ngao ngán

Thấy bạn cần lao dạ rối bời

Quyết chí hy sinh thây kệ chết

Đem lòng phấn đấu mặc đầu rơi

Ngọn cờ vô sản bao giờ phất

Chín suối hồn ta mỉm miệng cười.

Cùng bị giam cầm trong nhà lao Thừa Phủ lúc ấy có chàng thanh niên yêu nước Võ Nguyên Giáp. Tinh thần, ý chí cách mạng của Quang Thái đã khiến anh Văn (tên thường gọi của Võ Nguyên Giáp) xúc động và nảy nở tình cảm. Trước đó, hai người gặp nhau lần đầu tiên trên chuyến tàu Vinh – Huế (năm 1929), nhưng phải đến lúc cùng bị giam trong nhà lao Thừa Phủ, tình yêu của họ mới thực sự nảy nở. Lý tưởng cách mạng chính là sợi dây gắn kết và nuôi dưỡng tình cảm giữa hai người.

Trong một buổi phỏng vấn của báo chí năm 2003, Giáo sư Võ Hồng Anh (đã mất năm 2009) - con gái duy nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Nguyễn Thị Quang Thái - hình dung về buổi gặp gỡ đầu tiên của ba mẹ mình qua lời kể đấng sinh thành: “Mẹ Thái mặc áo dài, tóc để xõa, da trắng hồng, gương mặt rất sáng, đặc biệt là đôi mắt, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng ba. Ba khi ấy đóng vai một nhà báo khá ăn diện. Về sau, mẹ nói lại cho ba ấn tượng đầu tiên của mình: Một chàng thư sinh, chỉ khi nghe tự giới thiệu là nhà báo thì mẹ mới dịu lòng và bắt chuyện”.

Nhà thờ họ Đậu ở xóm Tân An, xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ (trong ảnh là Trưởng tộc Đậu Văn Toại)
Nhà thờ họ Đậu ở xóm Tân An, xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ (trong ảnh là Trưởng tộc Đậu Văn Toại)

Lần gặp thứ hai của Tướng Giáp và người vợ đầu là tại một ngôi nhà khuất nẻo trong thành nội Huế. Khi đó, Quang Thái đến xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng. Sau đó, Quang Thái vào Huế học và tìm bắt liên lạc với tổ chức để nhận công tác với đoàn thể. Hai người có cơ hội gặp nhau vài lần. Thời gian qua đi, trong quá trình hoạt động, đấu tranh, tình yêu của họ nảy nở từ những lý tưởng chung về cách mạng...

Hai người kết hôn khi bà Quang Thái 20 tuổi; nhưng mãi đến nhiều năm sau, họ mới sinh con. Vào cuối năm 1939, thực dân Pháp khủng bố mạnh. Lúc này, Võ Nguyên Giáp được cử sang Trung Quốc hoạt động. Vào một buổi chiều thứ sáu, ngày 3/5/1940, trên đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh niên), Võ Nguyên Giáp chia tay vợ con để sang Trung Quốc hoạt động. Cả hai vợ chồng bà Quang Thái không ngờ đó là cuộc chia ly vĩnh viễn giữa hai người.

Năm 1942, bà Quang Thái bị bắt và bị kết án 16 năm tù. Trong thời gian bị giam giữ, bà thường xuyên bị tra tấn nhưng vẫn kiên trung, không tiết lộ thông tin của tổ chức. Năm 1944, bà Quang Thái mất do kiệt sức khi chăm sóc bệnh nhân trong nhà lao Hỏa Lò và bị nhiễm phong hàn. Do điều kiện phải hoạt động bí mật nên mọi thông tin về việc bà Quang Thái bị bắt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không hề hay biết. Chỉ đến khi trở về nước và tham dự hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ họp tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) vào tháng 4/1945, Đại tướng mới nhận được tin dữ…

Yêu và nên duyên vợ chồng, nhưng trong khoảng 10 năm kết nghĩa phu thê ấy, Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái không có nhiều thời gian ở bên nhau. Tình yêu của họ vẫn nồng nàn, cháy bỏng cùng với lý tưởng cách mạng cao cả. Bởi vậy, trong tâm thức của vị Đại tướng lúc còn sống, quê hương Đức Tùng vẫn gắn bó với người. Ngay cả khi đau yếu nằm trên giường bệnh, Người vẫn nhớ gửi lời chúc mừng khi gia tộc họ Đậu tổ chức họp mặt. Người cũng không quên dặn dò con cháu phải nhớ về nguồn cội quê hương. Bởi vậy, khi Tướng Giáp ra đi, người dân Đức Tùng không chỉ khóc thương vị Đại tướng vĩ đại của dân tộc mà còn khóc thương người cháu rể kính mến của quê hương!

_______

(*) Năm 1996, Nhà nước truy phong Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đậu Thị Thư có 3 người con là liệt sỹ Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Quang Thái và Nguyễn Huy Tú.

Ghi chép

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast